Chạy bộ được biết đến là môn thể thao mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, với những người bị suy giãn tĩnh mạch chân thì sao, có phù hợp với bộ môn này? Và nếu chạy thì có cần phải lưu ý gì không? Các bạn hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau:
Lợi ích của chạy bộ với sức khỏe
Chạy bộ là môn thể thao đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe, chẳng hạn như:
Giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp
Việc chạy bộ thường xuyên, khoảng 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu, từ đó hỗ trợ quá trình vận chuyển oxy và dưỡng chất tới nuôi dưỡng các cơ quan và mô trong cơ thể. Tuần hoàn máu tốt, các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả sẽ cải thiện chức năng tim mạch, ngăn ngừa mắc các bệnh về tim và cao huyết áp.
Giúp hệ cơ xương khớp khỏe mạnh
Chạy bộ không chỉ giúp tăng cường sức mạnh và độ bền của cơ bắp ở vùng chân, đùi, mông mà còn giúp cơ thể sản sinh nhiều hormone HGH, cải thiện độ dẻo dai của hệ thống khớp và cơ, từ đó giảm nguy cơ chấn thương và đau nhức ở khu vực này.
Tăng cường miễn dịch
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc chạy bộ thường xuyên có thể giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, chống lại bệnh tật do vi khuẩn, virus, nấm gây ra. Ngoài ra, chạy bộ còn giúp gia tăng lợi khuẩn đường ruột, cải thiện phản ứng kháng thể, giảm viêm và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Giảm cân, duy trì vóc dáng cân đối
Chạy bộ có tác dụng đốt cháy calo nên được xem là một phương pháp giảm cân, duy trì vóc dáng săn chắc, khỏe mạnh rất hiệu quả. Chạy bộ giúp cơ thể tiêu hao năng lượng từ chất béo và carbonhydrat từ đó giúp giảm mỡ thừa và ngăn ngừa tăng cân.
Suy giãn tĩnh mạch chân có chạy bộ được không?
Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng chức năng hồi máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới bị suy giảm. Việc này khiến máu bị ứ đọng lại trong lòng mạch làm tĩnh mạch bị giãn phình ra, không chỉ ảnh hưởng đến huyết động mà còn gây biến dạng các mô xung quanh.
Như đã nói ở trên, việc chạy bộ mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tim mạch và cơ bắp. Vậy nên rất nhiều người thắc mắc, không biết đang bị suy giãn tĩnh mạch chân thì có chạy bộ được không? Câu trả lời như sau:
Hoạt động chạy bộ tuy mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng môn thể thao này không phải lúc nào cũng phù hợp với những người đang bị suy giãn tĩnh mạch chân. Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể mà người bệnh sẽ được khuyến khích, chỉ dẫn áp dụng các bài tập khác nhau. Cụ thể:
Người bị suy giãn tĩnh mạch chân chỉ nên chạy bộ khi bệnh ở giai đoạn đầu, các triệu chứng còn ở mức độ nhẹ. Lúc này, hoạt động chạy bộ mỗi ngày sẽ giúp tăng cường khả năng lưu thông máu, hạn chế tình trạng tắc nghẽn, ứ đọng, cải thiện triệu chứng suy giãn tĩnh mạch hiệu quả. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần lưu ý là chỉ chạy bộ với cường độ nhẹ, vừa phải, không nên tập cường độ cao sẽ phản tác dụng, tạo áp lực lớn lên chân khiến triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trở nên nặng hơn.
Hoạt động chạy bộ sẽ không phù hợp với những người bị suy giãn tĩnh mạch chân nặng vì lúc này thành tĩnh mạch không còn đủ khỏe để chịu được những lực tác động lớn. Việc chạy bộ hay hoạt động mạnh có thể gây nên tình trạng chảy máu trong cực kỳ nguy hiểm. Vì thế, người bệnh lúc này chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng để không gây áp lực quá lớn lên tĩnh mạch chân đang yếu.
Tóm lại, để biết tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân của mình có được chạy bộ hay không, người bệnh cần đi thăm khám và nghe lời khuyên từ bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự phán đoán và tự tập luyện, điều này có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Lưu ý chạy bộ cho người suy giãn tĩnh mạch chân
Với trường hợp suy giãn tĩnh mạch chân được phép chạy bộ, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau để quá trình tập luyện mang lại hiệu quả cao:
Khởi động trước khi chạy
Trước khi chạy bộ, người bệnh cần dành ra khoảng 10-15 phút để khởi động cơ thể bằng các động tác như xoay khớp, co duỗi cơ, vận động tại chỗ… Việc này sẽ giúp làm nóng cơ thể, tăng cường tuần hoàn máu, cơ và khớp được khởi động thích nghi nên sẽ giảm nguy cơ chấn thương khi chạy.
Chọn giày phù hợp
Một đôi giày phù hợp sẽ giúp quá trình chạy bộ diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Nên chọn những đôi giày chuyên để chạy bộ có đế mềm, ôm sát và vừa vặn với chân. Không nên chọn loại giày đế cứng, có gót quá cao, kích thước quá rộng hoặc quá chật.
☛ Đọc thêm: Bật mí cách chọn giày dép cho người giãn tĩnh mạch
Về địa điểm và thời tiết
Nên chọn chạy bộ ở những nơi có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, tránh những nơi đường dốc, gập ghềnh vì sẽ làm tăng áp lực lên chân, đồng thời tăng nguy cơ chấn thương.
Không nên chạy bộ khi thời tiết quá nóng, quá lạnh hay quá ẩm ướt. Những kiểu thời tiết tiêu cực như trên sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hiệu quả của việc chạy bộ.
Cường độ chạy
Người bệnh cần điều chỉnh cường độ chạy cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Ban đầu nên tập làm quen với những buổi chạy ngắn và nhẹ nhàng. Khi sức khỏe cải thiện hơn thì mới tăng dần cự ly và tốc độ. Không nên chạy với cường độ cao trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên tim và tĩnh mạch, nguy cơ tăng triệu chứng giãn tĩnh mạch.
Dùng công cụ hỗ trợ
Người bệnh giãn tĩnh mạch chân có thể đeo vớ y khoa (vớ giãn tĩnh mạch) khi chạy bộ để tăng thêm hiệu quả. Vớ y khoa có khả năng tạo áp lực từ ngoài vào trong, giúp máu ở tĩnh mạch chân dễ dàng lưu thông trở về tim hơn. Đeo vớ y khoa khi chạy bộ không chỉ giúp bảo vệ thành mạch, lưu thông máu tốt mà còn ổn định cơ bắp, hạn chế nguy cơ chấn thương khi chạy.
☛ Đọc thêm: Hướng dẫn cách mang vớ giãn tĩnh mạch đúng
Bổ sung đủ nước
Để hạn chế tình trạng mất nước khi chạy bộ cũng như giúp máu được tuần hoàn tốt, trước và sau khi chạy, cơ thể cần được bổ sung từ 300ml – 500ml nước.
Thả lỏng cơ thể sau khi chạy
Sau khi chạy bộ xong, người bệnh không được ngồi nghỉ ngay mà nên thả lỏng cơ thể, đi bộ nhẹ nhàng một lúc để giảm nhịp tim và huyết áp, đồng thời phục hồi cơ bắp và tĩnh mạch.
Nên duy trì đều đặn
Duy trì thói quen chạy bộ đều đặn mỗi ngày không chỉ cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch chân hiệu quả mà còn tạo một thói quen tốt giúp hạn chế và ngăn ngừa được nhiều nguy cơ xấu cho sức khỏe.
Bị suy giãn tĩnh mạch chân vẫn có thể chạy bộ được nhưng tùy theo mức độ và tình trạng bệnh cụ thể. Người bệnh cần được thăm khám, đánh giá và cho phép từ bác sĩ chuyên khoa, tránh trường hợp tự ý chạy khiến bệnh nặng hơn, tăng nguy cơ biến chứng. Trong quá trình chạy, người bệnh phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn, đồng thời nắm rõ những lưu ý để mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe.