Giãn tĩnh mạch chân là căn bệnh khá phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 35% người đang làm việc và 50% người đã nghỉ hưu gặp phải tình trạng này. Rất nhiều người mắc bệnh đều có chung thắc mắc không biết bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm hay không? Có những cách điều trị nào? Chi tiết sẽ được giải đáp ở bài viết dưới đây.
Mục lục
Giãn tĩnh mạch chân là gì?
Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các van tĩnh mạch ở vùng chân hoạt động không hiệu quả, ảnh hưởng đến sự lưu thông máu trở về tim, làm máu ứ đọng lại trong lòng tĩnh mạch, lâu dần sẽ khiến tĩnh mạch bị giãn to ra. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tác động xấu đến sức khỏe cũng như đời sống, sinh hoạt của người mắc.
Đối tượng có nguy cơ cao bị giãn tĩnh mạch chân thường là người lớn trên 50 tuổi (phụ nữ bị nhiều hơn nam giới), người làm các công việc phải đứng nhiều hay môi trường làm việc có nhiệt độ cao, người hay đi giày cao gót, mặc quần áo chật, người béo phì, phụ nữ mang thai…
Ở giai đoạn đầu, các dấu hiệu của giãn tĩnh mạch chân không quá rõ ràng, chỉ thoáng qua nên người bệnh thường chủ quan, không để ý. Đến khi bệnh tiến triển, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng và nặng hơn. Lúc này, người bệnh sẽ thấy nặng chân, tê mỏi chân, chuột rút vào ban đêm, các tĩnh mạch giãn ra gây đau tức chân, phù chân, thậm chí các búi tĩnh mạch còn nổi to rõ trên da nhìn rất mất thẩm mỹ.
Xem chi tiết: Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chân qua các giai đoạn
Suy giãn tĩnh mạch nếu không điều trị sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như loét da, nhiễm trùng, tạo huyết khối trong lòng tĩnh mạch…
Bị giãn tĩnh mạch chân có nguy hiểm?
Giãn tĩnh mạch chân không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách:
Rối loạn huyết động học
Giãn tĩnh mạch chân có thể gây nên tình trạng rối loạn huyết động học, dẫn đến những bất thường về lưu lượng máu và áp lực máu trong hệ tuần hoàn. Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng chân sưng to, mặt chân cẳng sau đau buốt, chuột rút liên tục về đêm, đi lại cực kỳ khó khăn, thậm chí không thể đi lại được.
Viêm tắc tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch chân làm tăng nguy cơ viêm tắc tĩnh mạch bởi khi máu không lưu thông được, bị ứ đọng lại lòng mạch, lâu ngày sẽ khiến thành mạch bị tổn thương, viêm nhiễm. Biểu hiện ra ngoài sẽ là tình trạng sưng, đau, nóng rát. Nếu để kéo dài không điều trị sẽ dẫn đến loét tĩnh mạch, hình thành cục máu đông.
Giãn vỡ tĩnh mạch
Giãn vỡ tĩnh mạch được xem là biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất của bệnh giãn tĩnh mạch. Máu bị ứ đọng trong tĩnh mạch tạo áp lực lớn lên thành mạch, đến thời điểm không chịu đựng được nữa chúng sẽ vỡ ra gây chảy máu.
Với những mạch máu sát bề mặt da, vỡ tĩnh mạch sẽ gây nên những vết bầm mất thẩm mỹ, người bệnh bị mất đi lượng máu đáng kể, dễ dẫn tới thiếu máu mạn tính. Còn vỡ tĩnh mạch tại mắt cá chân, khớp gối có thể khiến máu chảy tự nhiên vào trong ổ khớp gây thoái hóa và suy giảm chức năng khớp sớm.
Nguy hiểm nhất phải kể đến tình trạng giãn vỡ tĩnh mạch xảy ra ở các tĩnh mạch sâu có kích thước lớn khiến việc cầm máu cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, lượng máu thoát mạch tăng dần còn dẫn đến hội chứng chèn ép khoang gây đè nén mạch máu nuôi đến chi và hoại tử chi. Lúc này, người bệnh cần được sơ cứu cầm máu gấp, đồng thời nhanh chóng can thiệp phẫu thuật không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu
Cơ chế dẫn tới hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu là do sự ứ đọng máu trong hệ thống tĩnh mạch khiến chúng bị giãn lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các cục máu đông hay còn gọi là các huyết khối. Những cục máu đông này sẽ gây tắc nghẽn, cản trở việc máu trở lại tim khiến chân sưng phù, thậm chí làm thiếu máu nuôi tại chỗ, nặng có thể gây hoại tử chân.
Nguy hiểm hơn, huyết khối tĩnh mạch sâu này có thể vỡ ra, theo dòng tuần hoàn máu trong tĩnh mạch hồi trở về tim gây tắc mạch phổi. Nếu xảy ra trên diện rộng sẽ rất nguy kịch, người bệnh bị sốc tắc nghẽn, thiếu oxy máu nặng, nguy cơ dẫn tới tử vong.
Loét chân
Suy giãn tĩnh mạch khiến máu ứ đọng trong các tĩnh mạch chân không hồi lưu về tim được, đồng thời nó cũng ngăn cản không cho dòng máu giàu dưỡng chất từ tĩnh mạch đi đến. Máu không được lưu thông, các tế bào không được cung cấp dinh dưỡng lâu dần sẽ khiến vùng chân bị sưng phù, viêm nhiễm, lở loét.
Ống chân và mắt cá chân là khu vực dễ bị loét nhất vì vùng này không có lớp cơ phía dưới mà chỉ là da bọc xương nên máu nuôi và dinh dưỡng sẽ kém hơn. Loét chân do giãn tĩnh mạch thường tiến triển mãn tính, kéo dài dai dẳng, gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân.
