Tắm cho trẻ sơ sinh là một việc mà bất cứ bà mẹ nào cũng sẽ được trải qua khi có con. Đây là một việc gần như mẹ phải thực hiện hàng ngày vì việc tắm cho trẻ sơ sinh, sẽ giúp cho da của bé được sạch sẽ, kích thích sự lưu thông máu trong cơ thể. Nhưng tắm như thế nào để không gây ảnh hưởng đến trẻ, mời các mẹ theo dõi bài viết sau của Tinsuckhoe để biết được các bước tắm cho trẻ sơ sinh.
Mục lục
1. Cách tắm cho trẻ sơ sinh tại nhà
1.1. Cách tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn tại nhà
Khi mới sinh, dây rốn của bé vẫn được gắn vào cơ thể của bé và sẽ dần dần khô lại sau vài ngày hoặc vài tuần. Dân gian gọi đây là hiện tượng rụng rốn. Phần rốn chưa rụng của con, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé, nhưng nó lại là một điều khiến mẹ băn khăn khi dự định tắm cho bé. Nhiều mẹ sợ rằng nước tắm có thể khiến cho bé bị nhiễm trùng. Nhưng trên thực tế, mẹ chỉ cần vệ sinh sạch sẽ cho con khi tắm xong thì điều này sẽ không xảy ra.
Khi nào có thể tắm cho trẻ sơ sinh chưa rụng rốn
Thông thường, khi mới chào đời, các trẻ sơ sinh chưa cần phải tắm ngay. Khi đó, các cô hộ lý sẽ dùng khăn mềm lau sạch phần nước ối cùng máu bám trên người bé. Sau đó, các bé sẽ được đưa bến chỗ mẹ để thực hiện da tiếp da.
Nếu lúc đó, mẹ quan sát con kỹ hơn, bạn sẽ thấy trên da của con còn được bao phủ một lớp tế bào mỏng có dạng sáp. Lớp sáp này còn được gọi là vernix caseosa hay chất gây, nó có tác dụng trong việc duy trì thân nhiệt của bé khi còn nằm trong nước ối và có thể chống được nhiễm khuẩn trong khi sinh.
Lúc mới sinh ra, cơ chế thân nhiệt của con còn chưa được ổn định, nên hầu như ở các bệnh viện phụ sản thường sẽ tắm cho bé vào ngày hôm sau. Tất nhiên, điều này còn phụ thuộc vào quyết định của bố mẹ. Nếu bố mẹ chưa sẵn cho con tắm, có thể trì hoãn thêm 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, bố mẹ cần phải lưu ý, lớp chất gây này để lâu có thể trở thành môi trường lý tưởng để cho các vi khuẩn trú ngụ.
Đọc thêm: Tắm cho trẻ sơ sinh vào thời điểm nào là lý tưởng nhất?
Đồ dùng cần chuẩn bị:
- Chậu tắm cho bé: hai cái (một cái dùng để tắm, một cái để tráng lại người sau khi tắm cho bé)
- Ghế tắm, dầu massage, sữa tắm.
- Khăn tắm cho bé: Mẹ nên chuẩn bị hai chiếc khăn nhỏ (một chiếc dùng để tắm và một chiếc dùng để lau đầu cho bé sau khi gội đầu) và một chiếc khăn lớn (dùng để sau khi tắm xong, quấn cơ thể cho bé không bị lạnh)
- Ngoài ra, mẹ chuẩn bị thêm: quần áo, bao chân, bao tay, mũ đội đầu, khăn sữa, bỉm, phấn rôm, nước muối 0.9%, cồn 70 độ, rơ lưỡi, dung dịch betadine, sữa tắm gội…
Cách tắm cho bé:
- Trước khi tắm cho con, mẹ nên massage cho con từ 5 – 7 phút, việc đó sẽ giúp cho cơ thể bé được ấm áp, thoải mái, dễ chịu và không có cảm giác sợ khi bạn cho con vào trong chậu nước tắm.
- Rửa mặt cho bé: Bạn dùng khăn sữa sạch, nhúng nước, vắt khô lau mặt, mắt, mũi và tai cho bé.
- Tắm cho bé: Với chậu nước dùng để tắm cho con mẹ có thể pha 1 ít sữa tắm dành cho trẻ sơ sinh vào trong nước tắm. Sau đó, mẹ từ từ đặt con vào trong chậu nước, với các bé sơ sinh còn chưa cứng cổ nên bạn dùng tay trái để đỡ cổ cho con. Tay phải mẹ dùng khăn sữa, tắm từng bộ phận cho con. Vì bé còn chưa rụng rốn nên trong lúc tắm, mẹ nên tắm một cách nhẹ nhàng và cẩn thận không nên chạm vào phần cuống rốn của con. Mẹ nên chú ý làm sạch những vùng da có nhiều nếp gấp như cổ, nách, bẹn và bộ phận sinh dục cho bé. Sau đó, tráng lại người cho con với chậu nước khác đã chuẩn bị từ trước. Bế bé ra khỏi chậu, đặt bé vào khăn, quấn lại để giữ ấm cơ thể cho con.
- Gội đầu cho bé: Mẹ bế con nằm ngửa ra, lấy ngón tay cái và ngón tay giữa của tay phải bịt vào lỗ tai cho bé, để tránh nước bắn vào tai con. Dội một chút nước lên đầu bé, rồi thoa thêm một ít dầu gội lên, dùng tay thoa nhẹ nhàng để loại bỏ hết bụi bẩn và tế bào chết trên da đầu cho con. Gội sạch đầu với nước ấm. Sau khi gội sạch, dùng khăn lau khô đầu cho con.
Cách chăm sóc cho bé sau khi tắm:
- Sau khi tắm gội xong cho con, bạn lau khô người cho bé, mẹ bôi kem chống hăm và mặc tã cho bé.
- Sau đó, mẹ mặc quần áo, đeo bao chân, bao tay, mũ đội đầu.
- Dùng nước muối 0.9% nhỏ vào mắt và mũi cho bé.
- Vệ sinh lưỡi cho con: Mẹ đổ một ít nước muối ra cái bát, sau đó cho rơ lưỡi vào ngón tay trỏ để vệ sinh lưỡi và miệng cho con.
Cách vệ sinh phần rốn cho trẻ sơ sinh:
Trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn là một bệnh vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ. Chính vì vậy, với các trẻ sơ sinh chưa rụng rốn, sau khi tắm xong, mẹ cần phải vệ sinh rốn cho con.
- Trước khi vệ sinh rốn cho con, bạn nên rửa sạch tay để loại bỏ hết các vi khuẩn và chất bẩn trên tay để tránh gây nhiễm trùng cho con. Sau khi rửa xong, mẹ có thể dùng cồn 70 độ để sát khuẩn lại.
- Dùng bông và gạc thấm khô vùng rốn cho con.
- Mẹ dùng một miếng bông thấm qua dung dịch vệ sinh rốn (bạn có thể dung dịch betadine), lau nhẹ nhàng từ trước ra sau rốn. Do màng thịt vẫn còn dính ở phần cuống rốn nên mẹ cần thực hiện một cách nhẹ nhàng và từ từ để tránh làm cho con đau (mẹ nên cầm phần đầu của dây rốn trong lúc vệ sinh rốn cho bé).
- Dùng bông lau lại phần cuống rốn cho con đến những vùng da xung quanh. Khi thực hiện ở bước này, bạn nên làm theo một chiều, không nên lau đi lau lại.
- Rốn của trẻ sơ sinh cần để khô ráo sau khi vệ sinh. Mẹ tuyệt đối không nên sử dụng phấn rôm hay bất cứ loại thuốc nào để bôi vào rốn cho con.
- Sau khi vệ sinh rốn cho con xong, bạn có thể dùng một chiếc gạc rốn để băng cố định lại, tránh trường hợp con cọ sát với quần áo dẫn đến bị chảy máu. Gạc rốn mẹ nên dùng những loại gạc mỏng để giúp cho rốn được khô thoáng.
Tìm hiểu thêm: 9 loại sữa tắm chống cảm hàng đầu cho bé
1.2. Cách tắm cho trẻ sơ sinh đã rụng rốn
Đồ dùng chuẩn bị:
- 02 chậu nước tắm cho bé, ghế tắm, sữa tắm, dầu massage.
- Ngoài ra, mẹ chuẩn bị thêm một số đồ sau: quần áo, bao chân, bao tay, mũ đội đầu, khăn sữa, khăn tắm to, nước muối 0.9%, rơ lưỡi…
Cách tắm cho bé:
- Bạn chuẩn bị nước ở trong 2 chậu nước tắm, sao cho nhiệt độ nước trong chậu từ 35 -38 độ C. Một chậu nước tắm bạn hòa với sữa tắm để tắm cho bé, một chậu đựng nước trắng dùng để tráng lại người cho con.
- Tư thế để tắm cho bé: mẹ nên ngồi lên ghế, một tay bế bé, còn phần lưng và mông của bé thì được đặt lên đùi của mẹ.
- Rửa mặt: Bạn nhúng ướt khăn sữa, vắt khô, lau mắt tiếp đến lau mặt, mũi, tai cho bé.
- Tắm cho bé: Từ từ thả bé vào trong chậu nước, tay trái mẹ đỡ cổ, còn dùng tay phải để tắm cho con. Mẹ dùng khăn kỳ hết các bộ phận trên cơ thể cho bé, với các vùng da có nhiều nếp gấp như: cổ, nách, bẹn, vùng kín… mẹ nên tắm kỹ hơn một chút. Sau đó, nhấc bé sang chậu nước khác, rửa lại các bộ phận cho bé để hết sữa tắm và các cáu bẩn.Bế bé ra khỏi chậu, lấy khăn ấm quấn lại để giữ ấm cho con.
- Gội đầu: Bạn bế con nằm ngửa ra, dùng ngón cái và ngón giữa của tay phải bịt vào lỗ tai cho bé, để tránh nước rơi vào tai của con. Làm ướt tóc của bé một cách từ từ, thoa dầu gội lên đầu cho con, dùng tay thoa nhẹ để loại bỏ hết bẩn trên đầu. Gội sạch đầu với nước ấm, dùng khăn lau khô đầu cho con.
Chăm sóc cho bé sau khi tắm:
- Sau khi lau khô người cho bé xong, dùng tăm bông lau khô vành tai cho bé, bôi phấn rôm và kem chống hăm cho con.
- Đóng bỉm và mặc quần áo, bao chân, bao tay, thóp che đầu cho con.
- Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi và rơ lưỡi cho con.
- Dùng một miếng bông, thấm một ít cồn 70 độ vệ sinh vùng rốn cho con.
2. Một số lưu ý khi tắm cho trẻ sơ sinh
- Trước khi tắm cho con, mẹ nên vệ sinh tay với nước sát khuẩn để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn.
- Da của trẻ sơ sinh còn non và mỏng manh nên rất dễ bị dị ứng, vì vậy nước tắm cho con phải đảm bảo thích hợp với da của bé. Nhiệt độ nước thích hợp cho da của con là từ 35 – 38 độ C. Để chính xác hơn mẹ có thể dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ nước.
- Phòng tắm cho con phải đảm bảo được kín gió, tránh có gió lùa như vậy bé rất dễ bị nhiễm lạnh. Nếu vào mùa lạnh, mẹ có thể dùng thêm đèn sưởi hoặc điều hòa ấm để cho con đỡ bị lạnh.
- Cơ thể của trẻ sơ sinh còn yếu, vì vậy bạn nên tắm cho con lúc nào nhiệt độ cao nhất để con không bị lạnh. Thời gian cụ thể như: từ 10 đến 11 giờ vào buổi sáng hoặc từ 2 đến 4 giờ đối với buổi chiều. Tuy nhiên, mẹ không nên tắm cho con lúc đang ngủ hoặc vừa mới ngủ dậy, lúc vừa mới ăn no, trẻ vừa đi tiêm phòng về, trẻ đang bị cảm lạnh hoặc có triệu chứng sốt….Trẻ sơ sinh nên tắm mấy lần 1 tuần?
- Với các trẻ sơ sinh, mẹ chỉ nên tắm cho con trong vòng 4 – 5 phút, và không nên quá 10 phút.
- Mực nước tắm trong chậu phải đảm bảo giữ ấm cho cơ thể của con từ ngực trở xuống, trong lúc tắm mẹ nên tắm nhẹ nhàng để tránh nước bắn vào mắt, mũi, miệng của con.
- Trong trường hợp các bé chưa rụng rốn, mà rốn có hiện tượng có dịch ướt, chảy máu hoặc mủ… bạn nên đưa con đi khám bác sĩ để có biện pháp chữa trị cho kịp thời.
Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của Tinsuckhoe. Hi vọng qua bài viết này, có thể cung cấp đầy đủ các thông tin hữu ích về cách tắm cho trẻ sơ sinh an toàn và hiệu quả nhất. Chúc các mẹ khỏe mạnh và thành công!