Uống thuốc kháng sinh là một trong những lý do phổ biến gây rối loạn kinh nguyệt của bạn. Thật vậy, rất nhiều chị em đã trải qua tình trạng này khi họ uống kháng sinh chỉ đơn giản là vì những đợt cảm cúm thông thường. Vậy, đâu là mối liên hệ giữa kháng sinh và sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt? Hãy tìm hiểu chi tiết trong bài viết sau đây bạn nhé.
Chu kỳ kinh nguyệt của bạn diễn ra thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt (vòng kinh) được tính từ ngày đầu tiên có kinh nguyệt của chu kỳ thứ nhất tới ngày đầu tiên có kinh nguyệt của chu kỳ tiếp theo. Thông thường, một vòng kinh kéo dài khoảng 22 – 35 ngày, trong đó vòng kinh phổ biến của nữ giới vào khoảng 28 – 32 ngày. Số ngày hành kinh kéo dài từ 2 – 7 ngày.
Trong 14 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt (tính với vòng kinh 28 ngày), các nang trứng sẽ bắt đầu được huy động để trưởng thành, tuyến yên tiết ra hormone FSH để kích thích trứng phát triển. Chỉ có một nang trứng duy nhất vượt trội lên, được gọi là trứng trưởng thành. Cùng lúc này, tuyến yên lại tiết ra hormone LH (hormone hoàng thể hóa) để kích hoạt sự rụng trứng. Trứng sẽ rụng vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, sau khi hormone LH tiết ra khoảng 28 – 36 tiếng đồng hồ.
Khi quá trình rụng trứng bắt đầu, sự ảnh hưởng của hormone estrogen và progesterone trong buồng trứng làm cho lớp lót nội mạc tử cung bắt đầu dày lên để chuẩn bị cho trứng thụ tinh vào làm tổ. Nó cũng làm cho chất nhầy ở cổ tử cung lỏng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng dễ xâm nhập vào tử cung. Đến khoảng ngày thứ 22 của chu kỳ, nếu như không có phôi thai đến làm tổ thì tế bào trứng sẽ vỡ ra, đồng thời lớp lót nội mạc tử cung cũng bong tróc và cuốn theo tế bào trứng trôi ra ngoài âm đạo – được gọi là máu kinh. Sau khi máu kinh đào thải hết, một chu kỳ mới lại bắt đầu.
Thuốc kháng sinh ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt như thế nào?
Thuốc kháng sinh có thể can thiệp vào hệ nội tiết, làm thay đổi cơ chế rụng trứng, khiến cho tế bào trứng trưởng thành không rụng vào đúng thời điểm, vì thế kinh nguyệt của bạn có thể đến sớm hoặc muộn hơn dự kiến. Không chỉ vậy, khi nội tiết tố thay đổi, bạn có thể phải đối mặt với nhiều triệu chứng khác (có xu hướng trầm trọng hơn) liên quan đến rối loạn kinh nguyệt như là đau tức ngực, chuột rút, đau bụng kinh, chảy máu nhiều…
Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 1947 cho thấy thuốc Penicillin gây chảy máu kinh nguyệt nặng hơn, khiến cơn đau nghiêm trọng hơn và nữ giới xuất hiện nhiều các triệu chứng tiền kinh nguyệt (PMS), mặc dù họ không thể tìm ra mối liên hệ chính xác tại sao thuốc lại gây ra điều này.
Tình trạng này được lý giải là do thuốc kháng sinh kích thích cơ thể tiết ra hoocmon gonadotrophin màng đệm ở người (hCG) và khiến lớp lót nội mạc tử cung bong ra không đúng thời điểm, làm cho chu kỳ kinh nguyệt thay đổi.
Thực thế, theo một giả thuyết khác cho rằng một vài trục trặc nhỏ trong quá trình chuyển hóa thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt. Cụ thể là:
Thuốc kháng sinh có thể gây ra hoạt tính sinh học tương tự như estrogen trong cơ thể nữ giới, người ta gọi những thành phần này là estrogen tổng hợp (hay xenoestrogen).
Thuốc kháng sinh sau khi vào cơ thể và thực hiện chức năng chữa bệnh, nó bị chuyển hóa để đào thải ra khỏi cơ thể. Gan sẽ là cơ quan chủ yếu để chuyển hóa các chất dư thừa. Các loại men chuyển hóa có sẵn trong gan sẽ biến đổi thuốc thành những chất chuyển hóa có tính phân cực, để dễ dàng hòa tan trong mật, nước tiểu, rồi bài tiết ra ngoài.
Gan nhận biết được xenoestrogen đang là thành phần ngoại lai, cần phải đào thải ra ngoài. Thế nhưng, một vài hoạt chất trong thuốc kháng sinh có thể làm cản trở tốc độ chuyển hóa của gan, chẳng hạn như là chloramphenicol, cimetidin hoặc quinine. Do đó, công việc phá vỡ cấu trúc của loại estrogen tổng hợp này gặp nhiều khó khăn hơn. Nó hoàn toàn có thể bị giữ lại trong cơ thể và đi vào máu. Khi đó, xenoestrogen sẽ góp phần làm tăng nồng độ estrogen lên mức cao, và rồi nghiễm nhiên tác động ngược trở lại buồng trứng gây ra rối loạn rụng trứng, khiến chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi.
Không chỉ gan mà một số cơ quan khác trong cơ thể cũng có vai trò thực hiện chức năng chuyển hóa, mặc dù mức độ ít hơn, như là não, thận hay đường ruột.
Nói về đường ruột, các thành phần trong thuốc kháng sinh giúp loại bỏ những vi khuẩn gây hại nhưng nó cũng tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi. Khi rối loạn hệ vi sinh xảy ra, đường ruột sẽ cần mất nhiều thời gian hơn để khôi phục lại trạng thái cân bằng ban đầu. Do đó, các vi khuẩn có lợi còn sống sót sẽ có thêm cơ hội để đưa xenoestrogen trở lại trạng thái kích hoạt ban đầu. Và thế là, xenoestrogen được hấp thu qua thành ruột vào đường máu lần thứ hai, và gây ra sự thống trị estrogen một lần nữa.
Khi nồng độ estrogen thay đổi trong máu, chu kỳ của bạn sẽ bị ảnh hưởng, cơ thể nhận thấy mức estrogen ở ngưỡng bất thường nên tuyến yên cũng không giải phóng hormone FSH hay LH một cách bình thường. Hormone LH có thể gia tăng hoặc thiếu hụt vào khoảng ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt, điều đó khiến thời gian rụng trứng bị sai lệch, dẫn tới vòng kinh không đều.
Thuốc kháng sinh không chỉ tác động đến hệ vi khuẩn tại đường ruột, nó còn làm xáo trộn hệ vi khuẩn tại âm đạo. Đó là lý do vì sao một số phụ nữ nhận thấy họ bị nhiễm nấm men Candida (loại nấm chủ yếu gây viêm âm đạo) sau khi sử dụng thuốc.
Một điểm quan trọng khác cần lưu ý là kháng sinh thay đổi hiệu suất trao đổi chất của cơ thể và khả năng duy trì mức độ hormone ổn định.
Mặc dù thuốc kháng sinh có những tác động tiêu cực đến cơ thể và chu kỳ kinh nguyệt, nhưng có thể có những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau khi sử dụng thuốc có thể nằm ở những lí do tiềm ẩn khác như là khi bạn bị bệnh não bộ thường xuyên căng thẳng nên nó ảnh hưởng vùng dưới đồi gây ra rối loạn hormone hoặc cơ thể bạn bị suy nhược khi ốm bệnh cũng góp phần làm ảnh hưởng đến hormone gây ra rối loạn kinh nguyệt.
Đọc thêm: Rối loạn nội tiết tố có làm que thử thai hiện 2 vạch?
Làm sao để ngăn chặn ảnh hưởng của thuốc kháng sinh tới chu kỳ của bạn?
Để chu kỳ kinh nguyệt không bị ảnh hưởng bởi thuốc kháng sinh, bạn có thể học cách thay đổi lối sống để giữ cho nội tiết tố luôn ổn định, bằng cách:
Để cân bằng nồng độ estrogen, bạn có thể thêm một ít dầu cá, vitamin D và vitamin B vào chế độ ăn uống (hoặc uống các vitamin tổng hợp). Nó có thể giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột để quá trình chuyển hóa thuốc được diễn ra nhanh chóng hơn.
Bạn sẽ cần ngủ đủ giấc để tránh bị căng thẳng trong thời gian ốm bệnh. Đây là một yếu tố có thể ảnh hưởng không nhỏ tới kinh nguyệt của bạn
Kháng sinh có thể làm tăng mức độ estrogen tổng thể, khiến kinh nguyệt bị rối loạn ngay trong chu kỳ đó. Nhưng xét trên nhiều khía cạnh, thuốc hoàn toàn không gây ảnh hưởng với các chu kỳ tiếp theo, trừ khi bạn sử dụng nó liên tục trong thời gian dài.
Nhìn chung, thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng ít nhiều đến hệ thống nội tiết trong cơ thể bạn. Do đó, đừng bao giờ uống thuốc một cách tùy tiện vì uống thuốc thường xuyên có thể làm giảm hiệu quả của kháng sinh. Chỉ dùng chúng khi cần thiết và đảm bảo rằng bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để giữ cho sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn vẫn bất ổn, hãy nói tham khảo tư vấn của bác sĩ để nhận thêm những lời khuyên đúng đắn cho chính trường hợp của bạn.
Tham khảo từ
- http://benhuxo.vn/roi-loan-kinh-nguyet-do-khang-sinh-3903/
- https://health.howstuffworks.com/medicine/medication/antibiotics-menstruation.htm
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2965722/
- https://www.drugs.com/medical-answers/antibiotics-delay-make-period-late-3121704/
- chuyengiaphukhoa.vn