Tóm lại, suy giãn tĩnh mạch chân sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vậy nên, ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường ở chân, người bệnh cần đi thăm khám sớm để được áp dụng phương pháp điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng.
Đọc thêm: Các hiểu lầm về bệnh giãn tĩnh mạch chân
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân hiện nay
Tùy theo tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh hiện nay:
Điều trị nội khoa
Mục đích của phương pháp điều trị này là tăng cường chức năng bơm máu của hệ thống cơ chi dưới, từ đó hỗ trợ quá trình hồi lưu tĩnh mạch về tim, giảm triệu chứng suy giãn tĩnh mạch. Để làm được điều này, người bệnh cần thay đổi lối sống và công việc sao cho phù hợp, chẳng hạn như:
- Không ngồi hoặc đứng quá lâu.
- Kê chân cao mỗi khi nằm nghỉ.
- Giữ cân nặng ổn định, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
- Đi tất hỗ trợ giãn tĩnh mạch chân.
- Nên thường xuyên tập các bài tập cơ, tập hít thở sâu.
- Có chế độ ăn uống hợp lý, tăng cường rau xanh và hoa quả.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc hỗ trợ điều trị như: thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, thuốc làm tan cục máu đông, thuốc tăng bền thành mạch…
☛ Có thể bạn quan tâm: Top 7 loại gối giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay
Chích xơ tĩnh mạch
Chích xơ hay tiêm xơ tĩnh mạch là phương pháp điều trị tương đối hiệu quả với tình trạng suy giãn tĩnh mạch mạng nhện. Bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp một dung dịch có tác dụng làm xơ hóa vào vùng tĩnh mạch bị ảnh hưởng làm chúng sưng lên và dính lại với nhau. Sau một thời gian, các tĩnh mạch này sẽ biến thành mô sẹo và mờ dần.
Chích xơ tĩnh mạch cần được thực hiện ở các cơ sở y tế, số lượng tĩnh mạch mỗi lần tiêm là khác nhau phụ thuộc vào vị trí, kích thước của các tĩnh mạch cũng như sức khỏe của người bệnh. Hiệu quả của phương pháp này mang lại ước tính từ 50% đến 80%.
Phẫu thuật
Với những trường hợp suy giãn tĩnh mạch nặng, xuất hiện biến chứng, áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả thì người bệnh bắt buộc phải phẫu thuật. Phương pháp này sẽ loại bỏ toàn bộ hệ thống tĩnh mạch nông bị giãn giúp giảm áp lực tĩnh mạch dưới da, từ đó hạn chế và ngăn ngừa xuất hiện những tĩnh mạch giãn mới.
Sau khi hệ tĩnh mạch nông bị loại bỏ, việc chuyển máu về tim sẽ không bị ảnh hưởng vì chúng sẽ đi theo hệ thống tĩnh mạch sâu. Vậy nên, phẫu thuật này chỉ thực hiện khi khi hệ thống tĩnh mạch sâu của người bệnh có đủ khả năng thay thế cho tĩnh mạch nông.
Đốt laser hoặc dùng sóng cao tần
Đây là thủ thuật dùng năng lượng của tia laser hay sóng cao tần để gây xơ hóa hệ thống tĩnh mạch bị ảnh hưởng sau đó phá hủy chúng. Phương pháp này thường áp dụng cho người bệnh bị suy giãn tĩnh mạch độ 2 trở nên hoặc áp dụng điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả.
Ưu điểm của điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser hay sóng cao tần là thực hiện nhanh, ít xâm lấn, không để lại sẹo, người bệnh phục hồi nhanh, có thể đi lại thậm chí là xuất viện luôn trong ngày. Tuy nhiên, chi phí thực hiện tương đối cao.
☛ Tìm hiểu thêm: Chi phí điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser hết bao nhiêu?
Bơm keo sinh học
Đây là kỹ thuật mới trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ sẽ bơm một loại keo sinh học vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn, keo sẽ bám dính khiến tĩnh mạch bị ép lại thành một khối dẹt, đồng thời chức năng cũng bị vô hiệu hóa.
Với phương pháp này, thời gian thực hiện cũng vô cùng nhanh chóng, không gây tổn thương vùng mô xung quanh, người bệnh phục hồi nhanh, hiệu quả điều trị cao và gần như không bị tái phát.
Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch hiệu quả
Suy giãn tĩnh mạch chân không chỉ gây nhiều khó chịu, phiền toái cho cuộc sống mà còn dẫn đến nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Chính vì vậy, mỗi chúng ta cần có những biện pháp phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả. Cụ thể:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt không tốt như đứng quá lâu hay ngồi quá lâu một chỗ. Nên thay đổi tư thế, co duỗi chân thường xuyên để máu được lưu thông liên tục.
- Hạn chế đi giày cao gót hay mặc quần áo quá chật, quá bó. Thay vào đó là đi giày dép và mặc những trang phục thoải mái, rộng rãi.
- Uống nhiều nước mỗi ngày để giảm nguy cơ hình thành huyết khối.
- Kiểm soát cân nặng, không để tình trạng cơ thể thừa cân, béo phì.
- Kê cao chân khi ngủ giúp máu lưu thông trở về tim dễ dàng hơn.
- Tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập hỗ trợ bắp chân, giúp quá trình bơm máu về tim thuận lợi, tăng tuần hoàn máu.
- Bổ sung nhiều thực phẩm chứa flavonoid như trái cây, rau xanh, đậu…giúp cải thiện lưu thông máu, giảm áp lực động mạch.
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Qua những thông tin mà chúng tôi chia sẻ, hi vọng mọi người đã hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của chứng bệnh này đồng thời có biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả.