Đôi khi đeo khí cụ trong thời gian dài niềng răng sẽ khó tránh việc dây cung đâm vào má. Điều này có thể làm tổn thương đến các mô mềm như má, nướu. Nếu gặp tình trạng trên thì đừng hốt hoảng, mất bình tĩnh mà học ngay cách tự xử lý dưới đây. Sau đó thì hãy đến ngay phòng khám để bác sĩ kiểm tra lại tình trạng nhé!
Mục lục
Nguyên nhân nào làm dây cung đâm vào má?
Nhiều người băn khoăn tự hỏi vì sao dây cung đang yên lành lại có thể đâm vào má. Thực tế điều này cũng không khó để lý giải.
Trước tiên, hãy tưởng tượng phần mắc cài được gắn trên bề mặt răng, mà trên bề mặt mắc cài luôn có rãnh để dây cung nằm lọt vào bên trong. Dây cung buộc vào mắc cài nhờ dây thun, chỉ thép hoặc nắp trượt tự động. Với các răng phía trong, ví dụ như răng số 6 thường có ben hoặc ống tuýp của răng số 6 để chốt chặt đuôi dây cung.
Nhằm giữ an toàn nhất cho bệnh nhân thì phần đuôi dây cung nên được bẻ gập lại giúp chúng không bị trôi ra phía trước. Hoặc có cách khác là cố định bằng một chút composite. Nhưng có bác sĩ trong quá trình thao tác không chốt chặt phía sau, không cắt sát hoặc không bẻ gọn lại. Vậy nên khi các răng dịch chuyển, trong quá trình vệ sinh, ăn uống làm cho dây cung dài ra, đâm vào má. Trường hợp nghiêm trọng hơn còn tạo thành các vết loét khó chịu.
Đọc thêm: Đeo mắc cài có đau nhiều không?
Dây cung đâm vào má gây hậu quả gì?
Nghe dây cung đâm vào má đã cảm thấy nguy hiểm rồi đúng không nào. Thực tế, tình trạng này có thể gây ra hậu quả khác nhau. Thông thường các bạn nhỏ đeo niềng sẽ gặp tình trạng này nhiều hơn khi bé thường đùa nghịch, hiếu động. Nếu mà bác sĩ không chỉnh khí cụ chắc chắn sẽ dễ bị bung tuột.
Trong trường hợp dây cung đâm vào má mức độ nhẹ, bạn cảm thấy khó chịu, hơi đau rát. Còn nếu bị đâm ở mức độ nặng hơn gây tổn thương, thậm chí chảy máu. Lúc này cần có phương án ứng cứu kịp thời.
Hướng dẫn cách xử lý dây cung đâm vào má
Để xử lý dây cung đâm vào má, chúng ta có thể dùng sáp nha khoa, bút chì, kẹp nhíp, kìm… hoặc giảm đau nhờ nước muối ấm. Dưới đây là chi tiết nhất các bước làm nhé.
Sử dụng sáp nha khoa
Sáp nha khoa là sản phẩm phổ biến, không thể thiếu với người đang niềng răng giúp giảm cảm giác khó chịu khi dây cung đâm vào má. Sử dụng sáp mục đích chính nhằm tạo lớp ngăn cách giữa dây cung và niêm mạc bên trong, giảm tối đa sự cọ xát. Bên cạnh đó, chúng cũng bảo vệ môi, má khỏi sự kích ứng.
Để sử dụng sáp nha khoa hiệu quả nhất khi dây cung đâm vào má, mọi người thực hiện theo các bước:
– Bước 1: Chuẩn bị sẵn sáp nha khoa. Nếu chưa có thì đến ngay các hiệu thuốc.
– Bước 2: Vệ sinh cả 2 tay sạch sẽ bằng xà phòng. Rồi dùng khăn lau khô.
– Bước 3: Lấy 1 lượng nhỏ sáp ra khỏi dải sáp, kích thước nhỏ bằng hạt đậu. Lăn miếng sáp giữa các ngón tay đến khi thành 1 viên bóng nhỏ.
– Bước 4: Bạn có thể đánh răng cẩn thận trước để loại bỏ mảng bám còn sót lại trước khi bôi sáp. Hoặc không thì cố gắng làm khô mắc cài, giữ môi, má tránh xa dây cung.
