Ê buốt chân răng là vấn đề răng miệng thông thường mà ai cũng có thể mắc phải. Tình trạng ê buốt chân răng hay xảy ra sau khi chúng ta ăn đồ quá nóng, quá lạnh hoặc những món có vị chua. Nhưng đôi khi chân răng bị tê buốt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lí tiềm ẩn bên trong cơ thể. Vậy, nếu bạn muốn biết thường xuyên bị ê buốt chân răng là bệnh gì thì đừng bỏ qua bài viết này.
Mục lục
Những nguyên nhân thông thường gây ê buốt chân răng
Chăm sóc răng sai cách
- Đánh răng quá kỹ, quá thô bạo.
- Dùng bàn chải có đầu lông cứng.
- Lạm dụng nước súc miệng có cồn hoặc axit.
- Xỉa răng bằng tăm thường xuyên.
- Hay nghiến răng, nhai đá lạnh.
- Hay ăn đồ chua, các thực phẩm có nhiệt độ quá cao hay quá thấp khiến men răng bị mòn theo thời gian.
Do các tổn thương trên răng
- Có nhiều cao răng, mảng bám.
- Răng bị nứt, bị vỡ (thường là do tai nạn, va đập, ăn đồ cứng).
- Răng bị sâu.
- Miếng trám răng bị hỏng.
Do thực hiện các thủ thuật nha khoa
- Nhổ răng
- Lấy cao răng
- Làm trắng răng
- Niềng răng
- Trám răng
Thông thường, răng bị ê buốt do can thiệp nha khoa chỉ diễn ra trong vòng vài ngày hoặc 1 – 2 tuần. Tình trạng này sẽ tự cải thiện và biến mất nhanh chóng. Do đó, bạn không cần thiết phải điều trị hay quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu sau vài tuần mà các triệu chứng có vẻ không thuyên giảm thì bạn nên sớm tìm đến các bác sĩ nha khoa để được tư vấn điều trị đúng cách.
Do yếu tố bẩm sinh
Một vài người ngay từ khi sinh ra đã có hàm răng nhạy cảm hơn so với những người khác (men răng mỏng và yếu) nên dễ bị ê buốt, đau nhức. Đó là bởi một số phụ nữ mang thai gặp tình trạng thiếu canxi và fluoride trong thai kỳ, khiến cho thai nhi không đủ những thành phần này để nuôi dưỡng, hình thành răng. Chính vì thế, sau này cấu trúc răng sẽ yếu hơn, lớp men răng mỏng nên dễ bị bào mòn.
Ê buốt chân răng có thể là do bệnh gì gây ra?
Do các bệnh lí về răng
Chảy máu chân răng và viêm nha chu đều gây ra tình trạng viêm quanh chân răng, khiến lợi sưng đỏ và tách khỏi chân răng, cổ răng sẽ bị hở ra ngoài. Vốn phần thân trên của răng có men răng bao bọc, che chở, nhưng phần dưới được bảo vệ bởi lợi, một khi lợi bị tụt, ngà răng sẽ lộ ra và khiến răng dễ bị ê buốt, nhạy cảm. Khi bị ê buốt răng, chỉ cần vô tình hít phải một cơn gió lạnh cũng đủ để khiến bạn rùng mình vì cảm giác nhức nhối tại chân răng.
Do các bệnh lí khác
Đôi khi, ê buốt chân răng lại chính là biểu hiện cho một vài bệnh lí tiềm ẩn khác bên trong cơ thể, điển hình là bệnh trào ngược dạ dày. Những người bị trào ngược dạ dày hay bị nôn, trớ thức ăn hay axit trong dạ dày lên miệng. Axit có thể làm mòn men răng khiến răng ê buốt.
Ngoài ra, những người bị tiểu đường loại 2 cũng có thể bị ê buốt răng, bởi lượng đường trong máu tăng cao làm tăng nguy cơ viêm lợi, tụt lợi. Những tình trạng bệnh lí về lợi lại là điều kiện xảy ra ê buốt chân răng.
Bị ê buốt răng nên xử lý thế nào?
Áp dụng một số biện pháp giảm ê buốt răng tạm thời
Sử dụng tỏi:
Tỏi không chỉ là gia vị quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình, nó còn là phương thuốc dân gian hữu dụng. Bạn cũng có thể sử dụng những nhánh tỏi tươi để cải thiện tình trạng ê nhức răng tại nhà. Tỏi có tác dụng này là vì trong thành phần của nó có chứa một loại kháng sinh tự nhiên có tên là Allicin – có khả năng ức chế sự phát triển của hơn 70 chủng vi khuẩn, virus khác nhau. Ngoài ra, một số thành phần khác của tỏi cũng có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất tốt như là Dianllil disulfide, Dianllil – trisulfide, Azôene, Phitoncid.
Để giảm ê buốt răng với tỏi, bạn có thể làm như sau:
Bóc vài nhánh tỏi, giã nát rồi trộn thêm chút muối tinh. Sau đó, bạn dùng hỗn hợp này đắp lên vùng răng bị ê nhức. Sau khoảng 10 phút thì nhả ra và súc miệng lại với nước muối cho bớt mùi khó chịu của tỏi. Bạn nên thực hiện đều đặn 2 – 3 lần mỗi ngày để tình trạng nhanh chóng được cải thiện nhé.
