Hướng ngoại là một đặc điểm tính cách trong mô hình tính cách 5 yếu tố (Big five)- một công cụ để đánh giá và thấu hiểu các khía cạnh của tính cách giúp bạn khám phá tính cách của bản thân và người khác. Công cụ này được áp dụng phổ biến với các nhà tuyển dụng hoặc những người quan tâm nghiên cứu tâm lý học. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu cho biết bạn là người hướng ngoại hay không? Hãy cùng nhau khám phá nhé.
Mục lục
- Tìm hiểu về tính cách hướng ngoại
- Dấu hiệu cho biết bạn là người hướng ngoại
- 1. Người hướng ngoại thích nói chuyện
- 2. Người hướng ngoại rất thích giao lưu, kết bạn
- 3. Người hướng ngoại ưa thảo luận, tranh biện
- 4. Người hướng ngoại thích là trung tâm của sự chú ý
- 5. Người hướng ngoại thân thiện và dễ tiếp cận
- 6. Người hướng ngoại rất cởi mở
- 7. Người hướng ngoại yêu thích làm việc nhóm và cảm thấy cô lập khi ở một mình
- 8. Người hướng ngoại thích lãnh đạo và chỉ huy
- Dấu hiệu tính hướng ngoại ở trẻ em, làm sao để phát hiện?
- Tính tích cực và mặt trái của tính cách hướng ngoại
- Tính cách hướng ngoại phù hợp với công việc gì?
Tìm hiểu về tính cách hướng ngoại
Theo mô hình tính cách 5 yếu tố, hướng ngoại ít hay nhiều, hướng ngoại hay hướng nội được coi như hai đầu của chiều rộng thang tính cách này. Một số người có xu hướng ở hai bên cực điểm, hoặc hướng ngoại hoặc hướng nội. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều ở điểm nào đó ở giữa, bản chất tính cách có thể thiên về hướng ngoại nhưng đôi khi cũng bộc lộ tính cách hướng nội. Chính vì vậy, nghiên cứu các dấu hiệu tiêu biểu có thể giúp bạn dễ dàng xác định mình có thuộc nhóm người hướng nội hay hướng ngoại.
Dấu hiệu cho biết bạn là người hướng ngoại
Những dấu hiệu của tính cách hướng ngoại thường bao gồm:
1. Người hướng ngoại thích nói chuyện
Bạn không chỉ thích nói chuyện với bạn bè, thành viên gia đình và đồng nghiệp; bạn thích bắt chuyện với những người hoàn toàn xa lạ. Bạn thích gặp gỡ những người mới và tìm hiểu về cuộc sống của họ. Không giống như những người hướng nội thường trầm ngâm suy nghĩ thật kỹ trước khi nói, những người hướng ngoại có xu hướng sử dụng khả năng nói như một cách để khám phá và sắp xếp những suy nghĩ và ý tưởng của họ. Thay vì chat hoặc nhắn tin, những người hướng ngoại có thể thích nhấc máy điện thoại và trò chuyện trực tiếp với bạn hơn.
Người hướng ngoại cũng có xu hướng có nhiều bạn bè. Vì bạn rất giỏi trong việc gặp gỡ những người mới, bắt đầu các cuộc trò chuyện và bạn thực sự thích được bầu bạn với những người khác, nên có lẽ không có gì ngạc nhiên khi việc kết bạn trở nên dễ dàng.
2. Người hướng ngoại rất thích giao lưu, kết bạn
Người hướng ngoại luôn tràn đầy cảm hứng với các cuộc gặp gỡ, họ có có xu hướng cảm thấy “sạc đầy” sau khi dành thời gian cho người khác. Người hướng ngoại cảm thấy những tương tác xã hội như vậy thật mới mẻ và họ thực sự nhận được năng lượng từ những cuộc giao lưu đó.
Khi những người hướng ngoại phải dành nhiều thời gian ở một mình, họ thường bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và bơ phờ. Nếu được lựa chọn giữa dành thời gian ở một mình và dành thời gian cho những người khác, một người hướng ngoại hầu như sẽ luôn chọn dành thời gian cho một nhóm.
Người hướng ngoại có thể dành nhiều thời gian hơn trên mạng xã hội và có nhiều bạn bè và người theo dõi hơn người hướng nội, giữ liên lạc với những người khác ngay cả khi ở khoảng cách xa.
Trái ngược hoàn toàn với người hướng nội, những người luôn thích không gian một mình và không hứng thú với việc tiếp cận và ở cạnh những người xa lạ.
3. Người hướng ngoại ưa thảo luận, tranh biện
Người có tính cách hướng ngoại thường thích thể hiện ý kiến cá nhân không che giấu. Khi đối mặt với một vấn đề, người hướng ngoại thích thảo luận, phân tích các lựa chọn khác nhau với những người khác.
Trò chuyện, trao đổi với người thân, bạn bè cũng là cách người hướng ngoại giảm bớt căng thẳng sau một ngày học tập, làm việc mệt mỏi. Mặt khác, người hướng nội thích suy nghĩ, chiêm nghiệm về các vấn đề và dành thời gian ở một mình sau một ngày cố gắng.
4. Người hướng ngoại thích là trung tâm của sự chú ý
Những người hướng ngoại thường có khao khát được thể hiện bản thân trước đám đông và nhu cầu được khẳng định giá trị của mình. Họ thường nổi bật, là trung tâm của sự chú ý và thích được tán dương, khen ngợi.
5. Người hướng ngoại thân thiện và dễ tiếp cận
Kiểu người hướng ngoại thích tương tác với người khác, chính vì vậy, người khác có xu hướng thấy họ dễ mến và dễ gần. Trong mắt người khác, người hướng ngoại luôn rất thân thiện và dễ tiếp cận. Bạn có thể dễ dàng nhận ra người hướng ngoại trong một bữa tiệc, người hướng ngoại sẽ rất dễ dàng để bắt chuyện và làm quen với những người xa lạ một cách tự nhiên. Trong khi những người hướng nội lại có vẻ khó tiếp cận hơn, và đôi khi tỏ ra kiệm lời.
6. Người hướng ngoại rất cởi mở
Trong khi những người hướng nội đôi khi bị coi là khép kín và xa cách, thường giữ những suy nghĩ cho riêng mình và che giấu cảm xúc thật thì những người hướng ngoại thường rất cởi mở và sẵn sàng chia sẻ thẳng thắn những suy nghĩ và cảm xúc của họ. Bạn có thể thấy rằng trang mạng xã hội của người hướng ngoại chia sẻ rất nhiều các hoạt động thường ngày, thể hiện ý kiến, quan điểm cá nhân của người đó về các sự kiện xã hội, cộng đồng.
Người hướng ngoại có xu hướng tìm kiếm nơi những người khác hoặc các nguồn bên ngoài để có ý tưởng và cảm hứng.
7. Người hướng ngoại yêu thích làm việc nhóm và cảm thấy cô lập khi ở một mình
Bởi đặc điểm thích tương tác và giao tiếp với người khác, người hướng ngoại thường ưa thích và phù hợp với hoạt động theo nhóm. Họ có thể cảm thấy khó khăn khi ở một mình và bị giới hạn phạm vi giao lưu, trao đổi với người xung quanh.
8. Người hướng ngoại thích lãnh đạo và chỉ huy
Khi một người ở vai trò lãnh đạo của một tổ chức, đội nhóm, người đó mang theo nhiều trách nhiệm như dẫn dắt, hướng dẫn, chia sẻ, gắn kết… Để làm được những điều này, người lãnh đạo cần tất cả những đặc điểm của tính cách hướng ngoại như khả năng thể hiện bản thân, ưa thảo luận, chia sẻ, giao thiệp… Và đương nhiên, những người có tính hướng ngoại cũng thích được lãnh đạo, dẫn dắt, chỉ huy để phát huy tối đa những đặc điểm tính cách của họ trong môi trường đó.
Dấu hiệu tính hướng ngoại ở trẻ em, làm sao để phát hiện?
Ngay từ khi còn nhỏ, có rất nhiều biểu hiện trẻ thể hiện xu hướng của một người hướng ngoại hay hướng nội trong tương lai.
Ở trường, bạn có thể thấy một đứa trẻ hướng ngoại thích làm việc trong một dự án, nhóm các bạn cùng học tập hơn là một mình.
Trẻ tỏ ra bạo dạn, tự tin, không sợ sệt khi tiếp xúc với người lớn, người lạ hoặc đám đông. Trẻ sẵn sàng chơi trò chơi và nói chuyện cùng các bạn khác trong lớp hơn là chơi một mình, thích khám phá, tham gia thử thách hoặc sáng tạo trò chơi mới.
Trẻ hướng ngoại có xu hướng “nhạt nhòa” khi ở một mình và có thể dễ dàng cảm thấy buồn chán khi không có những người xung quanh.
Chúng có thể nhanh chóng bắt chuyện với những đứa trẻ khác và dường như nhanh chóng kết bạn với những đứa trẻ mới. Đặc điểm nhận biết trẻ hướng ngoại là khả năng hoạt ngôn của các bé, chúng có thể diễn đạt trôi chảy ý tưởng và những gì chúng muốn biểu đạt.
Nhận diện xu hướng tính cách của trẻ từ sớm giúp cha mẹ xác định và giúp con hoàn thiện về mặt nhân cách, hướng con đến những sở thích phù hợp hoặc định hướng công việc tương lai.
Tính tích cực và mặt trái của tính cách hướng ngoại
Có phải rằng tính cách hướng ngoại là kiểu tính cách được ưa chuộng hiện nay và người hướng nội sẽ chịu nhiều thiệt thòi?
Trên thực tế, hướng ngoại là đặc điểm tính cách của phần đông dân số trên thế giới. Tuy nhiên, không thể nói loại tính cách nào là tốt hơn hoặc được yêu thích bởi đám đông hơn bởi hướng nội hay hướng ngoại đều có những ưu và nhược điểm riêng.
