Sử dụng thảo dược trị giãn tĩnh mạch chân được nhiều người bệnh lựa chọn bởi tính an toàn cao, ít tác dụng phụ. Đáng nói là không phải ai cũng nhận định được tác dụng thực sự của các loại thảo dược. Điều này khiến nhiều người rơi vào tình thế “tốn công vô ích”. Để giảm thiểu tình trạng này, bài viết hôm nay gửi đến bạn 7 loại thảo dược đã được chứng minh có tác dụng cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân.
Mục lục
1. Hạt dẻ ngựa – Aesculus hippocastanum
Trong Y học cổ phương Tây, cây hạt dẻ ngựa được sử dụng như một phương thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch. Người dân tại các khu vực này thường dùng chiết xuất vỏ, cành non và hạt dẻ ngựa để đắp trực tiếp lên vùng tĩnh mạch suy giãn và nhận thấy các triệu chứng được cải thiện rõ rệt.
Ngày này, các nhà khoa học đã tiến hành phân tích thành phần của cây hạt dẻ ngựa và phát hiện thấy các 2 nhóm hoạt chất chính gồm:
- Saponin ( 3- 5%): Hợp chất chính là aescin được tách làm 3 loại nhỏ gồm: crypto-, α-, và β-aescin. Trong đó, β-Aescin là thành phần hoạt chất, tạo ra tác dụng dược lý cho cây dẻ ngựa.
- Flavonoid : Gồm các dẫn xuất quercetin và kaempferol, proanthocyanidin và sterol.
Trong điều trị suy giãn tĩnh mạch, hoạt chất aescin giữ vai trò chủ đạo. Các nghiên cứu đã chứng minh được hoạt chất này có khả năng kiểm soát tốt các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch như:
Chống viêm, phù nề
Aescin làm tăng hoạt động của phospholipase A 2 – Chịu trách nhiệm giải phóng tiền chất của các chất trung gian gây viêm. Bên cạnh đó, hoạt chất này cũng làm giảm sự kết dính tiểu cầu, giảm tập hợp bạch cầu trung tính và giảm sự bám dính bạch cầu trung tính vào nội mô mạch máu. Quá trình này ức chế phản ứng viêm hiệu quả.
Ngoài ra, chiết xuất hạt dẻ ngựa cũng được chứng minh làm giảm sự thoát mạch của huyết tương và di chuyển của bạch cầu, ức chế quá trình giải phóng chất trung gian gây viêm, nhờ đó ức chế quá trình viêm và phù nề. Mặt khác, hoạt chất aescin cũng được chứng minh có khả năng bảo vệ tế bào lót tĩnh mạch, giảm tính thấm của mao mạch da, ngăn chặn sự rò rỉ huyết tương từ đó giảm nhẹ tình trạng đau nhức, sưng tấy, phù nề trong giãn tĩnh mạch.
Thúc đẩy tuần hoàn
Các nhà khoa học cũng đã thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của aescin và chiết xuất hạt dẻ ngựa đến sức căng tĩnh mạch trong quá trình điều trị suy giãn tĩnh mạch. Kết quả cho thấy, khi sức căng tĩnh mạch tăng lên thì tốc độ tuần hoàn tĩnh mạch cũng được cải thiện. Điều này giúp cải ngăn ngừa trạng tắc nghẽn mạch máu, tăng cường sự phân tán hồng cầu và cải thiện khả năng cung cấp oxy đến các mô.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng chứng minh được chiết xuất hạt dẻ ngựa và aescin ảnh hưởng đến sức căng của tĩnh mạch thông qua khả năng kích thích sản xuất prostaglandin F2. Quá trình này giúp điều chỉnh hoạt động co bóp của tĩnh mạch và ức chế quá trình dị hóa mucopolysacarit của mô tĩnh mạch. Chiết xuất hạt dẻ ngựa còn có một tác dụng khác là giảm độ nhớt của máu, từ đó cải thiện tốc độ di chuyển của máu trong lòng mạch.
Bảo vệ thành mạch
Quá trình stress oxy hóa tế bào có thể gây tổn thương tế bào thành mạch tĩnh mạch, khiến suy giãn tĩnh mạch tiến triển nặng nề hơn.
Các phân tích cho thấy, những thành phần chống oxy hóa trong hạt dẻ ngựa như: quercetin và kaempferol có khả năng chống lại hoạt động của gốc tự do, từ đó ức chế phản ứng viêm và ngăn tổn thương tế bào. Tác dụng này cũng được ghi nhận với thành phần aescin, nhờ đó tạo ra tác dụng chống oxy hiệp đồng, giúp bảo vệ thành mạch tốt hơn.
Như vậy, hạt dẻ ngựa có thể được ứng dụng như một biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch ngắn hạn. Tuy nhiên, các sản phẩm tươi từ hạt dẻ ngựa có thể có thể gây ra các tác dụng phụ: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhức đầu, co giật, suy hô hấp, suy tuần hoàn nên người bệnh cần tránh sử dụng trực tiếp.
2. Cây đậu chổi – Ruscus aculeatus
Từ hơn 2000 năm trước, cây đậu chổi đã được người dân phương Tây sử dụng như một vị thuốc truyền thống điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng cách sử dụng dịch chiết, thuốc sắc hay thuốc đắp. Ngay nay, tác dụng này của cây đậu chổi đã được giới khoa học chứng minh và ứng dụng phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Phân tích thành phần của cây đậu chổi cho thấy hàm lượng cao hợp chất saponin trong rễ và thân cây đậu chổi. Trong đó, hợp chất ruscogenin đóng vai trò chính, có tác dụng co mạch và giảm phù nề. Ngoài ra, hoạt chất này còn hoạt động như một chất chủ vận trên thụ thể adrenergic trong cơ trơn tĩnh mạch, giúp giảm tính thấm mạch máu. Nhờ những tác động này, cây đậu chổi được ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm trị giãn tĩnh mạch.
Theo nghiên cứu của Đại học Washington DC – Mỹ, chiết xuất của cây đậu chổi kích hoạt các thụ thể giải phóng noadrenaline làm tăng huyết mạch và co thắt mạch máu. Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho máu lưu thông trong lòng mạch, cải thiện tình trạng ứ đọng máu trong lòng mạch, nhờ đó khắc phục các triệu chứng: đau tức, phù nề chân và ngăn suy giãn tĩnh mạch tiến triển.
Ngoài ra, ruscogenin ở rễ cây đậu chổi có tác dụng làm co mạch, tăng cường tuần hoàn máu từ chân về tim, giảm tốc độ tĩnh mạch bị suy giãn. Một nghiên cứu trên 166 bệnh nhân giãn tĩnh mạch cho thấy, các triệu chứng phù nề, sưng tấy ở chân được cải thiện đáng kể sau 3 tháng sử dụng chiết xuất cây đậu chổi.
Trong một nghiên cứu khác, sự kết hợp chiết xuất cây đậu chổi cùng vitamin C và hesperidin methyl theo tỷ lệ 150mg: 100mg: 150mg giúp giảm nhanh triệu chứng sưng tấy, đau nhức và chuột rút ở bệnh nhân giãn tĩnh mạch.
Cây đậu chổi là thảo dược hiệu quả trong khắc phục chứng giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, thảo dược này cũng có thể gây các tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa, khó tiêu, buồn nôn và ảnh hưởng đến huyết áp, tuyến tiền liệt. Vì vậy, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
3. Cây phỉ – Witch Hazel
Cây Phỉ là thảo dược được sử dụng phổ biến tại Hoa Kỳ. Người dân nơi đây thường sử dụng thảo dược này dưới dạng trà hoặc thuốc mỡ. Để nghiên cứu tác dụng trị giãn tĩnh mạch của cây phỉ, các nhà khoa học đã tiến hành phân lập thành phần hóa học và phát hiện các hợp chất flavonoid, tanin và catechin. Những chất này tác động trực tiếp lên tuần hoàn, mạch máu, phản ứng oxy hóa và phản ứng viêm trong cơ thể.
