Nhiệt miệng là những vết loét nông, màu trắng hoặc vàng, viền ngoài màu đỏ, có ranh giới rõ ràng, đường kính vết loét từ 1 – 10mm. Chúng sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần, mà không cần điều trị. Nhưng nếu vết loét có xu hướng kéo dài nhiều tuần, đường kính vết loét lan rộng tới 2 – 3cm thì nó cần được điều trị.
Mục lục
Dấu hiệu chứng tỏ bạn bị nhiệt miệng nặng
Nhiệt miệng nặng chỉ ảnh hưởng tới khoảng 15% số người bị nhiệt miệng, nhưng mức độ tổn thương của nó nghiêm trọng hơn hẳn. Nhiệt miệng nặng đa phần là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh lý trong cơ thể như là bệnh viêm đại tràng, Bệnh Behçet, HIV/AIDS hoặc tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất trong thời gian dài.
Dưới đây là những biểu hiện của những nốt nhiệt miệng nặng mà bạn cần nắm được:
- Các vết loét có kích thước trên 1cm, đường kính vết loét ngày càng lan rộng
- Vết loét không tự khỏi sau 2 tuần, thậm chí tồn tại đến 6 tuần
- Nhiệt miệng xảy ra liên tục, tại nhiều vị trí khác nhau trong miệng, hầu họng.
- Vết loét khiến bạn cảm thấy đau đớn hơn bình thường nhiều lần.
- Vết loét không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà
- Ngoài dấu hiệu tổn thương trong niêm mạc miệng, người bệnh có thể thấy những biểu hiện nghiêm trọng khác như là sốt cao, nổi hạch bạch huyết ở dưới cổ, đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy, cơ thể gầy yếu, nhanh mệt mỏi…
Nhiệt miệng nặng điều trị thế nào?
Nhiệt miệng nặng được điều trị chủ yếu bằng nội khoa, bao gồm các loại thuốc giảm đau, giảm viêm, thuốc sát khuẩn, bao gồm cả thuốc kê đơn và không kê đơn.
Mục đích điều trị là nhằm giảm đau tức thời tại vùng viêm loét trong niêm mạc miệng, đồng thời đẩy nhanh tốc độ chữa lành vết loét, ngăn chặn bệnh tái phát trong tương lại, giúp cho người bệnh bớt khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày.
Đơn thuốc sẽ sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc khác nhau để tăng hiệu quả điều trị. Việc sử dụng loại thuốc nào là tùy thuộc vào:
- Nguyên nhân dẫn tới nhiệt miệng là gì
- Mức độ của các triệu chứng biểu hiện ra sao
- Tiền sử bệnh tật trước đó của bệnh nhân
- Bệnh nhân có đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác không
- Độ tuổi của bệnh nhân
Dưới đây là thông tin các loại thuốc dùng trong điều trị nhiệt miệng nặng:
Thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau, sát trùng dạng bôi
Thuốc là sản phẩm có chứa các chất gây tê trên bề mặt vết loét để giảm đau tức thời. Thuốc thường ở dạng gel hoặc thuốc mỡ, bôi trực tiếp vào vết loét, chẳng hạn như là: Kamistad – Gel N, Zytee RB Gel, Mouthpaste, Gengigel…Thuốc sẽ phát huy tác dụng giảm đau chỉ sau 3 – 5 phút, tác dụng có thể kéo dài nhiều giờ. Bên cạnh công dụng chính là làm lành tổn thương loét do nhiệt miệng, một số loại thuốc cũng giúp giảm đau với những người bị viêm lợi, tụt lợi, nhạy cảm niêm mạc miệng do ma sát với răng giả hay mắc cài niềng răng.
Khi sử dụng các loại thuốc này, người bệnh cần rửa sạch tay nếu dùng ngón trỏ thoa thuốc trực tiếp vào nhiệt miệng. Để đảm bảo vệ sinh, bạn có thể dùng đầu bông tăm lấy một lượng thuốc vừa phải và thoa lên vết loét.
Lưu ý, tránh bôi với lượng quá dày và bôi trên diện rộng. Bạn cần tham khảo chi tiết hướng dẫn sử dụng thuốc từ dược sĩ hay các bác sĩ để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.
Thuốc giảm đau dạng viên uống không steroid
Thuốc giảm đau đường uống không steroid còn được biết đến với tên gọi là NSAID như là Panadol, Tylenol, Advil, Motrin, Aleve. Thuốc có thể bào chế ở dạng viên nén, con nhộng hay dạng lỏng.
Bạn không nên dùng các loại thuốc như này nếu bị dị ứng với thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Thuốc steroid
Nếu vết loét rất nặng, bác sĩ có thể kê thêm đơn thuốc kháng sinh steroid hoặc nước súc miệng steroid để giúp bệnh nhanh khỏi hơn. Tuy nhiên, những loại thuốc này ẩn chứa nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, nó không phải là biện pháp khuyến khích đầu tiên khi bị nhiệt miệng.
Nước súc miệng sát khuẩn
Nước súc miệng sát khuẩn có tác dụng làm dịu cơn đau nhiệt miệng, giúp vết loét nhanh lành. Một số loại nước súc miệng trị nhiệt miệng kê đơn là:
Orajel, Colgate Peroxyl Mouth Sore Rinse, Listerine (OTC), Periogard®…
Bạn có thể lấy khoảng 10ml nước súc miệng và súc miệng trong khoảng 60s, sau đó nhổ ra. Thực hiện vài lần trong ngày để tăng thêm hiệu quả. Những người dưới 12 tuổi nên sử dụng thận trọng, lắng nghe chỉ dẫn của chuyên gia y tế trước khi áp dụng.
Viên nang tổng hợp bổ sung vitamin và khoáng chất
Nếu bạn bị nhiệt miệng thường xuyên và tình trạng này có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng thì bạn cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết để hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, thiếu vitamin B, vitamin C, sắt và kẽm là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiệt miệng. Bác sĩ có thể kê thêm các viên nang tổng hợp giúp bổ sung vitamin và khoáng chất giúp cơ thể khỏe mạnh, chống lại nhiễm khuẩn và các mầm bệnh, cũng như ngăn chặn nhiệt miệng tái phát.
Bên cạnh đó, bạn có thể bổ sung vitamin và khoáng chất thông qua chế độ ăn uống hằng ngày với các loại thực phẩm như:
- Vitamin B: các loại cá béo (cá hồi, cá mòi, cá trích, cá ngừ, cá thu), gan động vật, thịt đỏ, thịt trắng, sữa, trứng, rau bina, cây họ đậu…
- Vitamin C: Ổi, đu đủ, ớt Đà Lạt, bông cải xanh (lưu ý không nên ăn những loại quả có vị chua vì sẽ làm kích ứng vết loét, khiến chúng lâu lành)
- Sắt: Gan, ức gà, bí ngô, khoai tây, củ cải đường, súp lơ xanh, các loại hạt, ngao, ốc, …
- Kẽm: Hàu, hến, thịt đỏ, trứng, sữa, socola đen,…
Bạn đã biết cách ngăn ngừa nhiệt miệng?
Đánh răng quá mạnh, dùng bàn chải lông cứng là một trong những thói quen vệ sinh răng miệng sai cách, có thể dẫn tới nhiệt miệng. Vì thế, bạn cần lưu ý hơn tới cách chăm sóc răng miệng hàng ngày. Chú ý thật nhẹ nhàng khi chải các bề mặt răng, đồng thời chọn bàn chải răng đầu nhỏ, lông mềm. Bạn nên thay bàn chải mới sau 3 – 4 tháng, ngay cả khi đầu lông chưa sờn. Thời gian phù hợp cho mỗi lần chải răng là khoảng 2 – 3 phút, bạn không nên đánh răng quá kỹ.
Nếu chỉ dùng kem đánh răng thì vẫn chưa đủ, bạn nên sử dụng thêm chỉ nha khoa, nước súc miệng khi chăm sóc răng miệng hằng ngày để ngăn ngừa nhiệt miệng cũng như các bệnh lí nha khoa khác.
Răng miệng trẻ em thường nhạy cảm hơn người lớn, vì thế các bé cần phải có sản phẩm chăm sóc răng miệng riêng. Tốt nhất là sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thảo dược để chăm sóc răng an toàn.
Nhiệt miệng có thể xuất hiện bởi các lí do rất thông thường như là stress, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố. Chính vì vậy, chúng ta cần chú ý hơn trong lối sống, sinh hoạt hằng ngày, luôn cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi, thư giãn. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong thực đơn hằng ngày, để cơ thể luôn khỏe mạnh
Cuối cùng, trong một số ít trường hợp, nhiệt miệng có thể là biểu hiện của những bệnh lý tiềm ẩn trong cơ thể. Vì thế, nếu như chúng tái phát thường xuyên, mặc dù điều trị nhưng vẫn không khỏi triệt để thì bạn cần kiểm tra sức khỏe tổng thể để biết được rõ nguyên nhân đằng sau là gì và có cách xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi “bị nhiệt miệng nặng điều trị thế nào?”. Hi vọng rằng bài viết sẽ trở thành cẩm nang hữu ích giúp các bạn chăm sóc răng miệng ngày một tốt hơn. Mọi nội dung Tinsuckhoe.org cung cấp chỉ mang tính tham khảo, không thay thế cho bất kỳ tư vấn, chẩn đoán hay điều trị cụ thể của các y bác sĩ.