Một điều cực kỳ quan trọng mà rất nhiều người bệnh giãn tĩnh mạch quan tâm đó là nên ăn và không nên ăn gì để cải thiện bệnh, ngăn ngừa tái phát. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp rõ hơn về vấn đề này, mọi người cùng tìm hiểu nhé:
Mục lục
Giãn tĩnh mạch là gì?
Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng phồng, nổi hẳn lên trên bề mặt da, thường có màu xanh, ngoằn ngoèo. Vị trí dễ thấy nhất trên cơ thể đó là khu vực bắp chân, mắt cá chân, sau đầu gối…
Giãn tĩnh mạch hình thành do chức năng của van tĩnh mạch hoạt động không hiệu quả khiến máu lưu thông kém, bị ứ đọng lại trong lòng mạch, làm chúng bị giãn rộng, phình to ra, gây nên những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người mắc.
☛ Đọc thêm: Suy giãn tĩnh mạch và những mối lo ngại từ biến chứng
Mục tiêu của chế độ ăn uống với bệnh suy giãn tĩnh mạch
Với bất cứ loại bệnh nào, không riêng là suy giãn tĩnh mạch, chế độ ăn uống đều đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tiến triển của bệnh. Một chế độ ăn uống tốt sẽ giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng bệnh. Ngược lại, chế độ ăn uống không phù hợp có thể khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Với người bị suy giãn tĩnh mạch, mục tiêu của chế độ ăn uống cần hướng tới gồm:
Tăng sức mạnh và độ bền của thành mạch
Một chế độ ăn hợp lý, bổ sung các dưỡng chất như vitamin C, vitamin E… sẽ góp phần cải thiện sức mạnh và độ bền của thành mạch, tăng tính thấm của mao mạch, hỗ trợ giảm ứ máu tại các van tĩnh mạch.
Cải thiện tốc độ lưu thông máu, giảm độ nhớt của máu
Người bệnh giãn tĩnh mạch có tốc độ lưu thông máu chậm, làm tăng nguy cơ hình thành các cục máu đông, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Chính vì vậy, chế độ ăn uống cần bổ sung các hoạt chất để giảm độ nhớt của máu, tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu, từ đó cải thiện các triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng giãn tĩnh mạch.
Giảm sưng, phù nề
Sưng và phù nề là dấu hiệu thường thấy khi bị giãn tĩnh mạch. Một chế độ ăn uống hợp lý, ít muối có thể giúp giảm việc giữ nước trong tĩnh mạch, cải thiện triệu chứng sưng, phù nề hiệu quả.
Đọc thêm: Các phương pháp điều trị phù chân
Hạn chế tăng cân
Thừa cân, béo phì là một trong những nguyên nhân khiến bệnh suy tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, duy trì cân nặng hợp lý thông qua chế độ ăn uống là vô cùng cần thiết. Cân nặng phù hợp sẽ làm giảm bớt áp lực lên tĩnh mạch, cải thiện triệu chứng bệnh tốt.
Ngăn ngừa táo bón
Táo bón kéo dài không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể mà còn làm tăng áp lực tĩnh mạch khu vực khung chậu và chi dưới, tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân. Vậy nên, ngăn ngừa táo bón kéo dài bằng chế độ ăn uống hợp lý là một cách hiệu quả giúp giảm tình trạng giãn tĩnh mạch
Tóm lại, thực đơn ăn uống tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch nên có các loại thực phẩm giúp hỗ trợ chống viêm, tăng cường lưu thông máu, tăng sức bền thành mạch, cải thiện các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa biến chứng mà bệnh có thể gây ra.. Ngoài ra, cần loại bỏ những loại thực phẩm có thể khiến suy giãn tĩnh mạch trở nên trầm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến tim mạch, huyết áp, cân nặng, dễ gây phù nề, tích nước…
Bị giãn tĩnh mạch nên ăn gì?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bị giãn tĩnh mạch cần bổ sung nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, ăn nhiều rau xanh và trái cây tươi để tăng cường vitamin và khoáng chất, đồng thời uống đủ nước mỗi ngày giúp máu lưu thông hiệu quả. Ngoài ra, cần dung nạp ít tinh bột và chất béo xấu, hạn chế tiêu thụ nhiều đường và muối. Dưới đây là một số thực phẩm người giãn tĩnh mạch nên ăn:
Quả bơ
Bơ là một loại quả tương đối phổ biến ở nước ta. Trong trái bơ có chứa hàm lượng lớn vitamin E và kali cực tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khoẻ tim mạch. Vitamin E được xem như một chất làm loãng máu tự nhiên, giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông bên trong tĩnh mạch còn kali giảm giữ nước trong cơ thể, hỗ trợ giảm triệu chứng phù nề mà suy giãn tĩnh mạch gây ra.
Măng tây
Măng tây chứa nhiều chất xơ và flavonoid, rất tốt cho người bệnh giãn tĩnh mạch. Chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, làm giảm áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng thấp, hạn chế máu ứ đọng trong lòng mạch. Còn Flavonoid có tác dụng cải thiện lưu thông máu, giảm áp lực trong các mạch máu, từ đó giảm các triệu chứng giãn tĩnh mạch.