Những tác dụng của cây phỉ được ghi nhận trong điều trị giãn tĩnh mạch gồm:
- Chống viêm, giảm phù nề: Thành phần tanin trong cây phỉ được cho là có khả năng chống viêm, ngăn hoạt động của các gốc tự do, từ đó giảm tình trạng phù nề, sưng tấy và ngăn ngừa viêm tĩnh mạch.
- Bảo vệ tĩnh mạch: Hoạt chất tanin trong cây phỉ hoạt động như một chất giúp “thắt chặt” tĩnh mạch, cải thiện tĩnh mạch bị phình giãn, qua đó kiểm soát và ngăn suy giãn tĩnh mạch tiến triển nặng hơn.
- Ngăn biến chứng: Các hợp chất chống oxy hóa trong cây phỉ có tác dụng chống viêm mạnh, làm se huyết khối từ đó giảm nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu, gây biến chứng thuyên tắc phổi.
Việc sử dụng cây phỉ ở ngoài da có thể dẫn đến kích ứng, đỏ rát. Khi dùng đường uống có thể gây kích ứng dạ dày, tăng nguy cơ tổn thương gan, thận. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Xem thêm: Các biến chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
4. Cây nho đỏ – Vitis vinifera
Lá của cây nho đỏ cũng được ứng dụng rộng phổ biến trong các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch. Theo đó, chiết xuất lá nho đỏ có thành phần chính là: quercetin-3-O-beta-glucuronide và isoquercitrin (quercetin-3-O-beta-glycoside). Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh được, chiết xuất này có tác dụng giảm triệu chứng phù nề ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch mạn tính.
Một thực nghiệm được thực hiện trên 65 bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch độ I và độ II cho thấy, sử dụng 2 viên nén chứa chiết xuất lá cây nhỏ đỏ mỗi ngày (360mg), liên tục trong 42 ngày giúp cải thiện tất cả các triệu chứng như: nặng mỏi, căng ngứa và đau nhức ở chân.
Một nghiên cứu khác cũng chứng minh được, sử dụng chiết xuất lá nho đỏ ở liều 360mg và 720mg làm giảm đáng kể triệu chứng phù và các triệu chứng liên quan ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch mãn tính. Khả năng kiểm soát phù của chiết xuất lá nho đỏ tương đương với việc sử dụng vớ nén và các thuốc giảm phù khác.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện phức hợp proanthocyanidin oligomeric (OPC) trong chiết xuất hạt nho có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường cấu trúc mô liên kết của mạch máu và chống viêm hiệu quả.
Trong các nghiên cứu, bệnh nhân có thể phải tác dụng phụ rối loạn tiêu hóa. Tác dụng phụ này khá nhẹ nhàng nên việc sử dụng chiết xuất lá nho đỏ hứa hẹn là giải pháp tiềm năng cho bệnh nhân giãn tĩnh mạch.
5. Hoa hòe – Styphnolobium japonicum
Hoa hòe là vị thảo dược quen thuộc của người dân Việt Nam. Trong Y học cổ truyền, hoa hòe được xếp vào vị thuốc có vị đắng, tính bình, được sử dụng để cầm máu rất tốt. Đây là lý do loại thảo dược này được sử dụng phổ biến trong các bệnh: đại tiện ra máu, xuất huyết dưới da, chảy máu búi trĩ, nôn ra máu hay cao huyết áp.
Hiện nay, nghiên cứu khoa học hiện đại đã xác định được rutin là hoạt chất chính tạo tác dụng dược lý của hoa hòe. Hàm lượng rutin cao nhất trong nụ hoa hòe, có thể lên đến 34%. Đây là một loại flavonoid đã được chứng minh có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa, kháng khuẩn và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện ra tác dụng củng cố thành mạch máu của hoạt chất này.
Trong điều trị suy giãn tĩnh mạch, những lợi ích mà hoa hòe có thể đem lại cho người bệnh gồm:
Bảo vệ thành mạch: Rutin trong hoa hòe giúp củng cố độ đàn hồi của mao mạch, hỗ trợ quá trình làm co mạch, giảm tình trạng phình giãn tĩnh mạch và duy trì chức năng tuần hoàn của mạch máu. Ngoài ra, hoạt chất này cũng góp phần làm giảm trương lực cơ trơn, chống co thắt và giảm hiện tượng giãn tĩnh mạch.