Sử dụng lá bàng non:
Cây bàng là một loại cây che bóng mát, sống ở khắp mọi vùng miền. Nhưng có thể bạn chưa biết tới những tác dụng chữa bệnh kì diệu của những lá bàng non. Trong dân gian, người ta thường súc miệng với nước lá bàng non để giảm ê buốt răng. Theo các nghiên cứu khoa học hiện đại, chính vì trong thành phần của lá bàng có chứa các chất như Punicalagin, Phytosterol , Flavonoid, Punicalin có khả năng tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng, nên nó giúp cải thiện các vấn đề liên quan tới sức khỏe răng miệng, trong đó có nhiệt miệng và răng ê buốt.
Hướng dẫn:
Chuẩn bị một nắm lá bàng non, không sâu bệnh, sau đó rửa sạch với nước rồi ngâm trong nước muối khoảng 15 phút.
Bạn vớt lá bàng ra, đem xay nhuyễn, lọc lấy phần nước và bỏ phần bã. Đổ nước lá bàng vào chai nhựa hoặc chai thủy tinh, đóng kín nắp, để trong ngăn mát tủ lạnh.
Mỗi ngày, bạn ngậm một ngụm nước lá bàng khoảng 5 – 7 phút, rồi nhổ ra, súc miệng lại với nước sạch. Thực hiện khoảng 2 tuần, mỗi tuần 2 – 3 lần để nhanh chóng thoát khỏi nỗi khó chịu do ê nhức răng gây ra.
Dùng lá trầu không:
Xưa kia, người Việt Nam có phong tục nhai trầu cau trong các nghi thức xã giao, nhai trầu cũng là một cách để giảm mùi hôi miệng. Thực chất, trong thành phần của lá trầu không có chứa tinh dầu có khả năng ức chế nhiều chủng vi khuẩn khác nhau. Vì thế, dùng lá trầu không rất tốt cho việc giảm ê nhức răng miệng.
Hướng dẫn:
Lấy một nắm lá trầu không, rửa với nước sạch nhiều lần để loại bỏ tạp chất, bụi bẩn, sau đó hãy giã nát lá trầu với một chút muối tinh. Bạn chắt lấy nước cốt và hòa cùng một chén rượu trắng. Mỗi ngày, bạn ngậm một ngụm nhỏ nước lá trầu ngâm rượu trong khoảng 10 phút, sau đó nhổ ra và súc miệng lại với nước trắng. Bạn sẽ cảm thấy tình trạng khó chịu ở chân răng nhanh chóng biến mất.
Nhanh chóng đi khám bác sĩ và làm theo hướng dẫn
Thường thì các biện pháp giảm ê nhức răng tại nhà chỉ có tác dụng tức thời và cần phải áp dụng lâu dài. Nếu như sau khoảng 2 tuần thực hiện các biện pháp trên mà không đem lại hiệu quả, bạn nên đi khám để được biết rõ nguyên nhân của bệnh cũng như hướng điều trị tốt nhất.
Thông thường, nếu như ê buốt răng là do răng sâu hay miếng trám răng bị hỏng, các bác sĩ sẽ tiến hành trám lại miếng mới để ngăn chặn rò rỉ từ ngoài vào trong ngà răng.
Ê buốt răng là do các bệnh lí khác về răng như viêm nha chu, tụt lợi… thì cần phải điều trị dứt điểm tình trạng này, khi đó ê buốt răng sẽ thuyên giảm.
Bệnh nhân có thể được hướng dẫn sử dụng kem đánh răng (Sensodyne, GC Tooth Mousse, Colgate Relief) và nước súc miệng kháng khuẩn đặc trị để làm sạch răng miệng, chống lại tình trạng răng nhạy cảm.
Ngoài ra, để cắt cơn đau nhanh chóng do ê buốt gây ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số gel bôi đặc trị để chống ê buốt. Đây là phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả, gel bôi có thể ở dạng kê đơn hoặc không kê đơn, nhưng bạn không nên tùy tiện sử dụng khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ nha khoa.
Chăm sóc răng miệng tại nhà khoa học hơn
Tình trạng ê buốt răng sẽ được cải thiện nhanh chóng hơn nếu như bạn biết chăm sóc răng miệng đúng cách. Trong và sau quá trình điều trị ê buốt răng, bạn nên thực hành các thói quen sau một cách thường xuyên:
- Đánh răng 2 – 3 lần mỗi ngày, chải răng thật nhẹ nhàng, đều khắp các góc cạnh
- Tránh sử dụng bàn chải đánh răng có đầu lông cứng, đổi bàn chải 3 tháng/ lần, không sử dụng khi đầu lông bị sờn.
- Không nên nhai thức ăn cứng, tập cách loại bỏ thói quen nghiến răng để ngăn mài mòn men răng.
- Hạn chế ăn những thức ăn có axit, đồ ăn lạnh hay quá nóng.
- Nếu bạn quyết định tẩy trắng răng, hãy thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ trước khi tiến hành thực hiện để giảm tránh những rủi ro không mong muốn trong và sau khi thực hiện.
- Thăm khám nha sĩ thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần.