Có thể cải thiện bệnh suy giãn tĩnh mạch chi thông qua tập thể dục hay không? Câu trả lời là có, và thực tế, nó không hề phức tạp như bạn tưởng. Những bài tập đúng đắn, thực hiện một cách đều đặn, sẽ giúp cải thiện đáng kể kết quả điều trị. Hơn nữa, đây còn là biện pháp phòng ngừa hiệu quả, ngăn chặn sự phát triển của bệnh trong tương lai.
Mục lục
Bài tập cải thiện suy giãn tĩnh mạch chân
Mục đích chính của các bài tập này là kích hoạt cơ bắp chân, thúc đẩy máu lưu thông tốt hơn và giảm áp lực lên hệ thống tĩnh mạch.
Dưới đây là một số bài tập phù hợp bạn có thể tham khảo áp dụng để phòng ngừa và tập luyện trong giai đoạn điều trị giãn tĩnh mạch chân:
Bài tập 1:
Ngồi trên ghế, duỗi thẳng chân và thực hiện động tác xoay tròn cổ chân, lần lượt từng chân, 15 lần mỗi chân.
Bài tập 2:
Ngồi trên ghế, nâng gót chân trái lên đồng thời mũi chân tựa xuống sàn, chân phải nâng mũi chân lên và tựa bằng gót chân xuống sàn nhà. Thực hiện thay đổi tư thế giữa 2 chân 10 – 15 lần.
Bài tập 3:
Ngồi trên ghế, dồn trọng tâm cơ thể vào 2 mũi chân, đẩy gót chân lên, sau đó hạ xuống nhẹ nhàng. Lặp lại 10-15 lần. Bài tập này cũng có thể thực hiện riêng lẻ cho mỗi chân hoặc thực hiện ở tư thế đứng (lặp lại thao tác kiễng chân).
Bài tập 4:
Đi nhón chân 20 bước sau đó đi bằng gót chân 20 bước.
Bài tập 5:
Nằm ngửa, nâng chân thẳng lên trên, bàn chân và cẳng chân vuông góc vói sàn nhà. Từ từ gập bàn chân về trước vuông góc với cẳng chân rồi duỗi thẳng về tư thế ban đầu. Lặp lại 10-15 lần.
Bài tập 6:
Nằm ngửa trên sàn hoặc trên giường, nâng hai chân lên, đầu gối vuông góc với cẳng chân, thực hiện động tác như đạp xe.
Bài tập 7:
Thực hiện ở tư thế nằm, hai chân nâng lên 1 góc 45 độ so với sàn nhà, bắt chéo hai chân lại rồi đổi bên, thực hiện 10 – 15 lần.
Lưu ý:
Bạn có thể tự lựa chọn và kết hợp các bài tập trên để tạo thành một chuỗi bài tập phù hợp với mình. Không cần thiết phải thực hiện tất cả, nhưng hãy dành 10-15 phút mỗi ngày cho sức khỏe của bạn.
Nếu bạn thường xuyên tập luyện tại phòng gym, hãy thay thế các bài tập nặng bằng aqua aerobics hoặc pilates, đây là những bài tập thể dục nhẹ nhàng tốt cho việc phòng chống suy giãn tĩnh mạch.
Các môn thể thao phù hợp cho người bị giãn tĩnh mạch chân
Trong trường hợp bệnh lý về tĩnh mạch, nên ưu tiên các môn thể thao không tạo ra tải trọng lớn cho mạch máu. Các môn thể thao sau đây hoàn toàn an toàn cho bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch:
- Bơi lội
- Đi bộ với tốc độ vừa phải (thời gian phù hợp là 30 – 40 phút)
- Đạp xe tốc độ chậm trên địa hình bằng phẳng
- Golf
Hướng dẫn lựa chọn môn thể thao và mức độ vận động phù hợp cho người bệnh giãn tĩnh mạch dựa trên giai đoạn phát triển của bệnh:
Giai đoạn I: Cho phép tập luyện hầu hết các môn thể thao với mức độ tập luyện vừa phải cho chân.
