Viêm phần phụ là bệnh phụ khoa chiếm tỷ lệ cao ở nữ giới trẻ, từ 20 – 30 tuổi. Viêm phần phụ cấp tính không được điều trị kịp thời có thể chuyển thành viêm phần phụ mãn tính. Khi đó, những hậu quả mà nó mang lại cho chị em là không hề nhỏ. Vì thế, phụ nữ cần có những hiểu biết sâu sắc về bệnh viêm phần phụ để kịp thời phát hiện, khám chữa khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Mục lục
Viêm phần phụ được hiểu thế nào?
Tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại vòi trứng, buồng trứng hay dây chằng rộng được gọi là viêm phần phụ.
Bệnh viêm phần phụ được chia thành 2 dạng: cấp tính và mãn tính. Mỗi thể bệnh lại có những triệu chứng điển hình khác nhau:
(1) Biểu hiện lâm sàng của viêm phần phụ cấp tính: Người bệnh bị đau bụng dưới dữ đội và sốt cao. Một số bệnh nhân có biểu hiện ớn lạnh, đau đầu, chán ăn trước khi lên cơn sốt cao. Âm đạo tiết ra khí hư nhiều, có mùi hôi và màu vàng/xanh trông giống như mủ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị kích thích ruột và bàng quang dẫn tới táo bót hay tiểu rắt.
(2) Các biểu hiện lâm sàng của viêm phần phụ mãn tính: Các đợt bùng phát của viêm vùng chậu mãn tính gọi là các cơn bán cấp, mức độ đau bụng ít trầm trọng hơn so với viêm phần phụ cấp tính, tuy nhiên cơn đau lại kéo dài dai dẳng. Bệnh nhân cũng ít khi bị sốt, chỉ sốt nhẹ. Ngoài ra, người bệnh có thể bị đau trong lúc quan hệ tình dục, rối loạn kinh nguyệt, cơ thể mệt mỏi kéo dài, mất ngủ.
Viêm phần phụ cấp tính cần được chẩn đoán phân biệt với sảy thai, viêm thận bể cấp, viêm ruột thừa cấp, xoắn u nang buồng trứng, vỡ vòi trứng
Bệnh nhân nghi ngờ bị viêm phần phụ mãn tính cần được chẩn đoán phân biệt với chửa ngoài tử cung. Tuy tiền sử bệnh giống nhau, nhưng những phụ nữ bị chửa ngoài tử cung thì không chỉ bị chậm kinh, họ còn có thêm các triệu chứng như đau bụng dưới, buồn nôn, chóng mặt, âm đạo ra máu bất thường. Những triệu chứng này có thể giảm dần nhưng biểu hiện vẫn có phần khác với triệu chứng của viêm phần phụ hai bên.
Ngoài ra, tình trạng lạc nội mạc tử cung cũng có biểu hiện khá giống với viêm phần phụ mãn, nên cũng cần được xem xét khi chẩn đoán.
Viêm phần phụ cấp tính ở giai đoạn mới khởi phát hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu sử dụng kháng sinh liều cao kết hợp. Điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc chỉ dẫn của bác sĩ.
Viêm phần phụ mãn tính sẽ khó điều trị hơn hẳn, nhất là khi bệnh đã có biến chứng. Thường thì các phương pháp nội khoa sẽ không đem lại nhiều hiệu quả, bệnh nhân phải điều trị trong thời gian dài, với nhiều đợt khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp cần áp dụng các thủ thuật ngoại khoa.
Nguyên nhân viêm phần phụ
Viêm nhiễm phần phụ do rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, sau đây là những nguyên nhân chủ yếu mà bạn cần lưu ý:
1 – Sau khi sinh con hoặc nạo phá thai, sức đề kháng của phụ nữ bị suy giảm, đó là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại xâm nhập qua đường sinh dục và lan đến ống dẫn trứng, buồng trứng và toàn bộ khoang chậu, gây ra viêm phần phụ hoặc viêm vùng chậu. Ở một số phụ nữ trong quá trình sinh nở, nếu việc sát trùng vùng phẫu thuật không được triệt để có thể khiến mầm bệnh tăng lên bội nhiễm, gây viêm nhiễm phần phụ.
2 – Vòng tránh thai là phương thức kiểm soát sinh sản được áp dụng rất phổ biến hiện nay. Nhưng nếu như chị em không chú ý chọn lựa cơ sở uy tín, bác sĩ thực hiện không đúng thao tác thì có thể khiến cho bên trong tử cung bị tổn thương dẫn tới nhiễm trùng, hoặc nếu sử dụng các dụng cụ không được khử khuẩn sạch sẽ cũng có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường sinh dục.
3 – Các thủ thuật phụ khoa khác thực hiện tại âm đạo, tử cung, vòi trứng, buồng trứng, nếu không được khử trùng nghiêm ngặt cũng có thể khiến phụ nữ bị viêm phần phụ.
4 – Phụ nữ có thói quen thụt rửa âm đao có thể gây xáo trộn hệ vi khuẩn trong âm đạo gây ra viêm nhiễm. Nếu chị em sử dụng các sản phẩm vệ sinh vùng kín không đảm bảo chất lượng hoặc quan hệ trong thời kỳ kinh nguyệt có thể bị nhiễm khuẩn và dẫn tới viêm phần phụ.
