Trong suốt 99 ngày, nước ta không ghi nhận thêm bất kỳ ca nhiễm Covid mới nào trong cộng đồng. Nỗi ám ảnh mang tên “Covid -19” tưởng chừng như đã được dập tắt. Tần suất cập nhật thông tin về đại dịch đã giảm hẳn. Thỉnh thoảng có lác đác một vài ca nhiễm bệnh, nhưng tất cả trong số đó đều là những trường hợp trở về từ nước ngoài và được cách li ngay lập tức. Người dân cảm thấy an toàn hơn khi bước ra đường. Cuộc sống dần trở lại bình thường theo một cách mới.
Thế rồi, chỉ cách đây vài ngày, chính xác là ngày 25/7, thông tin một trường hợp nhiễm Covid mới (ca nhiễm số 416) trong đồng đồng được ghi nhận tại Đà Nẵng như đập tan sự yên ổn đang mà người ta đang vun đắp.
Suốt tuần qua, việc đọc tin tức cập nhật về những ca nhiễm bệnh mới, số người được chữa khỏi, rồi người liên quan F1, F2 khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Các nhà chuyên môn nói rằng, lần này là sự xuất hiện của một chủng SARS-CoV-2 khác, có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần chủng virus cũ. Một lần nữa, những gì liên quan đến Covid tại nước ta lại trở thành điểm nóng.
Covid -19 thực sự không phải là một trận cảm cúm thông thường. Nó là một thảm họa thế giới đúng nghĩa, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh mạng của hàng trăm triệu người. Nói như vậy không phải là để mọi người thêm hoang mang và sợ hãi. Bước vào cuộc chiến thứ hai chống lại dịch Covid là điều không thể tránh khỏi. Dịch chính là giặc, dù khó khăn nhưng đừng bao giờ tự nhận thua khi chúng ta chưa chiến đấu. Chẳng phải, nước ta từng đã giành chiến thắng trong cuộc chiến trước đó hay sao. Báo chí quốc tế tôn vinh Việt Nam giống như “ngọn hải đăng” trong công tác kiểm soát dịch bệnh, mặc dù có nguồn lực hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn.
Từ thời điểm Covid – 19 bùng phát, không khó để nhận thấy nỗ lực chưa bao giờ nghỉ ngơi của Chính phủ và các Bộ ban ngành từ công tác kiểm soát dịch bệnh, cho đến tuyên truyền phòng dịch và “chấn an” lòng dân. Dù đất nước còn nghèo đói nhưng không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau.
Đội ngũ y bác sĩ là những chiến binh đầy quả cảm, trực tiếp lao vào trận đấu nguy hiểm này với tinh thần lạc quan nhất để giành giật lại sự sống cho người bệnh.
Hàng trăm nhà tình nguyện, các đơn vị, tổ chức, cá nhân chung tay chia sẻ lòng nhân ái bằng từng hộp khẩu trang y tế, từng chai nước rửa tay hay những bì gạo, thùng mì tôm tới bất cứ đâu, nơi mà người dân đang thiếu thốn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Người ta xúc động về hình ảnh một bà cụ đã 95 tuổi ngồi may từng chiếc khẩu trang vải tặng người nghèo. Đó là hành động đầy ý nghĩa và đáng ngưỡng mộ mà một cụ già cống hiến cho xã hội.
Vậy, đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình sẽ làm gì để chung tay cùng cộng đồng vào thời điểm này?
Lẩn tránh không phải là cách để chấm dứt sự sợ hãi hay ngăn chặn dịch bệnh, phải trực tiếp đương đầu với nó, chúng ta mới vượt qua nó. Trong thời gian này, dịch Covid bùng phát trở lại cũng là lúc chúng ta nên làm điều gì đó để chung tay cùng cộng đồng đẩy lui dịch bệnh.
Chống dịch không phải là trách nhiệm của một cá nhân, một nhóm người cụ thể nào đó, mà là trách nhiệm của tất cả mọi người.