- Không có biểu hiện rối loạn lưu thông máu.
- Có thể quan sát thấy các mao mạch mạng nhện.
- Bệnh thường không có triệu chứng.
Giai đoạn II: Nên ưu tiên các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, yoga, đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng, aquagym (thể thao dưới nước).
- Xuất hiện các tĩnh mạch giãn rộng dạng lưới đến 3mm.
- Cảm giác mệt mỏi, nóng rát ở chân.
Giai đoạn III: Cần có sự đồng ý của bác sĩ trước khi tập luyện. Nên chọn các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, đi bộ nhẹ nhàng, tập thể dục tại chỗ.
- Biểu hiện rõ ràng của bệnh giãn tĩnh mạch.
- Ứ trệ máu tĩnh mạch, dẫn đến phù nề chân, nặng chân, mệt mỏi, chuột rút ban đêm, bồn chồn chân (hội chứng chân không yên).
Tìm hiểu đầy đủ: Các triệu chứng của bệnh giãn tĩnh mạch chân
Lưu ý trước khi tập các bài tập chân trong giai đoạn điều trị giãn tĩnh mạch
Nên thực hiện các bài tập từ tư thế nằm ngang thay vì đứng để giảm áp lực lên tĩnh mạch.
Sử dụng vớ nén (vớ y khoa) để hỗ trợ tĩnh mạch khi tập luyện.
Nên uống nhiều nước trong quá trình tập luyện. Điều này là cần thiết để ngăn ngừa tình trạng mất nước, nguyên nhân làm tăng độ nhớt của máu. Những thay đổi về đặc tính lưu biến của máu có thể dẫn đến hình thành cục máu đông và gây ra các tình trạng đe dọa tính mạng.
Sau khi tập luyện, các bác sĩ khuyên bạn nên nằm ngửa và giơ chân lên. Bạn cần nằm ở tư thế này trong 5-10 phút để kích thích dòng máu chảy ra từ tĩnh mạch. Điều này làm giảm tải trọng lên các mạch máu của chi dưới. Bài tập này cũng được khuyến khích sau một ngày làm việc vất vả.
Khi thực hiện các bài tập thể thao, điều quan trọng là phải lắng nghe phản ứng của cơ thể. Nếu thấy đau đớn, khó chịu, chuột rút, sưng phù chân thì nên ngưng tập luyện.
Các môn thể thao cần tránh khi bị giãn tĩnh mạch chân
Khi bạn đã được chẩn đoán mắc chứng giãn tĩnh mạch, bạn cần biết môn thể thao nào không được phép thực hiện khi bị bệnh.
- Tập tạ chân, nhất là nâng tạ nặng
- Chạy nhanh, chạy nước rút
- Thể dục nhịp điệu
- Đua xe đạp thể thao
- Quần vợt
- Võ thuật
- Nhảy dây
- Trượt tuyết
- Nhảy xa, nhảy cao
- Cưỡi ngựa
- Các môn thể thao đồng đội – bóng đá, bóng rổ, khúc côn cầu;
Sau khi loại bỏ tĩnh mạch giãn, việc tập thể dục không bị cấm, nhưng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện. Các phương pháp phẫu thuật hiện đại và an toàn cho phép bệnh nhân quay trở lại hoạt động thể chất chỉ sau 2-3 tuần sau phẫu thuật.
Thời gian phục hồi cụ thể phụ thuộc vào mức độ can thiệp của ca mổ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Luôn nhớ rằng việc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ hoạt động thể chất nào sau phẫu thuật là rất quan trọng để đảm bảo an toàn và phục hồi tốt nhất.
Nguồn tham khảo: 8 bài tập phù hợp cho người bị giãn tĩnh mạch chân – Dulcit