5 – Một khi tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các cơ quan lân cận của khoang chậu hoặc ống dẫn trứng, chẳng hạn như viêm ruột thừa, vi khuẩn có thể lây lan trực tiếp đến ống dẫn trứng hoặc buồng trứng, gây viêm phúc mạc vùng chậu, viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng.
6 – Nếu một người phụ nữ mắc bệnh lao, vi trùng lao cũng có thể xâm nhập vào buồng trứng thông qua hệ tuần hoàn máu và cuối cùng gây ra viêm nhiễm.
7 – Nếu phụ nữ có một tình trạng viêm nhiễm trước đó, ở các cơ quan sinh dục khác, thì vi khuẩn có thể ngược dòng gây ra viêm nhiễm ở các cơ quan tại phần phụ, chẳng hạn như bệnh viêm âm đạo, viêm cổ tử cung.
8 – Quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ với nhiều bạn tình hoặc không sử dụng các biện pháp bảo vệ trong tình dục có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vi khuẩn lây qua đường tình dục, gây ra bệnh viêm phần phụ.
Các mối nguy hiểm của viêm phần phụ là gì?
Viêm phần phụ là bệnh phụ khoa có tỷ lệ mắc khá cao, sẽ đe dọa rất lớn đến sức khỏe của chị em. Và bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
1 – Nếu viêm phần phụ chuyển biến thành dạng mãn tính, các triệu chứng của bệnh ngày càng dai dẳng, ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày của phụ nữ. Thời gian điều trị quá lâu sẽ làm tăng áp lực tinh thần của người bệnh, khiến họ càng thêm suy sụp.
2 – Viêm phần phụ mãn tính có thể kích thích ống dẫn trứng phù nề và gây mỏng niêm mạc, điều này không có lợi cho sự kết hợp của tinh trùng và trứng. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ nặng hơn và có thể khiến các tế bào biểu mô niêm mạc của ống dẫn trứng bị hoại tử, gây ra sự kết dính và tắc nghẽn tại vòi trứng. Như vậy, tinh trùng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để bơi vào vòi trứng kết hợp với trứng đã rụng, gây ra tình trạng hiếm muộn, vô sinh. Kể cả trong trường hợp trứng được thụ tinh thì nó cũng sẽ không thể đến được tử cung để làm tổ, cuối cùng nó sẽ làm tổ tại chính ống dẫn trứng và gây nên tình trạng thai ngoài tử cung. Thai phát triển dần dần theo thời gian, đến một mức độ nào đó, ống dẫn trứng không thể chịu đựng được áp lực vì kích thước thai quá lớn, nó sẽ vỡ ra gây xuất huyết ồ ạt, nếu như không cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.
3 – Nếu viêm phần phụ gây kết dính nhiều tại ống dẫn trứng hay tử cung, sau cùng nó sẽ khiến người bệnh mệt mỏi vì những cơn đau vùng chậu mãn (một biến chứng điển hình của viêm phần phụ mãn tính, mặc dù viêm nhiễm đã được chữa khỏi), dù có sử dụng thuốc giảm đau nhưng tình hình không cải thiện, điều đó khiến người bệnh rất mệt mỏi, tâm trạng thay đổi.
Phương pháp điều trị viêm phần phụ
Viêm phần phụ được điều trị bằng nội khoa và ngoại khoa, tùy vào tình trạng của bệnh nhân.
Nếu người bệnh bị viêm phần phụ cấp tính thì cần nhập viện điều trị. Phương pháp điều trị chủ yếu là sử dụng kháng sinh liều cao kết hợp, có thể vừa tiêm bắp tĩnh mạch vừa sử dụng thuốc uống. Thông thường, bạn sẽ phải uống thuốc kháng sinh trong 14 ngày, đôi khi bắt đầu bằng một lần tiêm kháng sinh. Trong vòng vài ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, các triệu chứng của bạn có thể cải thiện hoặc biến mất. Tuy nhiên, bạn nên uống hết thuốc ngay cả khi bạn cảm thấy khá hơn. Ngừng thuốc sớm có thể khiến nhiễm trùng quay trở lại.
Nếu bạn bị đau vùng chậu trong thời gian điều trị, bạn có thể uống thuốc giảm đau như paracetamol hoặc ibuprofen để giảm bớt khó chịu.
Nếu bạn đang mang thai hoặc bị áp xe vòi trứng thì bạn phải được điều trị tại bệnh viện, dưới sự theo dõi của các y bác sĩ.
Kháng sinh thường ít hiệu quả hơn với những bệnh nhân bị viêm phần phụ mãn. Tuy nhiên, các đợt điều trị vẫn cần thực hiện kéo dài. Nếu như bệnh nhân có biến chứng áp xe tụ mủ vòi trứng hay buồng trứng, có nguy cơ vỡ thì phải tiến hành phẫu thuật để dẫn lưu mủ. Ngoài ra, những trường không không đáp ứng với điều trị kháng sinh nội khoa thì cũng cần điều trị bằng phẫu thuật.