Bạn không cần thiết phải làm điều gì đó lớn lao, đôi khi những hành động có ích vào thời điểm này thực ra rất đơn giản.
Việc bạn cần làm chỉ là ở nhà thường xuyên hơn, hạn chế ra ngoài “hết mức có thể” khi không có việc rất cần thiết. Nếu chẳng may bạn đã tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh hoặc đi về từ vùng dịch thì đừng gian dối khi khai báo y tế, đừng né tránh thực hiện cách li như một “chiến tích”. Người có ý thức cộng đồng tốt đều hiểu rằng cách ly xã hội là điều cần thiết phải làm. Trước hết, đó là biện pháp để đảm bảo an toàn cho chính bạn, sau là người thân, rồi đến xã hội.
Hãy tự trang bị cho mình một tinh thần vững vàng, một tâm thế bình tĩnh nhất trước đại dịch. Không khó để bắt gặp trên Facebook những status kiểu như là “Toang rồi”, “Thôi xong”… Nó chỉ khiến dư luận thêm hoang mang mà chẳng đem lại một ý nghĩa cụ thể nào. Đừng vội tin ngay trước những “lời đồn” vô căn cứ, những tin tức chưa được kiểm chứng rõ ràng. Chúng ta cần chia sẻ mọi thông tin một cách cẩn trọng. Hãy gieo rắc niềm tin, đừng gieo rắc nỗi sợ.
Cứ mỗi khi có ca nhiễm mới, hành trình di chuyển của những bệnh nhân này đều được “cư dân mạng” theo dõi sát sao. Nhưng thay vì nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế lui tới những địa điểm “nhạy cảm”, một số bộ phận người dùng mạng lại không tiếc lời công kích, đổ lỗi, thậm chí là xúc phạm bất cứ ai họ cho rằng đó là thủ phạm làm lây lan mầm bệnh. Không ai trong chúng ta muốn trở thành bệnh nhân Covid, trở thành lượt đếm mới mỗi ngày. Xin đừng đổ lỗi lên các bệnh nhân hay đổ lỗi cho chính quyền chưa kiểm soát dịch chặt chẽ. Đừng tự cho mình cái quyền phán xét bất cứ ai. Thay vào đó, hãy học cách kiểm soát chính mình và ý thức nhiều hơn nữa về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ công dân của bản thân.
Hoảng loạn trong đại dịch, hình ảnh mà người ta có thể thấy rõ ràng nhất là là cảnh chen lấn, đổ xô vào các cửa hàng, siêu thị để mua dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm. Đó là một sự hoảng loạn không cần thiết. Thứ mà người ta sẵn sàng đạp lên nhau để tranh giành, vơ vét lại là những bịch giấy vệ sinh hay thùng mì tôm. Liệu thiếu nó bạn sẽ không thể tồn tại được?
Thứ mà mọi người đang thiếu không hẳn là những thứ đó, mà có chăng là một tâm thế bình tĩnh. Bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh để đưa ra quyết định đúng đắn hơn, thông minh hơn.
Nếu đi chợ, hãy chỉ mua vừa phải, dành lại phần cho những người khác nữa. Bạn thấy đấy, khi mà nhiều vùng dân bị phong tỏa, cách ly nhưng họ đâu có chết đói. Sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và xã hội luôn kịp thời và đầy đủ.
Chúng ta không thể chết khi thiếu đồ ăn tạm thời, nhưng chúng ta có thể chết khi thiếu ý thức, thiếu hiểu biết. Sức mạnh cộng đồng nằm ở ý thức của mỗi công dân. Nếu bạn yêu nước, hãy thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo và hướng dẫn của Nhà nước, Chính phủ để bảo vệ mình và mọi người trong cuộc chiến này. Hãy để những hành động tốt đẹp ngày hôm nay trở thành niềm tự hào của chúng ta nhiều năm sau nữa về một cuộc chiến giữa thời bình mang tên “Covid”.