Hàm duy trì là một loại khí cụ được bác sĩ yêu cầu những người niềng răng cần đeo sau khi tháo niềng. Hàm duy trì này có tác dụng ổn định vị trí cho răng, tránh răng bị xô lệch về vị trí trước khi niềng. Tùy theo tình trạng răng miệng của mỗi người mà bác sĩ sẽ tư vấn các loại hàm duy trì sao cho phù hợp nhất. Vậy có nhất thiết phải đeo hàm duy trì sau khi tháo niềng không, cùng đi tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Mục lục
Hàm duy trì là gì?
Chỉnh nha là phương pháp khắc phục tình trạng răng bị sai lệch sử dụng các loại khí cụ như mắc cài, dây thun, dây cung,… để tạo ra lực kéo chỉnh răng về đúng vị trí phù hợp, cho bạn nụ cười đều đẹp, rạng rỡ. Thời gian niềng răng trung bình sẽ nằm trong khoảng từ 1 – 3 năm, tùy theo các trường hợp khác nhau và các yếu tố ảnh hưởng khác.
Tuy nhiên dù trong trường hợp nào thì sau khi tháo niềng bạn sẽ đều phải đeo khí cụ hỗ trợ để ổn định và duy trì kết quả sau khi chỉnh nha. Bởi lúc này mặc dù hàm răng đã đều đặn và có tỷ lệ tương quan khớp cắn chuẩn nhưng vẫn chưa ổn định và chắc khỏe. Người ta gọi khí cụ ổn định răng sau khi tháo niềng răng là hàm duy trì.
Hàm duy trì được bác sĩ chỉ định đeo sau khi tháo mắc cài niềng răng, nó có 2 loại là cố định và tháo lắp, tùy theo sự lựa chọn của bạn như móc kim loại, khay nhựa hoặc khung cố định.
Có nhiều người vì quá nóng vội muốn khoe ngay hàm răng sau khi tháo niềng mà bỏ qua việc đeo hàm duy trì làm cho răng bị xô lệch về lại vị trí ban đầu.
Tại sao cần phải đeo hàm duy trì sau khi chỉnh nha?
Sau khi kết thúc giai đoạn niềng răng, do răng và xương hàm mới phải trải qua sự tác động rất lớn để điều chỉnh, lúc này răng chưa ổn định chắc chắn nên rất dễ bị xô lệch. Trong quá trình nhai và vận động sẽ rất dễ khiến răng bị tái phát trở về vị trí cũ. Bên cạnh đó thì mô nướu và mô nha chu cần có thêm thời gian để tổ chức lại cấu trúc sau khi niềng răng, chính vì vậy cần có thêm khí cụ để giữ nguyên vị trí của răng tại thời điểm tháo niềng để duy trì kết quả.
Hiểu thêm về tái phát sau niềng răng, nó sẽ có những nguyên nhân sau đây:
Yếu tố lợi và mô nha chu
Xung quanh răng sẽ có các dây chằng nha chu cũng như các bộ phận bám dính để giữ cho răng ở vị trí ổn định. Khi niềng răng, răng di chuyển tới vị trí mới thì các bộ phận này cũng sẽ di chuyển và tái cấu trúc theo. Khi nào dây chằng nha chu và các bó sợi đàn hồi trên xương ổ tái cấu trúc xong thì răng mới giữ được ở vị trí cố định, còn không nó sẽ luôn có xu hướng kéo răng lại vị trí ban đầu. Thông thường mất tới 8 tháng để sợi đàn hồi quanh cổ răng được cố định, vì thế răng cần được giữ ổn định ở một vị trí trong thời gian đủ lâu để các bó sợ trưởng thành ở vị trí mới.
Vì vậy đối với những bạn yêu cầu tháo sớm hơn thời gian quy định để tổ chức đám cưới hay đi du học xa hoặc vì bất cứ một lý do nào đó thì bạn sẽ phải đối diện với nguy cơ răng bị tái phát khá cao.
Khớp cắn
Đối với các hàm răng khỏe mạnh thì yếu tố tiếp xúc của cả 2 hàm phải bằng nhau, không bị bên cao bên thấp để lực đặt lên răng sẽ ổn định. Bên cạnh đó các cơ sinh học vận động hàm, cắn nghiến cũng đều cần phải tính tới. Nếu sau khi niềng răng xong không tạo ra được tiếp xúc khớp cắn đều nhau thì những cản trở khi di chuyển hàm sẽ tạo ra lực khiến răng bị di chuyển và tái phát lại. Chính vì vậy việc kiểm soát khớp cắn là rất quan trọng.
Áp lực mô mềm và giới hạn của răng
Thông thường nha sĩ sẽ kết thúc niềng răng ở vị trí các răng cân bằng trong khoảng trung hòa, tức là khoảng giữa được giới hạn bởi lưỡi phía trong và môi má phía ngoài. Đây là mô mềm di động nằm ở vị trí kẹp hàm răng, mặc dù là môi mềm nhưng đừng nghĩ rằng cử động sẽ yếu hơn hàm răng. Khi bị xâm phạm vào khoảng trống của lưỡi, tức là nếu bạn kéo răng vào trong quá mức thì lực đẩy của lưỡi sẽ khiến cho răng bị ngả ra ngoài, thường gặp khi kéo lùi răng của hàm dưới.
Trong trường hợp cắn hở do tật đẩy lưỡi bác sĩ sẽ phải loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân mới cho kết cho kết quả điều trị niềng răng được lâu dài.
Tái phát do độ tuổi, sinh lý
Nếu bạn niềng răng trong độ tuổi tăng trưởng thì sự thay đổi sẽ diễn ra khá nhanh và mạnh, hết độ tuổi tăng trưởng sẽ có sự thay đổi ít hơn. Như vật có thể thấy rằng hàm răng trong 1 môi trường luôn có sự thay đổi, sự thay đổi từ từ được coi là sinh lý hết sức bình thường ở bất cứ một bộ răng nào. Vì vậy người trường thành càng đeo niềng lâu càng tốt, tối thiểu với trẻ trong tuổi thanh thiếu niên là 3 năm.
Như vậy có thể thấy nguyên nhân dẫn tới tái phát răng sau khi niềng có rất nhiều, quan trọng là đeo hàm duy trì đúng, đủ thời gian để ngăn chặn việc tái phát răng sau khi niềng.
Các loại hàm duy trì trên thị trường hiện nay
Hiện nay với sự phát triển của công nghệ hiện đại, hàm duy trì có nhiều loại để phù hợp với yêu cầu của từng đối tượng. Nếu như trước đây chỉ có duy nhất hàm duy trì cố định thì hiện nay đã xuất hiện các loại hàm duy trì khác. Dưới đây là một số loại hàm duy trì phổ biến nhất được sử dụng hiện nay:
Hàm duy trì cố định
Đây là loại hàm duy trì được làm bởi dây thép có nhiều kích cỡ và hình dang (dạng thẳng, xoắn) được gắn cố định ở mặt sau của răng trước (thông thường là răng số 1, 2, 3) bằng composite.
- Ưu điểm khi sử dụng hàm duy trì cố định: hiệu quả duy trì cao
- Nhược điểm khi sử dụng hàm duy trì cố định: người đeo cần phải chăm sóc răng miệng thật sạch sẽ, nhẹ nhàng, theo đúng chỉ dẫn. Bạn không được tự ý tháo hàm duy trì mà chỉ có thể tháo ra khi tới gặp bác sĩ chỉnh nha. Vì được gắn lại bằng composite cho nên hàm duy trì loại này có thể sẽ bị bung ra, lúc này đương nhiên chỉ tới gặp bác sĩ chỉnh nha mới có thể hàn lại.
Hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt
Với loại hàm khay nhựa trong suốt, bác sĩ sẽ kiểm tra lại răng, lấy mẫu hàm và gửi sang nhà sản xuất ở Mỹ để tạo ra khay niềng trong suốt để đeo. Loại máng này khá giống với máng đeo dùng để tẩy trắng.
Sử dụng hàm duy trì tháo lắp bằng khay nhựa trong suốt có tính thẩm mỹ cao, phù hợp với người đi học, đi làm bởi nó có màu trong suốt, rất khó phát hiện, có thể hoàn toàn tự tin đeo khay trong suốt 24 giờ mà không cần lo lắng tới vấn đề thẩm mỹ.
Bên cạnh đó hàm duy trì tháo lắp khay nhựa trong suốt còn có thể dễ dàng tháo ra lắp vào, khắc phục được nhược điểm của loại hàm duy trì truyền thống. Điều này khiến cho việc ăn uống, vệ sinh răng miệng được đơn giản hơn.
Nhược điểm của hàm duy trì tháo lắp khay trong suốt đó là do dễ dàng tháo lắp nên nhiều người rất dễ quên đeo làm ảnh hưởng đến kết quả.
Hàm duy trì tháo lắp kim loại
Đối với loại hàm duy trì tháo lắp kim loại được làm từ chất liệu kim loại, nó cũng giống với hàm duy trì tháo lắp trong suốt là có thể dễ dàng tháo ra lắp vào. Tuy nhiên với loại hàm duy trì này bạn chỉ nên đeo vào ban đêm vì dây kim loại của hàm duy trì bị lộ ra khỏi bề mặt răng. Ưu điểm vượt trội là giữ cố định răng đúng vị trí rất tốt cho dây kim loại có kết cấu chắc chắn.
Hàm duy trì tháo lắp kim loại thường sẽ phù hợp hơn cho những trường hợp nhổ răng khi niềng răng. Nó có cấu tạo từ các dây kim loại, nhìn giống như một dây cung ôm sát răng cửa.
Xem thêm: Chi phí các loại hàm duy trì
Cần đeo hàm duy trì trong thời gian bao lâu?
Hàm duy trì được đeo trong thời gian bao lâu còn phụ thuộc vào tình trạng xương hàm của mỗi người. Trong hầu hết các trường hợp thì bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân đeo hàm duy trì từ 6 – 12 tháng sau khi tháo mắc cài bởi đây là thời gian quan trọng giúp xương hàm phát triển, tái tạo hài hòa với vị trí răng mới.
Nếu như xương hàm và răng của bệnh nhân nhanh hồi phục thì sẽ chỉ cần đeo hàm duy trì từ 1 – 3 tháng. Một số trường hợp đặc biệt khi bệnh nhân có hàm răng yếu, bác sĩ sẽ yêu cầu đeo hàm duy trì với thời gian lâu hơn, có thể suốt đời. Trong trường hợp đối tượng chỉnh nha là trẻ em, có thể bác sĩ sẽ yêu cầu đeo hàm duy trì cho tới độ tuổi trưởng thành khoảng 20 tuổi.
Như vậy có thể thấy mỗi loại hàm duy trì sẽ có những ưu nhược điểm khác nhau. Việc đeo hàm duy trì là vô cùng quan trọng để đảm bảo răng sau khi tháo niềng không bị tái phát chạy về vị trí cũ. Và tùy theo từng trường hợp cũng như nhu cầu của mỗi người mà bác sĩ chỉnh nha sẽ lựa chọn loại hàm duy trì phù hợp nhất. Hãy nhớ phải đeo hàm duy trì để bảo vệ thành quả niềng răng các bạn nhé!
Theo Niengkhongnhorang.vn