Bạn thường xuyên bị nhiệt miệng, những cơn đau dai dẳng nhiều tuần không dứt khiến bạn hết sức mệt mỏi. Bạn không thể tập trung làm bất cứ việc gì. Mặc dù đã súc miệng với nước muối hay bôi mật ong lên vết loét nhưng tình trạng chẳng cải thiện là bao. Có thể bạn đã bị nhiệt miệng mãn tính. Vậy, làm sao để đối phó với nhiệt miệng mãn tính, có phải bạn cần một biện pháp “mạnh tay” hơn?
Nhiệt miệng mãn tính là gì?
Nhiệt miệng mãn tính là tình trạng nhiệt miệng tái phát liên tục nhiều lần trong năm (có thể tính tới hàng chục lần). Kích thước của vết loét có thể to hay nhỏ tùy từng người, song chúng có xu hướng tồn tại khá dai dẳng. Ở những người bị nhiệt miệng, 80% là các vết loét dạng nhẹ, có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày. Với người khỏe mạnh, chúng chỉ tìm đến khoảng 3 – 4 lần trong năm. 20% trường hợp còn lại là những vết loét phức tạp.
Nhiệt miệng hay xuất hiện gây ra nhiều bất tiện trong vấn đề ăn uống và giao tiếp. Nếu không chữa khỏi triệt để, lâu dần người bệnh sẽ càng nảy sinh tâm lý chán nản, mệt mỏi, dễ cáu gắt, bực tức. Quan trọng hơn, những vết loét nặng không được điều trị đúng cách có thể gây ra biến chứng nhiễm trùng miệng diện rộng, hình thành những ổ áp xe, khi đó bắt buộc phải can thiệp nha khoa để điều trị.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng mãn tính.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhiệt miệng mãn tính. Thường thì, chúng không phải là do những tác động cơ học thông thường như là cắn vào má hay do tai nạn, hoặc do bạn ăn đồ chua…Nhiệt miệng mãn tính có thể là bởi những lý do sau:
- Stress liên tục
- Cơ thể thiếu dinh dưỡng kéo dài (đặc biệt là vitamin nhóm B, vitamin C và khoáng chất thiết yếu sắt – kẽm)
- Chức năng gan suy giảm
- Không dung nạp Glutein trong thực phẩm dạng lúa mì, lúa mạch
- Do bệnh lí: Bệnh Lupus ban đỏ, bệnh Behcet, bệnh viêm đại tràng, bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, HIV/AIDS. Những căn bệnh này đều là bệnh mãn tính, gây suy nhược cơ thể trầm trọng, sức đề kháng suy giảm khiến cho viêm loét hình thành.
Nhiệt miệng mãn tính có khỏi được không? Chữa trị thế nào?
Thực tế, bạn hoàn toàn có thể chữa lành tổn thương do nhiệt miệng ở những đợt bùng phát đơn lẻ. Nhưng bạn rất khó để chấm dứt tình trạng nhiệt miệng mãn tính tái phát, bởi nó phụ thuộc vào các nguyên nhân khác nhau. Cụ thể:
Nếu như bạn bị nhiệt miệng lâu ngày do căng thẳng quá độ, bạn phải “khắc chế” được căng thẳng. Điều này có thể phải mất một thời gian dài để tự điều chỉnh lại lối sống, sinh hoạt, công việc giúp cơ thể cân bằng trở lại.
Nếu như bạn bị nhiệt miệng là do nóng gan, gan yếu…bạn cần phải tìm tới bác sĩ để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị dứt điểm thì tình trạng nhiệt miệng dai dẳng mới biến mất.
Nếu cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, hãy bù đắp lại. Bạn nên bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin nhóm B, vitamin C và khoáng chất thiết yếu để giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh, đủ sức chống chọi lại trước các mầm bệnh. Trong trường hợp bạn đi khám nhiệt miệng, bác sĩ có thể kê thêm cho bạn các dạng viên uống bổ sung như vitamin tổng hợp, viên kẽm, sắt.
Nếu bạn bị nhiệt miệng mãn tính do thường xuyên ăn các thực phẩm có glutein, hãy loại bỏ nó khỏi bữa cơm hằng ngày vĩnh viễn.
Đối với các bệnh lí mãn tính khác, chúng đều là những dạng bệnh khó chữa khỏi hoàn toàn, vì thế trong quá trình chữa lành nhiệt miệng bạn cũng nên xem xét điều trị những căn bệnh này.
Để xác định được phương pháp điều trị nhiệt miệng phù hợp, cần căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ tổn thương, vị trí bị nhiệt miệng, khả năng đáp ứng với các phương pháp điều trị trước đó của người bệnh
Sau đây là những lựa chọn điều trị nhiệt miệng mãn tính:
Uống thuốc giảm đau không kê đơn: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ thông như là Advil, Tylenol, Aleve có thể giúp bạn thoát khỏi sự đau đớn do nhiệt miệng gây ra. Bạn có thể mua dễ dàng tại các quầy thuốc gần nhà. Nhưng bạn vẫn cần nhờ tư vấn từ dược sĩ để sử dụng đúng cách.
Bôi thuốc mỡ không steroid: Đây là những loại thuốc bôi được điều chế ở dạng gel hay thuốc mỡ như là Oracortia, Gengingel, Taisho… Khi bôi lên vết loét, chất gây tê sẽ nhanh chóng làm dịu nhiệt miệng, khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Tác dụng phát huy chỉ sau 3 – 5 phút, thời gian tồn tại là khoảng vài giờ đồng hồ.
Nước súc miệng kháng khuẩn: Như là: Amosan, Cankaid, Orajel, Gly-Oxide, Peroxyl… Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn giúp làm sạch bề mặt vùng loét, rửa trôi bớt lượng vi khuẩn gây hại trong khoang miệng. Nước súc miệng này cũng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn sau khi sử dụng.
Khi bị nhiệt miệng mãn tính, bạn nên sử dụng các loại nước súc miệng này thường xuyên để chế ngự nó lan rộng và phát triển.
Thuốc Corticosteroid: Là thuốc thường dùng cho những vết loét nghiêm trọng, khi mà các biện pháp điều trị nói trên không mang lại hiệu quả. Đây đều là những dạng thuốc kê đơn, phải được sử dụng dưới sự hướng dẫn kỹ lưỡng của bác sĩ.
Thuốc Steroid: Là nhóm thuốc kê đơn trong trường hợp loét miệng nặng. Thuốc có thể chế ở dạng gel bôi, viên nén hay là nước súc miệng. Thông thường, trước tiên người bệnh sẽ được sử dụng các dạng thuốc mỡ Corticosteroid để thoa trực tiếp vào vùng bị tổn thương. Nếu như nó không mang lại hiệu quả, thuốc Steroid dạng viên nén sẽ được sử dụng. Tuy nhiên, phải đảm bảo chắc chắn rằng người bệnh không bị nhiễm virus Herpes trước khi sử dụng những loại thuốc này, nếu không tình trạng nhiệt miệng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số loại nước súc miệng Steroid cũng được đi kèm trong đơn thuốc nhằm tăng thêm hiệu quả điều trị nhiệt miệng. Cơ thể thường hấp thụ thành phần thuốc ở các loại nước súc miệng và viên uống Steroid hơn là thuốc bôi vì thế tác dụng phụ có thể nhiều hơn. Do đó, phải hết sức thận trọng khi sử dụng nhóm thuốc này.
Nói chung, nhiệt miệng mãn tính là một tình trạng khó chấm dứt triệt để. Đôi khi, có những vết loét kéo dài tới 6 tuần mà không khỏi, nhưng thực tế nó có thể là dấu hiệu của ung thư miệng. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi nhiệt miệng tìm tới thường xuyên. Hãy đi khám kịp thời để biết rõ nguyên nhân cũng như có được cách điều trị phù hợp.