Nhiều người thường thắc mắc tại sao uống rượu bia bị phù chân? Trên thực tế, phù chân là một triệu chứng phổ biến của các bệnh lý nguy hiểm do tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn gây ra. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thêm thông tin về vấn đề trên.
Tại sao uống rượu bia nhiều hay bị phù chân?
Rượu (ethanol) là một phân tử nhỏ khuếch tán rất nhanh trong cơ thể, trước khi được chuyển hóa (90%) trong gan của chúng ta. Điều này cho nó thời gian để tác động lên tất cả các cơ quan (đặc biệt là não và tim), các mô và cơ bắp
Khi rượu đi vào cơ thể, nó làm tăng tốc độ mất nước. Để chống lại điều này, thận sẽ giữ nhiều muối hơn trong cơ thể để giữ nước. Điều này gây ra sự tích tụ nước dư thừa ở chân và khiến chân bị sưng phù.
Bên cạnh đó, rượu là một chất gây có thể làm thay đổi tính chất hóa lý của máu, giãn các mạch máu, giảm tốc độ lưu thông máu (đặc biệt là mao mạch), khiến cho nước tích tụ trong các mô ở chân.
Uống rượu không chỉ gây ra tình trạng sưng phù bắp chân mà còn có thể gây ra chuột rút, nhức mỏi chân. Điều này làm tăng nguy cơ bị chấn thương, do đó không nên uống rượu trước khi tập luyện thể thao.
Đọc tiếp: Tìm hiểu các phương pháp chữa phù chân tại nhà
Cần lưu ý rằng phù chân sau khi uống nhiều bia rượu có thể liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn về tim, gan hay tuần hoàn. Bạn có thể xem phân tích chi tiết ở nội dung bên dưới đây.
Uống rượu bia bị phù chân có thể là bị bệnh gì?
1. Bệnh về gan
Khi gan bị tổn thương, các chức phận thần kinh có thể rối loạn với những dấu hiệu phổ biến như sau:
- Chân tay run rẩy
- Phản xạ tăng
- Ý thức giảm sút
- Mơ màng
- Nói lắp bắp
- Co giật
- Hôn mê
Ngoài ra, các bệnh lý về gan thường đi kèm với tình trạng rối loạn chuyển hóa muối nước trong cơ thể. Lúc này, áp lực keo huyết tương giảm, áp lực thủy tĩnh tăng khiến nước bị đẩy ra khỏi lòng mạch. Đồng thời, một số hormon như ADH có tác dụng giữ nước, Aldosteron giữ muối và kéo theo giữ nước bị giảm khả năng phân hủy dẫn đến phù chi dưới.
2. Bệnh về thận
Một trong những nhiệm vụ chính của thận là lọc các chất có hại trong máu và tái hấp thu lượng muối, nước theo nhu cầu của cơ thể. Khi sử dụng nhiều rượu bia, chất cồn tích tụ trong máu quá nhanh khiến thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ chúng. Đây cũng là nguyên nhân làm mất sự cân bằng của các chất khác.
Tình trạng này kéo dài dẫn đến suy giảm chức năng của thận, gây nên nhiều bệnh lý như:
- Hội chứng thận hư
- Suy thận cấp tính
- Suy thận mạn tính.
Khi thận bị tổn thương, quá trình tái hấp thu nước và chất điện giải trở nên rối loạn, tăng áp lực thẩm thấu dẫn đến phù chi dưới.
Ngoài ra, các bệnh lý về thận thường đi kèm với những triệu chứng như:
- Thay đổi lượng và thành phần nước tiểu
- Tăng ure – huyết
- Nhiễm acid máu
- Thiếu máu
- Cao huyết áp…
3. Bệnh về tim
Tim rất dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực của việc tiêu thụ rượu bia. Dùng đồ uống có cồn quá liều làm cho huyết áp và nhịp tim tăng lên, rối loạn quá trình vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Một số ảnh hưởng ban đầu về tim mạch bao gồm: huyết áp cao, nhịp tim không đều, dẫn đến những hậu quả lâu dài và nguy hiểm như: bệnh cơ tim, suy tim, đột quỵ…
Khi bị suy tim phải hoặc suy tim toàn bộ, một trong những triệu chứng điển hình nhất trong giai đoạn đầu là phù nề khu trú ở hai chi dưới, vùng da xung quanh mềm, ấn lõm kèm theo gan to và tĩnh mạch cổ nổi.
Bệnh tiến triển nặng hơn dẫn đến phù toàn thân, tràn dịch màng phổi hoặc màng ngoài tim, màng tinh hoàn. Do đó, sau khi chẩn đoán suy tim, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao sự gia tăng trọng lượng của cơ thể do tăng giữ nước để dự báo mức độ nghiêm trọng của bệnh.
4. Đái tháo đường
Uống rượu bia quá mức có thể là nguyên nhân khiến tuyến tụy bị tổn thương, làm rối loạn quá trình sản xuất insulin. Khi lượng insulin trong cơ thể không đủ, việc chuyển hóa đường gặp nhiều khó khăn gây tăng lượng đường trong máu và dẫn đến bệnh đái tháo đường.
Lượng đường trong máu cao bất thường làm tổn thương mao mạch và tĩnh mạch khiến máu lưu thông kém, chân bị phù nề và trong một số trường hợp gây rò rỉ chất lỏng vào các mô xung quanh. Nếu không có biện pháp điều trị kịp thời, người bệnh có thể mắc nhiều biến chứng nguy hiểm như: nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu, hôn mê nhiễm toan acid lactic, xơ vữa động mạch…
5. Suy giãn tĩnh mạch
Khi uống rượu, nhịp tim tăng, đồng thời lưu lượng máu lưu thông trong lòng mạch cũng tăng. Từ đó, tĩnh mạch bị căng ra, đặc biệt là các tĩnh mạch ở chân do chúng phải làm việc nhiều hơn để bơm máu trở lại tim, lâu ngày hình thành chứng suy giãn tĩnh mạch.
Khi tĩnh mạch và các van bị tổn thương, khả năng vận chuyển của dòng máu giảm, máu ứ đọng, dễ tắc nghẽn khiến chân sưng phù, đau nhức, chuột rút, xuất hiện mạch máu màu xanh hoặc tím nổi ngoằn ngoèo dưới da.
Nếu không được điều trị đúng cách, suy giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến loét da và các biến chứng nguy hiểm khác như: cục máu đông hoặc viêm tắc tĩnh mạch. Nếu cục máu đông di chuyển đến phổi có thể gây thuyên tắc phổi đe dọa tính mạng của người bệnh.