Hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch chân đều được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, các triệu chứng biểu hiện rõ rệt. Điều này không chỉ làm tăng khó khăn trong việc điều trị mà còn khiến người bệnh đối diện với nguy cơ cao gặp phải biến chứng nguy hiểm. Vậy, làm thế nào để nhận diện sớm triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.
Mục lục
1. Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân qua từng giai đoạn
Ở người bình thường, dòng chảy của máu từ tĩnh mạch chân về hệ tuần hoàn được duy trì ổn định bởi hệ thống van một chiều. Vậy nên, khi những van này bị suy giảm chức năng không hồi phục, máu ứ đọng lại trong lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch phình giãn và mất dần chức năng tuần hoàn. Lúc này, người bệnh được xác định là mắc suy giãn tĩnh mạch chân.
Đọc thêm: Các hiểu lầm về bệnh giãn tĩnh mạch chân
Tùy vào mức độ tổn thương của tĩnh mạch và hệ thống van một chiều mà người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác nhau, cụ thể như:
1.1 Giai đoạn khởi phát
Giai đoạn khởi phát là thời điểm các tĩnh mạch chân mới chỉ giãn nhẹ ( <3mm), chức năng tuần hoàn của tĩnh mạch chưa bị ảnh hưởng nhiều. Bởi vậy, các triệu chứng ở giai đoạn này khá mờ nhạt và thường chỉ xuất hiện thoáng qua. Nếu không để ý kỹ thì đa số người bệnh đều không phát hiện được dấu hiệu bất thường.
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trong giai đoạn khởi phát thường gồm:
- Da căng tức, ngứa ngáy khó chịu.
- Thường xuyên bị nhức mỏi, nặng nề ở chân, đôi khi cảm giác đeo giày bị chật hơn.
- Có hiện tượng phù nhẹ chân khi đứng hoặc ngồi lâu trong một tư thế.
- Hay bị chuột rút và xuất hiện các biểu hiện dị cảm như: châm chích, buồn chân không ngủ được, đau nhói,… cẳng chân vào buổi tối.
- Xuất hiện các mạch máu nhỏ li ti ở những vùng da mỏng như: bắp đùi, bắp chân, cổ chân.
1.2 Giai đoạn tiến triển
Giai đoạn tiến triển được xác định khi kích thước tĩnh mạch phình giãn trên 3mm. Ở thời điểm này, suy giãn tĩnh mạch tiến triển nhanh và các triệu chứng cũng trở nên rõ ràng. Đây là giai đoạn mà hầu hết người bệnh đều có thể phát hiện ra bệnh.
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trong giai đoạn tiến triển gồm:
- Chân sưng phù rõ rệt, tập trung chủ yếu ở vùng mắt cá chân và bàn chân.
- Tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo dưới da, gây cảm giác đau nhức, nặng mỏi nhiều hơn.
- Rối loạn sắc tố da với các mảng da bầm tím tập trung chủ yếu ở vùng cẳng chân.
- Tăng mức độ và tần suất các triệu chứng: tê bì, căng cứng, châm chích, bồn chồn, bứt rứt ở chân,…
1.3 Giai đoạn biến chứng
Giai đoạn biến chứng được xác định khi các tĩnh mạch bị phình giãn quá mức, gần như mất khả năng đàn hồi. Lúc này, bất cứ lúc nào người bệnh cũng có thể gặp phải các biến chứng của suy giãn tĩnh mạch như: nhiễm khuẩn lở loét, giãn vỡ tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Người bệnh không xuất hiện thêm triệu chứng so với giai đoạn tiến triển. Tuy nhiên, điểm khác biệt của các triệu chứng trong giai đoạn này là:
- Tần suất xuất hiện dày đặc hơn.
- Cường độ đau tăng dần
- Mức độ sưng phù nghiêm trọng hơn.
- Các cảm giác dị cảm như: tê bì, châm chích, bồn chồn,… xuất hiện liên tục và kéo dài.
Đọc thêm: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
2. Suy giãn tĩnh mạch chân khi nào nên đi khám?
Việc nhận biết sớm các triệu chứng có ý nghĩa quan trọng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch, giúp tăng hiệu quả kiểm soát và giảm nguy cơ biến chứng. Vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh tuyệt đối không được có tâm lý chủ quan mà cần thăm khám sớm để được chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị phù.
Ngoài ra, bạn cần khám gấp khi xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Chân sưng to bất thường, xuất hiện cảm giác đau buốt dọc theo mặt sau cẳng chân.
- Lở loét, viêm nhiễm, thậm chí là hoại tử trên da.
- Trên chân xuất hiện các mảng đỏ, tím, đen dưới da.
- Có vùng da đỏ mềm, ấm nóng, sưng mọng và ấn đau.
- Đau mơ hồ dọc theo theo đường đi của tĩnh mạch kèm theo phù nề và ban đỏ.
- Người bệnh khó thở, choáng váng, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp,…
Có thể bạn muốn biết: Bị giãn tĩnh mạch chân nên khám chỗ nào?
3. Cách cải thiện triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chân
Mỗi bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch khác nhau. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người bệnh có thể tham khảo các biện pháp dưới đây để cải thiện cảm giác khó chịu:
3.1 Cách giảm phù chân
Phù chân là triệu chứng xảy ra do máu tăng ứ đọng trong lòng mạch làm tăng áp lực lên thành mạch gây ra hiện tượng tăng thoát dịch từ lòng mạch vào mô kẽ, dẫn đến phù chân. Ngoài ra, chân sưng phù cũng có thể chèn ép vào hệ bạch huyết, giảm dẫn lưu dịch trở lại mao mạch khiến phù nề trở nên nghiêm trọng hơn.
