Bạn đang vô cùng hào hứng vì chuẩn bị thưởng thức món ăn khoái khẩu của mình. Thế nhưng, khi bạn đưa miếng đầu tiên vào miệng, nó lại không mấy vui vẻ như bạn nghĩ. Một cảm giác đau rát khó chịu khiến bạn nhăn mặt. Ấy là lúc, bạn biết được sự tồn tại của một nốt nhiệt miệng tai hại.
Vậy, nhiệt miệng thực chất là gì, nguyên nhân do đâu và làm sao để loại bỏ nhiệt miệng nhanh chóng? Để tìm hiểu điều này, hãy đọc bài viết sau bạn nhé.
Mục lục
Nhiệt miệng là gì?
Nhiệt miệng hay loét áp tơ (Canker Sores) là những vết loét rất nông, hình tròn hoặc oval, có màu trắng (thỉnh thoảng là màu vàng), viền ngoài màu đỏ, chúng phát triển ở bên trong niêm mạc miệng bao gồm bờ trong môi, má trong, lưỡi, nướu và vòm miệng.
Nhiệt miệng rất phổ biến, hầu như ai ai trong chúng ta cũng đã từng một vài lần mắc phải, phụ nữ và tuổi thanh thiếu niên thì có nguy cơ cao nhất. Tuy vậy, nó là một bệnh lí răng miệng rất đơn giản, hiếm gây biến chứng. Đa phần các nốt nhiệt miệng ở dạng nhẹ nên chúng có thể tự khỏi.
Nhiệt miệng rất dễ nhầm lẫn với mụn rộp sinh dục ở miệng – một loại vết loét gây ra bởi sự tấn công của virus HSV-1. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể nhận thấy những đặc điểm khác biệt của chúng, cụ thể là:
Nhiệt miệng | Mụn rộp |
Là những vết loét phía bên trong niêm mạc miệng | Là những vết loét phía bên ngoài niêm mạc miệng (trên môi, quanh mép, dưới mũi, dưới cằm) |
Vết loét không có mủ, không đóng vảy | Vết loét có mủ, có đóng vảy |
Bệnh không lây nhiễm | Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua tiếp xúc nước bọt hay ăn uống chung. |
Nhiệt miệng được chia làm 3 dạng:
- Nhiệt miệng nhỏ: có kích thước dưới 10mm, vết loét này là phổ biến nhất, thế nhưng chúng có thể tự khỏi sau 7 – 10 ngày mà không để lại sẹo.
- Nhiệt miệng lớn: có kích thước từ 10 – 30mm. Vết loét tồn tại lâu hơn, khoảng từ 2 – 4 tuần và có thể để lại sẹo. Có khoảng 15% số người bị nhiệt miệng mắc loại này. Sự xuất hiện của các vết loét lớn trong khoang miệng thường là lời cảnh báo cho một bệnh lí tiềm ẩn bên trong cơ thể.
- Nhiệt miệng đám: Là những đốm loét rất nhỏ mọc sát nhau để tạo thành vết loét lớn. Tuy nhiên, nhiệt miệng dạng này cũng không nguy hiểm, chúng có thể tự lành sau 1 tuần.
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhiệt miệng
Trước khi một vết loét thực sự hình thành, bạn có thể lờ mờ cảm thấy cảm giác nóng trong miệng, khoảng một vài ngày trước đó. Thế nhưng chỉ cho tới khi bạn đưa lưỡi hoặc răng hay thức ăn chạm vào chúng bạn mới nhận biết được sự tồn tại của một vết nhiệt miệng.
Nhiệt miệng gây ra tình trạng đau rát rất khó chịu, khiến bạn ăn không ngon, ngủ không yên, làm việc gì cũng uể oải, giao tiếp kém tự tin. Trong trường hợp nghiêm trọng, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện như là: lên cơn sốt, nổi hạch ngay góc hàm, tiêu chảy, đầy hơi, sút cân,…
Nhiệt miệng là do đâu?
Y học hiện đại vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến các nốt nhiệt miệng. Tuy nhiên, người ta cho rằng các tổn thương thực thể tại khoang miệng hay vấn đề dinh dưỡng, dị ứng, bệnh lý có liên quan nhất định đến sự hình thành của nhiệt miệng. Còn theo y học cổ truyền, nhiệt miệng sinh ra là do ảnh hưởng từ tâm, can, tỳ, vị, nhiệt độc, lối sống và chế độ ăn uống.
Các bạn có thể xem xét cụ thể các tác nhân gây bệnh sau đây:
Nhiệt miệng do chấn thương
- Chẳng may cắn vào bên trong má, cắn vào môi hay lưỡi khiến niêm mạc tổn thương.
- Đánh răng quá nhanh và mạnh gây chảy máu chân răng, trầy xước bên trong khoang miệng.
- Đôi khi bề mặt răng sắc nhọn hoặc thiết bị nha khoa, chẳng hạn như niềng răng hoặc răng giả không vừa vặn, cũng có thể gây ra vết loét.
- Bị tai nạn vùng mặt, vùng hàm.
Do vấn đề ăn uống
- Hay ăn những món cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng gia vị cay nhiều.
- Một số loại thực phẩm có vị chua như là kim chi, dưa cà hay trái cây có múi (chẳng hạn như chanh, cam, quýt, dứa, táo, dâu tây) thường có tính axit nên chúng có thể gây ra vết loét hoặc làm vấn đề tồi tệ hơn.
- Chế độ ăn uống nghèo nàn dinh dưỡng thiếu hụt các thành phần quan trọng như là vitamin B, C, nguyên tố sắt và kẽm.
Do vấn đề dị ứng
Một số người bị nhạy cảm với glutein, khi ăn những thực phẩm như lúa mạch, lúa mì hay một số loại ngũ cốc, cơ thể không dung nạp được glutein gây ra phản ứng viêm loét khoang miệng.
Hai chất phụ gia thực phẩm thường gặp có liên quan đến vết loét là gia vị quế và axit benzoic (một chất bảo quản phổ biến có trong thực phẩm và nước giải khát).
Nếu bạn sử dụng kem đánh răng hay các sản phẩm chăm sóc răng miệng khác có chứa sodium lauryl sulfate (SLS) thì miệng cũng có thể xuất hiện vết nhiệt miệng vì đây là một thành phần có tính chất tẩy rửa mạnh, dễ bào mòn niêm mạc vùng mô mềm.
Do bệnh lý
Nếu như tình trạng nhiệt miệng tái phát thường xuyên, bạn nên nghi ngờ rằng có thể bản thân đang gặp phải một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó. Cụ thể là:
- Bệnh về đường tiêu hóa: viêm đại tràng, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích), bệnh Crohn, bệnh Giardias.
- Bệnh tự miễn: bệnh Behcet.
- Bệnh HIV/AIDS.
Do các nguyên nhân khác
- Mất cân bằng hormone trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và cho con bú, giai đoạn tiền mãn kinh (trong kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai).
- Căng thẳng kéo dài.
- Sử dụng thuốc chống viêm không steroid, như ibuprofen (Advil®, Motrin®), là một nguyên nhân phổ biến khác gây lở loét miệng.
- Virus, vi khuẩn tấn công khi sức đề kháng suy giảm trầm trọng.
Khám nhiệt miệng được thực hiện thế nào, khi nào bạn nên đi khám?
Nhiệt miệng tuy đơn giản, dễ khỏi nhưng khi trở nặng bạn cần lưu ý các dấu hiệu và đi khám kịp thời. Bạn nên tới phòng khám nha khoa hoặc bệnh viện trong các trường hợp sau:
- Vết loét nghiêm trọng không tự khỏi sau 14 ngày.
- Nhiệt miệng ngày càng lan rộng hoặc có dấu hiệu rỉ dịch lạ, sưng to.
- Vết loét tái phát nhiều lần trong năm, khi nốt nhiệt miệng cũ chưa khỏi thì nốt mới đã hình thành.
- Cơ thể sốt cao, tiêu chảy kéo dài, nổi hạch ở cổ, mệt mỏi, sút cân…
Khi tới các trung tâm y tế khám bệnh, bạn cần thực hiện đầy đủ thủ tục theo hướng dẫn của nhân viên:
Bước 1: Đăng kí khám bệnh, đóng viện phí tạm ứng và lấy phiếu khám (bạn cần cung cấp đầy đủ CMTND, thẻ BHYT và các thông tin khác theo yêu cầu của nhân viên y tế).
Bước 2: Tới đúng phòng khám bệnh theo chỉ dẫn, chờ đợi và vào phòng khám theo số thứ tự.
Bước 3: Khám lâm sàng
Bệnh nhân sẽ trải qua quá trình hỏi bệnh. Bác sĩ có thể đặt cho bạn một số câu hỏi như:
- Vết loét xuất hiện từ khi nào? Mức độ đau đớn ra sao?
- Ngoài triệu chứng đau tại vết loét, bạn còn gặp phải các triệu chứng nào khác hay không?
- Bạn từng bị nhiệt miệng nhiều lần trước đó hay chưa?
- Gần đây bạn ăn uống những gì?
- Bạn có thực hiện bất kì thủ tục nha khoa nào gần đây không?
- Bạn có bị bệnh gì, có đang sử dụng thuốc gì hay không?
- Bạn có tiền sử gia đình bị loét miệng không?
Cùng với đó, bác sĩ sẽ kiểm tra khoang miệng để nhận diện mức độ viêm loét và phát hiện nguyên nhân nếu có.
Bước 4: Khám cận lâm sàng.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết loét, bạn sẽ được chỉ định thực hiện thêm một vài kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng khác như là: xét nghiệm máu, sinh thiết, nội soi tiêu hóa (trong trường hợp nghi ngờ các bệnh về đường ruột)…
Sau khi có kết quả phân tích các xét nghiệm cận lâm sàng, bạn cần quay trở về phòng khám ban đầu để lắng nghe kết quả chẩn đoán. Đồng thời, bác sĩ sẽ cho bạn phác đồ điều trị thích hợp.
Điều trị nhiệt miệng
Thông thường, các vết loét nhẹ thì không cần điều trị, chúng có xu hướng tự khỏi trong thời gian ngắn. Những vết loét dai dẳng, lâu lành, có kích thước lớn thì được điều trị bằng thuốc (dạng bôi hoặc uống) kết hợp với nước súc miệng steroid, cụ thể:
Nước súc miệng
Bác sĩ có thể kê đơn nước súc miệng có chứa steroid dexamethasone (dek-suh-METH-uh-sown) để giảm đau và viêm hoặc lidocaine để giảm đau.
Thuốc bôi
Thuốc bôi trị vết loét có thể là các loại thuốc không kê đơn hoặc kê đơn kê đơn, thuốc dùng ở nhiều dạng khác nhau như là dạng bột, kem, gel hay chất lỏng. Các loại thuốc bôi lên vết loét nhằm mục đích giảm đau và tăng tốc độ chữa lành tổn thương. Một số loại thuốc tiêu biểu như:
- Benzocaine (Anbesol, Kank-A, Orabase, Zilactin-B)
- Fluocinonide (Lidex, Vanos)
- Hydrogen peroxide (Thuốc sát trùng miệng Orajel Sore Rinse, Peroxyl)
Có nhiều rất nhiều loại thuốc bôi trị nhiệt miệng khác, bạn hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ để chọn được giải pháp điều trị tốt nhất.
Thuốc uống
Thuốc uống có thể được sử dụng khi có vết loét nghiêm trọng hoặc bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị tại chỗ, như là Sucralfate, Corticosteroid (Clobetasol, Dexamethasone, Fluocinonide).
Sucralfate: tạo ra một lớp màng bao phủ chỗ viêm loét, bảo vệ chỗ viêm loét không bị tổn thương, nhằm giúp cho các vùng bị viêm loét mau chóng lành lặn hơn.
Vết loét trở nặng mà không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác thì bệnh nhân có thể sử dụng thuốc Corticosteroid (Clobetasol, Dexamethasone, Fluocinonide) nhưng vì chúng có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được coi là biện pháp điều trị cuối cùng.
Đốt vết loét
Vết loét nhiệt miệng có thể điều trị bằng một biện pháp khác đó là sử dụng chất hóa học để đốt hoặc phá hủy các mô viêm loét. Chẳng hạn:
Debacterol – được sử dụng để trị loét miệng hay các vấn đề về lợi, thuốc có thể giúp vết loét nhanh lành, thời gian hồi phục có thể giảm xuống chỉ còn khoảng 1 tuần.
Nitrat bạc – một lựa chọn khác để chữa lành vết loét bằng hóa chất – mặc dù nó chưa được xác định rõ ràng về khả năng làm tăng tốc độ chữa lành, nhưng nó có thể giúp giảm đau tại vết loét.
Bổ sung dinh dưỡng
Trong trường hợp, người bệnh bị suy nhược cơ thể, hệ miễn dịch yếu thì cần phải bổ sung dinh dưỡng, chẳng hạn như folate (axit folic), vitamin B-6, vitamin B-12 hoặc kẽm.
Điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan
Nếu như nhiệt miệng liên quan đến một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như là bệnh viêm đại tràng hay bệnh Lupus ban đỏ, thì bệnh nhân cần phải được điều trị bằng các biện pháp phù hợp khác để loại bỏ vấn đề cốt lõi. Có như vậy, tình trạng loét sẽ không tái phát thường xuyên.
Các biện pháp chữa trị tại nhà
80% các vết loét nhiệt miệng mà chúng ta hay gặp là dạng loét đơn giản, có kích thước nhỏ và nhanh lành. Vì thế, bạn có thể áp dụng các biện pháp chữa trị tại nhà để khắc phục vấn đề nhanh hơn. Dưới đây là một vài mẹo hữu ích, bạn nên tham khảo:
- Súc miệng với baking soda hoặc nước muối trong 30s, sau đó nhổ ra, thực hiện 1 – 2 lần/ngày.
- Chườm trực tiếp tại vết loét với đá lạnh, nếu không chịu được lạnh, bạn có thể bọc viên đá với một túi vải và chườm phía bên ngoài.
- Bôi dầu dừa hoặc mật ong trực tiếp lên vết loét, để giảm sưng và đau.
Lưu ý: Một số phương pháp điều trị tại nhà có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa bệnh, nhưng chúng không phải là viên đạn thần kỳ. Không có biện pháp khắc phục nào có thể chữa khỏi vết loét trong một đêm. Nhiều phương pháp điều trị tại nhà cho vết loét không được nghiên cứu kỹ lưỡng, vì vậy hãy thận trọng khi sử dụng. Bạn cũng có thể liên hệ tới bác sĩ nếu như còn bất cứ điều gì thắc mắc.