– Bước 5: Cho viên sáp nha khoa vào đầu của dây cung. Ấn nhẹ xuống để chúng che đi vị trí bị thừa ra.
Hãy sử dụng sáp nha khoa đến khi bạn gặp được bác sĩ. Được làm chủ yếu từ sáp ong nên sáp nha khoa an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ. Nếu muốn ăn uống, bạn cho sáp nha khoa ra. Đến khi ăn xong thì tiến hành các bước ở trên, đặt lại vị trí nhé.
Các dụng cụ để sửa dây cung
Thay vì dùng sáp nha khoa bao bọc dây cung, bạn có thể xử lý với các dụng cụ đơn giản dưới đây.
– Dùng bút chì: Loại bút chì có cả đầu tẩy mới hiệu quả. Bạn tìm sợi dây cung trong khoang miệng trước. Nếu là loại dây mảnh thì dùng đuôi bút chì nhẹ nhàng đẩy dây để uốn cong chúng lại. Nhưng không phải ai cũng thực hiện được cách này.
– Dùng nhíp: Xử lý với trường hợp dây cung phía sau trượt ra khỏi mắc cài hoặc đâm vào má. Bạn làm sạch đầu nhíp trước. Tiếp theo dùng chúng kẹp lấy phần cuối của dây cung rồi cho chúng trở lại trên phần mắc cài.
– Dùng nhíp và kìm: Mọi người dùng nhíp uốn cong phần đầu dây cung ra khỏi môi và má. Hoặc dùng kìm cắt phần thừa ra. Lưu ý khi cắt có thể kẹp nhíp vào đầu để lấy được dây cung thừa bị cắt ra.
Bôi gel nha đam hoặc thuốc
Để giảm tình trạng đau nhức, kích ứng khi dây cung đâm vào má, bạn có thể dùng gel nha đam vừa khử khuẩn vừa điều trị vết loét miệng, vết cắt nhỏ bên trong khoang miệng. Hãy chú ý rửa sạch tay và lấy 1 lượng vừa đủ thoa lên vết thương.
Hoặc có một số loại thuốc gây tê miệng như Orajel hoặc Anbesol đều rất hiệu quả. Bôi mỗi ngày khoảng 3 – 4 lần trước khi xử lý triệt để tình trạng trên nhé.
Sử dụng nước muối ấm
Nghe đến nước muối ấm chắc hẳn nhiều người cũng đã quen thuộc với mẹo làm dịu vết thương khi dây cung vô tình cọ xát vào má. Cho 1 thìa muối nhỏ vào nước ấm, khuấy tan hoàn toàn. Sau đó, bạn súc miệng trong khoảng 30s mỗi lần rồi nhổ ra. Cứ lặp lại quá trình này đến khi hết nước muối hoặc khoang miệng thấy dễ chịu hơn.
Làm sao để ngăn ngừa dây cung đâm vào má?
Bị dây cung đâm vào má là điều không ai mong muốn nhưng có thể vô tình chúng vẫn xảy ra. Nếu vậy thì trước hết, bạn cần tìm địa chỉ nha khoa uy tín, bác sĩ sở hữu kinh nghiệm và tay nghề cao. Khi đó công việc lắp khí cụ sẽ chính xác, tỉ mỉ hơn nhằm hạn chế tối đa các rủi ro xảy ra.
Bên cạnh đó, như bạn đã biết, nguyên nhân gây ra tình trạng dây cung đâm vào má có thể do răng dịch chuyển khi ăn uống, vệ sinh răng miệng, vận động mạnh. Vậy nên hãy cố gắng ăn các thức ăn mềm, lỏng, mịn như cháo, bún, miến, cơm nát, khoai tây nghiền… Không ăn đồ quá cứng, quá dẻo như bánh giày, xương heo, cánh gà chiên…, cũng hạn chế vận động quá mạnh.
Với đầy đủ thông tin ở trên hi vọng mọi người sẽ hiểu rõ hơn vì sao dây cung đâm vào má, cách xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả nhất để quá trình niềng răng diễn ra thuận lợi, suôn sẻ nhé!