Vi khuẩn gây viêm phần phụ có thể lây lan qua quan hệ tình dục. Trong một số trường hợp, chồng hoặc bạn tình của bạn cũng cần điều trị cùng lúc để ngăn chặn lây nhiễm chéo về sau.
Tìm hiểu thêm: Các loại thuốc điều trị viêm phần phụ
Bệnh nhân viêm phần phụ cần lưu ý gì trong lối sống
Viêm phần phụ là một bệnh phụ khoa phức tạp, bệnh này có đặc điểm là hay tái phát. Vì vậy, khi có bệnh cần tích cực điều trị. Đồng thời khi điều trị bạn cũng cần chú ý đến lối sống sinh hoạt hằng ngày để giúp cơ thể phục hồi hiệu quả. Cụ thể là:
Vệ sinh cá nhân đúng cách:
Vệ sinh cá nhân thiếu sạch sẽ có thể là lí do gây ra viêm phần phụ, cũng có thể là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Vì thế, phụ nữ cần chăm sóc và vệ sinh vùng kín thường xuyên, sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp.
Trong những ngày có kinh nguyệt, chị em nên thay băng vệ sinh 3 – 4 tiếng/ lần, rửa vùng kín 2 – 3 lần/ ngày.
Sau khi đại tiểu tiện, nên lau vùng kín từ trước ra sau để tránh cho vi khuẩn lây lan ngược dòng từ hậu môn tới âm hộ, âm đạo.
Không sử dụng giấy vệ sinh có mùi thơm, hương liệu nhân tạo.
Không thụt rửa vùng kín khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Quan hệ tình dục lành mạnh:
Khi viêm phần phụ ở giai đoạn cấp tính, bạn không được quan hệ tình dục, nhất là thời gian có kinh nguyệt. Trong thời gian điều trị viêm, bạn có thể sinh hoạt tình dục điều độ nhưng phải đeo bao cao su và thực hiện các biện pháp bảo vệ để tránh xảy ra hiện tượng chửa ngoài tử cung.
Chế độ ăn uống khoa học:
Bạn có thể ăn nhiều trái cây hơn vào những lúc bình thường. Vì hoa quả có tính thanh nhiệt nên bệnh nhân bị viêm nhiễm phụ khoa nên ăn nhiều hoa quả không chỉ giúp phục hồi sức khỏe mà còn nâng cao sức đề kháng của bản thân như bưởi, cam, chuối, dưa hấu.
Người bệnh nên ăn ít đồ ngọt, vì đồ ngọt có thể khiến dịch tiết âm đạo của chị em bị dính, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm phát triển, nhất là nấm men.
Không ăn thức ăn cay, kể cả gia vị, chẳng hạn như ớt và gừng. Những thức ăn này có tính nóng, nếu ăn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn, không có lợi cho việc điều trị.
Bệnh nhân có thể ăn nhiều thức ăn nhẹ và nhiều thức ăn có chứa protein, chẳng hạn như trứng, sữa, thịt nạc, đậu và các sản phẩm từ đậu nành. Loại thực phẩm này không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn giúp tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Bạn cũng có thể ăn thêm các loại rau tươi, vì những thực phẩm này có chứa nhiều vitamin và rất tốt cho cơ thể.
Uống nhiều nước và nghỉ ngơi cũng có ích cho việc điều trị bệnh. Viêm phần phụ là một bệnh do nhiễm vi khuẩn, vì vậy nên uống nhiều nước sẽ kích thích đi tiểu, tiểu tiện cũng là một cách tự nhiên để làm sạch niệu đạo, giúp loại bỏ vi khuẩn ra ngoài. Để việc điều trị viêm phần phụ thuận lợi, tốt nhất bạn nên uống nước đun sôi thay vì một số đồ uống có ga, những đồ uống như vậy rất không tốt cho cơ thể, thậm chí có thể gây viêm nhiễm.
Khám bệnh định kì
Khám phụ khoa định kì 3 – 6 tháng/ lần sẽ giúp bạn luôn kiểm soát tình hình bệnh tật của mình và chủ động chữa trị sớm. Một số phụ nữ thường e ngại vấn đề khám bệnh phụ khoa, nên họ thường tự xử bằng cách mua thuốc tại quầy thuốc và uống tại nhà. Tuy nhiên, nếu uống thuốc không theo hướng dẫn và cho phép của bác sĩ, hệ vi khuẩn tự nhiên trong môi trường âm đạo có thể bị xáo trộn, gây ra hàng loạt các rắc rối khác, làm ảnh hưởng tới việc điều trị sau này.
Kết luận:
Viêm phần phụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của phụ nữ, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của họ. Do đó, khám chữa bệnh kịp thời là điều rất quan trọng. Hơn thế nữa, các chị em cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng tránh trong sinh hoạt, đặc biệt quan tâm đến đời sống tình dục, xây dựng chế độ ăn uống điều độ để kiểm soát bệnh.
Tham khảo từ: https://chuyengiaphukhoa.vn/viem-phan-phu-co-chua-khoi-duoc-khong-7356/