Phù chân có thể xảy ra khi uống nhiều bia rượu, ngồi lâu hoặc thời tiết nắng nóng. Nhưng tình trạng này cũng là dấu hiệu phản ảnh một số bệnh về gan, thận hay suy giãn tĩnh mạch chân. Do đó, tìm hiểu các phương pháp điều trị phù chân là nội dung hữu ích cần phải biết.
Mục lục
1. Dùng thuốc theo đơn
Một trong những cách kiểm soát triệu chứng phù nhanh chóng và hiệu quả nhất là sử dụng thuốc. Tùy vào tình trạng cụ thể mà người bệnh có thể được chỉ định sử dụng một số loại thuốc như:
- Thuốc lợi tiểu: Ức chế quá trình tái hấp thu natri và nước, từ đó giảm triệu chứng phù. Nhóm thuốc được sử dụng phổ biến như: thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu giữ kali hoặc thuốc lợi tiểu quai.
- Thuốc ức chế men chuyển: Được kết hợp cùng thuốc lợi tiểu nhằm ngăn thải trừ kali qua thận. Một số thuốc thường được sử dụng như: captopril, benazepril, enalapril, perindopril,…
- Thuốc ức chế chất đồng vận chuyển natri-glucose 2 (SGLT2): Gây lợi tiểu bằng cách tăng natri niệu và đường niệu. Thuốc thường được dùng như: canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin,…
Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, chức năng của các cơ quan bị suy giảm nghiêm trọng nên nguy cơ gặp phải tác dụng phụ cao hơn người bình thường. Vì vậy, việc sử dụng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định của bác sĩ đưa ra. Người bệnh cần đảm bảo: uống đúng loại thuốc, uống đúng liều, uống đúng giờ và uống đúng cách để hạn chế tối đa tác dụng phụ.
Trong thời gian dùng thuốc nếu phát sinh bất kỳ triệu chứng nào bất thường, người chăm sóc hoặc bệnh nhân cần ngay lập tức ngừng sử dụng và thông báo cho bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.
2. Chế độ dinh dưỡng
Một lưu ý quan trọng cho những người bị phù là nên ăn chế độ ăn giảm muối, cụ thể lượng muối chỉ nên dao động trong khoảng 4 – 5g/ ngày. Bởi chế độ ăn nhiều muối làm tăng nồng độ natri trong cơ thể có thể kích thích quá trình tái hấp thu nước ở thận khiến triệu chứng phù trở nên nặng nề hơn.
Ngoài ra, người bệnh cần được bổ sung đầy đủ và cân đối các nhóm chất dinh dưỡng, đảm bảo năng lượng cung cấp cho cơ thể khoảng 30 – 50 Kcal/ kg/ ngày. Trong một khẩu phần ăn, các nhóm chất nên được phân bổ như sau:
- Protein: Chiếm khoảng 12 – 20% tổng năng lượng của bữa ăn. Trong đó, protein động vật chiếm khoảng 30 – 50% khẩu phần ăn.
- Lipid: Chiếm khoảng 18 – 25% tổng năng lượng bữa ăn. Trong đó, acid béo no chiếm 1/3, acid béo không no một nối đôi chiếm 1/3 và acid béo không no nhiều nối đôi chiếm 1/3. Đảm bảo lượng EPA là 2g/ ngày.
- Glucid: Chiếm 60 – 70% tổng năng lượng bữa ăn.
- Nước: Đảm bảo uống đủ 40ml/ kg/ ngày.
- Vitamin, chất khoáng và chất xơ: Cung cấp dựa trên nhu cầu của người bình thường.
Ngoài ra, nếu hay bị phù chân bạn cũng có thể tăng cường sử dụng những loại thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm mạnh mẽ như: nghệ tây, củ nghệ, quả dứa, củ gừng, hạnh nhân,…. Nếu có thể, bạn nên tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để có được chế độ ăn hợp lý nhất cho người bệnh.
3. Điều chỉnh tư thế
Việc điều chỉnh tư thế đúng lại giúp giúp áp lực cho hệ mạch máu dưới chân, qua đó giảm thoát dịch ngoài lòng mạch và giúp người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi bị phù chân.
Một số lưu ý cụ thể như:
- Khi ngồi: Tránh tư thế ngồi bắt chéo, ngồi khoanh chân hay ngồi thấp chân trong thời gian dài.
- Khi đứng: Tránh đứng im một chỗ, một tư thế trong thời gian dài.
- Khi nằm: Tránh nằm im tại một vị trí, thay vào đó người bệnh nên kê cao chân khoảng 20 – 30cm so với tim.
- Khi vận động: Tránh các tư thế cúi gập người quá sâu và trong thời gian dài, tránh thực hiện các động tác tạo áp lực mạnh và đột ngột lên chân.
4. Đeo vớ y khoa
Vớ y khoa là một thiết bị y tế được thiết kế chuyên biệt nhằm ổn định vị trí cơ bắp và hệ thống mạch máu, ngăn hiện tượng thoát dịch vào mô kẽ đồng thời tạo lực ép đưa dịch ứ trở lại hệ tuần hoàn. Vì vậy, việc sử dụng vớ y khoa có thể cải thiện đáng kể triệu chứng phù chân.
Hiện nay có nhiều loại vớ y khoa với thiết kế, chất liệu và lực nén khác nhau. Để lựa chọn được sản phẩm phù hợp và sử dụng đúng cách, người bệnh cần được bác sĩ thăm khám, xác định mức độ phù chân hiện tại. Người bệnh không nên tự ý mua và sử dụng khi chưa tham vấn qua ý kiến bác sĩ.
Xem chi tiết: Hướng dẫn cách sử dụng vớ y khoa
5. Tập luyện phù hợp
Tập luyện thể dục là cách hiệu quả để tăng cường hoạt động của hệ tuần hoàn, thúc đẩy dòng chảy của máu từ chân về tim và tăng kéo dịch ở mô kẽ trở về mạch máu. Tuy nhiên, việc tập luyện cần dựa trên thể trạng thực tế sức khỏe thực tế của từng người để lựa chọn bài tập phù hợp.
Người bị phù chân được khuyên là nên lựa chọn những bài tập đơn giản và nhẹ nhàng như đi bộ. Thời gian mỗi lần tập luyện nên kéo dài khoảng 10 – 15 phút/ lần hoặc tùy theo sức khỏe của từng người. Trong thời gian tập luyện, nếu người bệnh cảm thấy đau mỏi, khó thở, choáng váng,… thì cần nghỉ ngơi ngay, tránh gắng sức.