Rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa là những bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chúng thường xuất hiện khi thời tiết oi nóng, khiến cho bé có cảm giác đau rát, khó chịu. Để loại bỏ rôm sảy, mụn nhọt nhiều mẹ đã dùng nước rau má để tắm cho con. Vậy tắm nước rau má có tác dụng gì? cần lưu ý những gì? Hãy cùng tìm hiểu câu trả lời trong bài viết sau của Tinsuckhoe.
1. Tác dụng của tắm nước rau má cho bé
Có tác dụng loại bỏ rôm say, mụn nhọt, mẩn ngứa: theo y học cổ truyền, rau má có vị đắng, hơi ngọt, tính bình nên có tác dụng dưỡng ẩm cho da, thanh nhiệt, giải độc. Vì vậy, các mẹ thường sử dụng nước rau má để tắm cho bé để loại bỏ rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa, cung cấp độ ẩm cho da luôn mềm mịn.
Giúp da bé sạch sẽ và mát da: ngoài tác dụng loại bỏ rôm sảy, mẩn ngứa, tắm lá rau má còn có tác dụng loại bỏ hết bụi bẩn và bã nhờn cho da. Giúp da bé sạch sẽ và có cảm giác thông thoáng sau mỗi lần tắm. Lá rau má có tính mát nên mẹ có thể tắm cho con trong những ngày thời tiết oi nóng để da con được mát hơn.
Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trọng dịch chiết xuất của nước rau má có khả năng kích hoạt các tiến trình phân chia tế bào, giúp tái tạo mô liên kết giúp vết thương nhanh lành, thích hợp để trị vết thương, bỏng da, vảy nến và nhiều bệnh lý về da khác cho trẻ nhỏ.
Tham khảo thêm: Trẻ sơ sinh bị mẩn đỏ ở mặt là vì đâu? Mẹ nên làm gì?
2. Cách tắm cho bé bằng nước rau má
- Bạn chuẩn bị một nắm rau má, đem rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, đất cát và các vi khuẩn. Ngâm với nước muối pha loãng tầm 10 phút, vớt ra để khô nước.
- Lấy ra má cho vào nồi và đun sôi với 2 – 3 lít nước. Nước sôi vặn nhỏ lửa, đun tiếp tầm 5 – 7 phút để các dưỡng chất trong lá rau má tan đều trong nước. Nước chuyển sang màu vàng đen thì tắt bếp.
- Dùng khăn xô lọc lấy nước cốt, bỏ bã. Lấy nước cốt pha thêm với nước sạch, có độ ấm vừa đủ để tắm cho con.
- Mẹ thả con từ từ vào trong chậu nước, dùng khăn xô mềm kỳ kỹ toàn bộ cơ thể cho bé. Với những vùng da có rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa, mẹ nên thực hiện một cách nhẹ nhàng để không gây trầy xước da của con.
- Sau khi tắm xong với nước rau má, mẹ nên tráng lại người cho con với nước ấm sạch. Dùng khăn lau khô người và mặc quần áo cho bé.
3. Một số lưu ý khi tắm cho con bằng nước rau má
- Rau má chuẩn bị cho con, mẹ nên chọn loại không quá già, không quá non. Mẹ nên chọn những lá bánh tẻ, không bị dập nát để tắm cho con.
- Rau má chuẩn bị để tắm cho con, mẹ nên mua ở những cửa hàng uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không chứa thuốc sâu và thuốc bảo vệ thực vật.
- Bạn nên tắm cho con với lượng rau má vừa đủ để các tinh chất trong nước có thể phát huy được tác dụng, không nên tắm với nước quá đặc hoặc quá loãng. Vì nước tắm đặc có thể khiến cho các bột lá đọng lại trên da, khiến da bị bít lỗ chân lông, viêm nhiễm hoặc dị ứng. Còn nước tắm quá loãng thì sẽ không phát huy được tác dụng với làn da của trẻ.
- Trước khi tắm cho con, mẹ nên rửa sạch tay với nước sát khuẩn để loại bỏ hết bụi bẩn và vi khuẩn trên tay. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý nếu móng tay dài, mẹ nên cắt gọt trước để không gây xước da bé.
- Mặc dù nước rau má rất an toàn và lành tính nhưng trước khi tắm cho bé, mẹ nên kiểm tra xem nước rau má có hợp với làn da của bé không, bằng cách lấy một ít nước lá rau má cốt bôi lên vùng da tay của bé. Đợi 1 – 2 tiếng nếu da bé không có hiện tượng nổi mẩn hoặc dị ứng thì mẹ có thể tắm toàn thân cho con.
- Mẹ nên tắm cho con với nhiệt độ nước phù hợp (từ 35 – 38 độ C), không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh sẽ gây hại cho làn da của bé. Ngoài ra, trong quá trình tắm chú ý không để nước rau má rơi vào mắt bé. Nó sẽ khiến mắt bé bị cay.
- Sau khi tắm xong, mẹ dùng khăn bông mềm để lau khô người cho con. Bạn không nên dùng khăn có chất liệu khô cứng để lau người cho bé để tránh gây tổn thương nên những vùng da bị rôm sảy, mụn nhọt.
- Trong trường hợp da bé bị trầy xước, viêm da, có hiện tượng sưng tấy, mưng mủ thì mẹ không nên tắm cho con bằng nước lá này. Vì lúc này da bé đã mất đi lớp bảo vệ bên ngoài, tắm lúc này có thể khiến cho tình trạng bệnh trở lên trầm trọng hơn.
- Nếu mẹ tắm cho con bằng nước lá rau má một thời gian mà không thấy rôm sảy, mẩn ngứa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn có hiện tượng lan rộng ra những vùng da khác. Thì mẹ nên dừng lại và đưa bé đi khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.
Trên đây là cách tắm và những lưu ý khi tắm cho bé bằng nước rau má. Hi vọng, bài viết cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho các mẹ bỉm sữa. Chúc bé luôn khỏe mạnh!
Xem thêm: Tắm lá tía tô cho trẻ có tác dụng gì?