Để khắc phục triệu chứng phù chân, bạn có thể áp dụng các biện pháp như:
Massage tĩnh mạch: Giúp thúc đẩy tuần hoàn máu từ chân về tim, giảm thoát dịch lòng mạch từ đó giảm phù. Bạn chỉ cần dùng tay massage nhẹ nhàng trên chân theo chiều từ cổ chân lên bắp đùi. Tăng cường độ và tần suất xoa bóp ở vị trí bị phù để tăng hiệu quả. Thực hiện đều đặn 15 – 30 phút/ ngày để có kết quả tốt nhất.
Dẫn lưu mạch bạch huyết: Dùng tay kéo căng da nhẹ nhàng kết hợp với động tác vuốt nhẹ nhàng để tăng dẫn lưu dịch từ mô kẽ vào mao mạch. Thực hiện song song với massage tĩnh mạch để tăng hiệu quả kiểm soát triệu chứng phù.
Kê cao chân khi nằm: Giúp tạo điều kiện thuận lợi, giúp tăng cường dòng chảy của máu từ chân về tim, từ đó đó giảm phù. Bạn nên kê cao chân khoảng 20 – 30cm so với tim khi nằm để có kết quả tốt nhất.
Đeo vớ y khoa: Thiết kế đặc biệt của vớ y khoa giúp ổn định hệ thống tĩnh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu tĩnh mạch đồng thời tăng kéo dịch từ mô về hệ tuần hoàn, qua đó giảm triệu chứng phù. Người bệnh cần đeo đúng loại tất và thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.
3.2 Cách giảm đau nhức chân
Triệu chứng đau nhức chân xảy ra là do tăng áp lực trong lòng mạch, tổn thương mạch máu – mô hoặc thiếu oxy ở cơ bắp gây tích tụ acid lactic.
Để cải thiện triệu chứng đau nhức chân trong suy giãn tĩnh mạch, người bệnh có thể làm như sau:
Massage chân: Phương pháp này giúp thúc đẩy tuần hoàn, giảm áp lực trong lòng mạch. Bạn có thể tự massage tại nhà tương tự như bên trên hoặc đến các cơ sở massage trị liệu để có hiệu quả tốt hơn.
Tập giãn cơ: Giúp kéo giãn cơ bắp, tăng tuần hoàn máu nuôi dưỡng cung cấp oxy và dưỡng chất cho các cơ. Một trong những bài tập đơn giản nhất là cúi người, để tay chạm vào ngón chân trong khi đó duy trì tư thế thẳng của chân. Hoặc, bạn có thể ngồi xổm trên sàn để đầu gối chạm ngực rồi nâng mắt cá chân lên để kéo căng cơ bắp ở chân.
Mang vớ nén: Giúp cố định cơ bắp và mạch máu, thúc đẩy tuần hoàn máu. Đây là cách giảm đau nhức chân hiệu quả trong trường hợp bạn cần đứng nhiều.
3.3 Cách giảm tê bì chân
Tê bì chân là một cảm giác dị cảm trên chân, được xếp cùng nhóm với các triệu chứng như: kim châm, kiến bò, châm chích, đau nhói hoặc bồn chồn, bứt rứt không yên ở chân. Những triệu chứng này xuất hiện khi rối loạn trong quá trình dẫn truyền tín hiệu của hệ thần kinh thường xảy ra do hiện tượng thiếu máu nuôi cục bộ.
Để giảm triệu chứng tê bì cũng như cảm giác dị cảm, bạn có thể áp dụng biện pháp massage chân mỗi ngày. Cách thực hiện rất đơn giản, người bệnh xoa ấm hai lòng bàn tay, sau đó xoa bóp dọc theo chiều từ cổ chân lên đùi. Thực hiện liên tục 15 – 20 phút/ ngày sẽ thấy triệu chứng tê bì được cải thiện.
3.4 Cách giảm chuột rút
Chuột rút là hiện tượng cơ bắp bị co rút đột ngột, nhanh và tự động. Ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch, hiện tượng này có thể xuất hiện do thiếu máu cục bộ đến các cơ bắp hoặc do gián đoạn trong quá trình dẫn truyền tín hiệu của hệ thần kinh – cơ.
Để khắc phục triệu chứng chuột rút, người bệnh có thể thực hiện như sau:
Kéo căng cơ bắp: Người bệnh đứng thẳng, uốn cong chân từ đầu gối rồi giữ chặt gót chân, kéo ngược chân về phía bụng. Giữ nguyên tư thế trong khoảng 20 – 30 giây sau đó trở về trạng thái bình thường. Bạn có thể dựa vào tường hoặc ngồi trên ghế để giữ thăng bằng.
Chích lể cơ bắp: Dùng một kim nhỏ chích vào vị trí cơ bắp bị chuột rút. Tuy nhiên, cần thận trọng trong việc sử dụng kim, tránh để bị nhiễm trùng hoặc châm kim quá sâu gây tổn thương mô.
Xoa bóp: Dùng tay xoa bóp xung quanh vào vị trí cơ bị chuột rút giúp làm giãn cơ, tăng tuần hoàn máu đến cơ từ đó giảm nhanh triệu chứng chuột rút. Hoặc, bạn cũng có thể dùng một quả bóng tennis lăn dưới vị trí cơ bị chuột rút để khắc phục triệu chứng này.
Uốn cong ngón chân: Nắm bàn chân và ngón chân kéo căng hết cỡ giúp giải quyết nhanh triệu chứng chuột rút ở bàn chân và ngón chân.
Trên đây là bài viết xoay quanh các vấn đề liên quan đến triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân. Hy vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này và lựa chọn được cách xử lý phù hợp. Nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia qua hotline: 1900 545 518.