Củ cải đường
Củ cải đường chứa nhiều betacyanin – hợp chất có tác dụng chống oxy hoá, tăng cường sức bền thành mạch, đồng thời giúp giảm nồng độ homocysteine – một loại amino acid tự nhiên là thủ phạm thúc đẩy xơ vữa động mạch và tăng hình thành cục máu đông. Chính vì vậy, thêm củ cải đường vào thực đơn hàng ngày có thể giúp cải thiện triệu chứng suy giãn tĩnh mạch hiệu quả..
Quả việt quất
Việt quất có thể giúp giảm các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch vì chúng chứa rất nhiều flavonoid – một nhóm chất có tác dụng tăng cường lưu thông máu, giảm áp lực trong lòng mạch và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông. Ngoài ra, trong việt quất còn chứa hàm lượng anthocyanin cao có khả năng sửa chữa những protein bị hư hại trong thành mạch máu, từ đó nâng cao sức bền của thành mạch, ngăn ngừa tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Cá hồi
Cá hồi chứa hàm lượng Omega-3 cao, cực tốt cho người bị suy giãn tĩnh mạch. Omega-3 là loại acid béo có vai trò quan trọng với sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng. Acid béo này có tác dụng chống oxy hóa, giảm viêm, tăng sức bền thành mạch, ngăn ngừa hình thành cục máu đông, hỗ trợ lưu thông máu và giảm mỡ máu hiệu quả.
Cam quýt
Lượng vitamin C và flavonoid dồi dào trong cam quýt giúp cải thiện các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch khá tốt. Vitamin C giúp cơ thể sản sinh collagen và elastin làm tăng sự đàn hồi và sức bền của thành mạch. Flavonoid thì có tác dụng hỗ trợ lưu thông máu, giảm áp lực động mạch, ngăn ngừa sự tiến triển suy giãn tĩnh mạch.
Gừng
Gừng không chỉ là loại gia vị phổ biến trong các món ăn Việt mà còn được xem là một vị thuốc dân gian chữa suy giãn tĩnh mạch cực tốt. Gừng có vị cay, tính ấm giúp tăng cường lưu thông máu, đồng thời hỗ trợ phá vỡ fibrin nhằm ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch – nguyên nhân khiến suy giãn tĩnh mạch trở nên nặng hơn.
☛ Đọc thêm: Cách dùng gừng chữa giãn tĩnh mạch cực đơn giản
Cần kiêng ăn gì khi bị giãn tĩnh mạch?
Ngoài những thực phẩm nên ăn, thì người bệnh suy giãn tĩnh mạch cũng cần chú ý hạn chế một số loại sau:
Đường và tinh bột
Người bị giãn tĩnh mạch nên hạn chế ăn những loại đồ ăn chứa nhiều đường và tinh bột vì việc tiêu thụ nhiều đồ ăn loại này sẽ khiến cơ thể nhanh bị lão hóa, làm tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, dung nạp nhiều đường cùng với tinh bột sẽ khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng, không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tĩnh mạch, sức khỏe tổng thể mà còn ảnh hưởng lớn đến thẫm mỹ và tâm lý.
Muối
Sử dụng nhiều muối có thể làm tăng áp lực máu, tích nước trong cơ thể, khiến các triệu chứng phù nề do giãn tĩnh mạch gây ra tiến triển nặng hơn. Để cải thiện tình trạng bệnh, người suy giãn tĩnh mạch nên có một chế độ ăn nhạt, dùng ít muối nhất có thể.
Bia rượu
Uống nhiều bia rượu có thể làm rối loạn tuần hoàn máu, khiến bệnh suy giãn tĩnh mạch tiến triển nhanh chóng, khó khắc phục. Vì thế, người bệnh cần hạn chế tối đa việc sử dụng loại đồ uống này.
Đồ chiên rán
Ăn nhiều đồ chiên rán sẽ làm gia tăng chất béo xấu trong cơ thể, đồng nghĩa với đó là tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu, khiến các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch tiến triển ngày một nặng hơn.
Một số lưu ý quan trọng cho người bị giãn tĩnh mạch
Ngoài các chú ý về vấn đề ăn uống, người bệnh suy giãn tĩnh mạch cũng cần quan tâm đến chế độ sinh hoạt để cải thiện bệnh tốt hơn, ngăn ngừa tái phát. Cụ thể:
- Nên hoạt động thể dục, thể thao đều đặn hàng ngày bằng cách đi bộ nhẹ nhàng, đạp xe…
- Luôn giữ mức cân nặng ổn định, không để cơ thể bị thừa cân, béo phì.
- Không đứng quá lâu hay ngồi quá lâu một chỗ. Nếu công việc bắt buộc thì thỉnh thoảng nên đi lại để tăng cường lưu thông máu.
- Hạn chế đi giày cao gót hay mặc quần áo quá chật, bó sát.
- Không ngâm chân nước ấm.
- Nên kê cao chân khi ngủ.
- Có thể dùng vớ giãn tĩnh mạch để hỗ trợ các hoạt động hàng ngày.
- Định kỳ 3 tháng nên đi khám chuyên khoa tim mạch 1 lần để theo dõi tình trạng bệnh.
Chế độ ăn uống tuy không được coi là phương pháp chữa trị duy nhất cho bệnh suy giãn tĩnh mạch, nhưng nó là một yếu tố quan trọng trong việc quản lý triệu chứng và hỗ trợ sức khỏe chung của người bệnh. Hi vọng các thông tin mà chúng tôi cung cấp ở trên, mọi người đã có thêm phần nào kiến thức giúp chăm sóc tốt sức khỏe tĩnh mạch của bản thân và gia đình.