Giảm phù: Rutin trong hoa hòe có đặc tính chống oxy hóa, ức chế tình trạng oxy hóa adrenalin qua đó tăng cường sức đề kháng cho mao mạch, gây co mạch, làm giảm tính thấm của mao mạch và ngăn thoát dịch ngoài lòng mạch. Chính tác dụng này đã giúp cải thiện triệu chứng sưng tấy, phù nề trong suy giãn tĩnh mạch.
Xem thêm: Các bài thuốc dân gian chữa giãn tĩnh mạch bằng hoa hòe
6. Cây thông đỏ – Pinus maritima
Cây thông đỏ là thảo dược được được ứng dụng rộng rãi trong các phương pháp điều trị chứng giãn tĩnh mạch. Theo đó, các nhà khoa học đã chiết tách thành công hoạt chất Pycnogenol từ vỏ cây thông và chứng minh được hiệu quả của nó với bệnh nhân giãn tĩnh mạch.
Nghiên cứu cho thấy, Pycnogenol tạo ra ảnh hưởng tích cực với bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, cụ thể như sau:
Giảm phù nề: Nghiên cứu đã chứng minh được việc sử dụng Pycnogenol liều 100mg/ ngày, trong 3 tháng cho thấy tác dụng cải thiện trương lực cơ tĩnh mạch, cải thiện khả năng chữa lành vết loét, giảm phù và giảm nguy cơ hình thành huyết khối ở các tĩnh mạch.
Ngăn suy giãn tĩnh mạch tiến triển: Việc bổ sung Pycnogenol từ giai đoạn sớm có thể làm giảm tốc độ tiến triển của suy giãn tĩnh mạch mãn tính. Hoạt chất này giúp ngăn tĩnh mạch phình giãn đồng thời phục hồi trương lực cơ cũng như độ đàn hồi của tĩnh mạch.
7. Rau má
Hầu hết mọi người biết đến rau má trong vai trò của một loại rau có thể sử dụng trong chế độ ăn hàng ngày. Tuy nhiên, rau má cũng là vị thuốc điều trị giãn tĩnh mạch đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Các nhà khoa học đã phát hiện được trong chiết xuất rau má có chứa đến 70% axit triterpenic (axit asiatic, axit madecassic, asiaticoside) có hiệu quả ấn tượng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Theo đó, thành phần triterpenic có khả năng bình thường hóa quá trình trao đổi chất của các mô liên kết, tăng cường tính toàn vẹn của các mô bằng cách kích thích quá trình tổng hợp glycosaminoglycan, thúc đẩy tổng hợp collagen và tăng trưởng tế bào. Tác dụng này giúp tăng cường cấu trúc của mô liên kết ở mạch máu, giảm tình trạng xơ cứng và cải thiện tuần hoàn máu trong tĩnh mạch.
Nghiên cứu về tác dụng trị giãn tĩnh mạch của chiết xuất rau má cũng cho thấy, chiết xuất thảo dược này giúp cải thiện các thông số vi tuần hoàn, từ đó cải thiện giãn tĩnh mạch và giảm tính thấm qua mao mạch. Điều này giúp khắc phục triệu chứng phù nề chân.
Một nghiên cứu được thực hiện trên 94 bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân trong 2 tháng cho kết quả sử dụng chiết xuất rau má ở liều 120mg/ ngày và 60mg/ ngày giúp cải thiện cảm giác nặng nề, khó chịu và phù nề ở chân.
Có thể bạn quan tâm: Cách chữa giãn tĩnh mạch tại nhà bằng rau má
Trên đây là bài viết giới thiệu về 7 loại thảo dược điều trị giãn tĩnh mạch chân đã được chứng minh qua các nghiên cứu khoa học. Hy vọng những thông tin này sẽ là tài liệu giúp bạn có thêm lựa chọn để kiểm soát bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân một cách hiệu quả và an toàn.
[tab]