Về mặt tích cực
Người hướng ngoại thường được mô tả là người nói nhiều, hòa đồng, hành động, nhiệt tình, thân thiện và hướng ngoại.
Những đặc điểm này của người hướng ngoại giúp họ thể hiện tốt bản thân, thu hút người xung quanh, dễ dàng tạo dựng mối quan hệ với người khác. Điều này góp phần giúp sự nghiệp, công việc hay các mối quan hệ của họ suôn sẻ, thuận lợi hơn.
Người hướng ngoại có xu hướng dành nhiều thời gian cho người khác, có nhiều bạn bè và tích cực tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người hướng ngoại có xu hướng hạnh phúc hơn những người hướng nội và ít mắc một số rối loạn tâm lý.
Nhìn chung, người hướng ngoại luôn tràn đầy năng lượng và có thể lan toả tới người xung quanh. Người hướng ngoại có thể thu hút, khiến không gian xung quanh họ trở nên sôi nổi, nhiệt tình hơn.
Về mặt tiêu cực
Người hướng ngoại đôi khi được mô tả là thích sự chú ý, dễ bị phân tâm và không thể dành thời gian ở một mình.
Người hướng ngoại có thể dễ dàng kết giao và có số lượng bạn bè đông đảo, nhưng các mối quan hệ thường không đạt được độ thân mật, gắn bó mà đôi khi chỉ dừng ở mức độ xã giao.
Người hướng ngoại đôi khi không có được sự điềm tĩnh, bình tĩnh để suy xét thật kỹ trước khi nói hoặc hành động.
Người hướng ngoại cũng thường hay thử thách bản thân với các giới hạn mạo hiểm, điều đó có thể nguy hại đến cơ thể.
Chính vì vậy, hướng ngoại không phải lúc nào cũng là tốt và cũng không phải người hướng nội sẽ không nhận được sự yêu thích bằng người hướng ngoại. Một bộ phận đông đảo trong chúng ta có tính cách hướng ngoại không tuyệt đối, nghĩa là, dù phần lớn các đặc điểm tính cách của người đó được xác định thuộc nhóm người hướng ngoại, nhưng trong một lúc nào đó, người đó lại có xu hướng hướng nội.
Có thể ví dụ một người luôn hoạt bát, năng nổ với nhiều hoạt động vào ban ngày nhưng có thể dành hàng tiếng đồng hồ để suy ngẫm về một điều gì đó trong cuộc sống, hoặc giả sử họ cũng có những chuyện không muốn chia sẻ cùng người khác….Vì vậy, tính hướng nội và hướng ngoại hoàn toàn có thể cùng đan xen tồn tại ở bất kỳ ai trong chúng ta.
Tính cách hướng ngoại phù hợp với công việc gì?
Bằng tất cả những đặc điểm của tính cách hướng ngoại kể đến ở trên, có thể thấy rằng người hướng ngoại sẽ thể hiện bản thân tốt trong các nghề nghiệp sau đây:
Người của công chúng: chính trị gia, diễn viên, ca sĩ là những nghề rất phù hợp với người hướng ngoại bởi những nghề nghiệp này yêu cầu khả năng hoạt ngôn, biết cách thể hiện cảm xúc, diễn đạt, thân thiện và cởi mở.
Giáo viên: Nghề dạy học yêu cầu bạn khả năng nói, thuyết trình, chia sẻ, dẫn dắt trước đám đông học sinh của mình. Vì vậy, người hướng ngoại được cho là các đối tượng khá phù hợp với nghề giáo viên.
Nhân viên bán hàng, tư vấn sản phẩm, môi giới: Đây là nghề nghiệp dành cho những bạn giao tiếp khéo léo, cởi mở, thân thiện với khách hàng, biết cách để trò chuyện, làm quen và tạo dựng mối quan hệ. Những điều này có thể tìm thấy ở người có tính cách hướng ngoại.
Hướng dẫn viên du lịch: Cũng như nghề giáo viên, hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi bạn sự hoạt ngôn, khả năng thuyết trình, tính cách cởi mở, vui vẻ và sôi nổi.
Người tổ chức sự kiện: Người hướng ngoại cũng thích hợp với việc phối hợp với đội nhóm, linh hoạt, phản ứng nhanh và hoạt động năng nổ khi ở vai trò của một người làm sự kiện.
Trên đây là một số thông tin gợi ý về nghề nghiệp phù hợp với tính cách hướng ngoại, điều đó không có nghĩa rằng người hướng ngoại sẽ không làm được các công việc khác. Điều đó không phụ thuộc hoàn toàn vào tính cách hướng nội hay hướng ngoại mà còn nhờ vào rất nhiều các yếu tố khác như sự đam mê, quyết tâm, chuyên môn, hiểu biết của người đó.
Nói chung, căn cứ vào các dấu hiệu một người hay thể hiện ra ngoài, chỉ có thể xác định một cách tương đối đặc điểm tính cách đó thuộc nhóm hướng ngoại hay hướng nội. Hi vọng, bài viết này giúp các bạn hiểu hơn về chính mình và những người xung quanh. Cảm ơn bạn đã đón đọc!