Bên cạnh mắc cài, dây cung, thun chuỗi cũng là một loại khí cụ giữ vai trò quan trọng trong quá trình niềng răng. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng cần dùng thun chuỗi. Bạn đã biết tác dụng của thun chuỗi chưa? Cách chăm sóc răng miệng sau khi đeo thun chuỗi như thế nào? Theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin nhé.
Mục lục
Thun chuỗi trong niềng răng là gì?
Thun chuỗi là một dải cao su gồm nhiều vòng tròn nhỏ được nối liền với nhau. Công dụng chính của khí cụ này là đóng các khoảng trống giữa hai hoặc nhiều răng trong quá trình chỉnh nha. Thun chuỗi tạo lực kéo dần dần để đóng lại các khe hở có sẵn trên hàm răng hoặc khoảng trống khi niềng răng mới xuất hiện.
Thun chuỗi được làm từ loại cao su chất lượng cao nên hoàn toàn thân thiện với sức khỏe, độ bền tốt và tạo ra sự đàn hồi hoàn hảo. Tức là khi bạn kéo giãn và thả ra thì nó sẽ trở lại hình dáng như ban đầu.
Thun chuỗi có tới 28 màu sắc khác nhau để bạn thoải mái lựa chọn theo sở thích. Nếu bạn muốn quá trình niềng răng của mình diễn ra thú vị và không bị nhàm chán thì có thể dùng thun chuỗi với màu sắc nổi bật như vàng, xanh, hồng,… Chúng có thể kháng lại sự nhiễm màu, các vết bám dính và không thấm nước.
Nhờ có thun chuỗi mà thời gian niềng răng có thể được đẩy nhanh hơn. Trong trường hợp răng thưa, để đạt kết quả tốt nhất, bác sĩ còn sử dụng thun chuỗi kết hợp với khí cụ khác nhằm nắn chỉnh hàm răng từ từ đến khi răng đều và khít hoàn toàn với nhau.
Thun chuỗi được phân chia thành các loại như sau:
Theo kích thước: Thun chuỗi ngắn – thun chuỗi dài – thun chuỗi liên tục (short – long – continuous)
- Thun chuỗi liên tục (thun đóng): Chỉ sử dụng 1 thun duy nhất, không có khoảng cách giữa các vòng trong thun chuỗi.
- Thun chuỗi ngắn: Sợi thun sẽ dài hơn có thể là 3 – 4 vòng và liên kết giữa 3 – 4 chiếc răng với nhau, khoảng cách giữa các vòng thun là 3.3mm.
- Thun chuỗi dài: Bao gồm nhiều vòng thun và liên kết nhiều răng với nhau, thậm chí là móc nối với cả hàm. Khoảng cách giữa các vòng thun là 4mm.
Theo kích lực: Thun chuỗi nhẹ – thun chuỗi nặng – thun chuỗi trung bình
Khi nào cần đeo thun chuỗi?
Cơ chế hoạt động của thun chuỗi là tạo lực kéo giữa tất cả các răng. Khi mới bắt đầu niềng răng thì chưa cần dùng đến thun chuỗi. Nhưng sau một thời gian răng đã thẳng hàng, không còn tình trạng lộn xộn, khấp khểnh thì mục đích của việc đeo thun chuỗi là đóng các khe hở trên hàm răng hoặc để giữ khe hở không bị rộng ra.
Hệ thống mắc cài – dây cung có tác dụng nắn thẳng tất cả các răng bị xoay hoặc bị khấp khểnh. Khi các răng đã thẳng hàng thì việc cần làm tiếp theo là đóng các khoảng trống xuất hiện trong quá trình niềng răng. Đôi khi khoảng trống này xuất hiện ngay từ đầu (trong trường hợp răng thưa) hoặc có thể mới được tạo ra khi niềng răng. Đặc biệt là khi nhổ răng sẽ có các khoảng trống lớn cần được đóng lại. Lúc này các bác sĩ sẽ chỉ định đeo thun chuỗi, buộc mỗi mắt của thun với mắc cài, qua lực tác động của thun sẽ kéo những khe thưa giữa các răng gần lại với nhau cho đến khi răng khít hoàn toàn. Vì vậy, thun chuỗi có độ đàn hồi tương đối cao.
Thời gian đeo thun chuỗi bao lâu? Có đau không?
Thời gian niềng răng trung bình sẽ kéo dài khoảng 2 năm. Mỗi người sẽ có tiến độ chỉnh nha nhanh hay chậm phụ thuộc vào các yếu tố như cơ địa, phương pháp niềng răng, trình độ và tay nghề của bác sĩ,… Thời gian đeo thun chuỗi cũng vậy. Nó sẽ được quyết định bởi tình trạng răng của bạn, phác đồ điều trị của bác sĩ. Có thể thời gian đeo thun của bạn chỉ diễn ra trong vài tuần, nhưng cũng có thể kéo dài đến vài tháng. Khi thời gian đeo thun chuỗi đã đủ và đạt được hiệu quả như mong muốn thì bác sĩ sẽ chỉ định tháo thun cho bạn.
Bất kể một tác động nào lên răng, dù chỉ nhỏ thôi cũng ít nhiều khiến bạn cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên cảm giác này sẽ không kéo dài lâu, bạn chỉ cần chịu khó khoảng vài ngày. Khi đã quen với thun chuỗi rồi thì bạn sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Có thể sử dụng nước muối ấm để giảm bớt cơn khó chịu. Một vài loại thuốc giảm đau như Ibuprofen, Naproxen có hiệu quả khá tốt tuy nhiên chúng sẽ làm chậm quá trình dịch chuyển của răng và ảnh hưởng tới thời gian chỉnh nha. Thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen là lựa chọn khá tốt. Tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc giảm đau.
Cách đeo thun chuỗi như thế nào?
Thun chuỗi cần được đeo liên tục, nếu không sẽ không phát huy được hết tác dụng của nó. Các bác sĩ sẽ là người thực hiện công việc này tại phòng khám. Tuy nhiên, trong quá trình ăn uống, vệ sinh răng miệng sẽ không tránh được thun bị rơi ra ngoài. Do vậy, bạn cũng nên biết cách eo thun đúng, chuẩn phòng trường hợp chưa thể tới nha khoa thay thun chuỗi mới. Dưới đây là cách đeo thun giữa 2 răng và nhiều răng với nhau.
Đeo thun chuỗi giữa 2 răng
Trước tiên bạn cần chuẩn bị 1 đoạn thun chuỗi có 2 móc xích. Sau đó, dùng nhíp (díp) kẹp 1 đầu thun và móc vào đầu bên này của mắc cài. Kéo căng ra và móc đầu còn lại vào mắc cài của răng bên cạnh. Theo thời gian, nhờ lực tác động của thun chuỗi, 2 chiếc răng này được kéo sát lại với nhau.
Đeo thun chuỗi giữa nhiều răng
Bạn cũng chuẩn bị 1 đoạn thun chuỗi nhưng dài hơn và có nhiều mắt móc xích hơn. Sau đó dùng nhíp (díp) móc 1 đầu thun vào mắc cài của chiếc răng đầu tiên. Rồi kéo thun chuỗi căng ra và tiếp tục móc đầu còn lại vào mắc cài của chiếc răng tiếp theo. Cứ lần lượt làm như vậy cho đến khi kết thúc.
Lưu ý, trước khi thực hiện đeo thun chuỗi tại nhà, bạn cần vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ. Sát khuẩn tay và dụng cụ để quá trình đeo thun diễn ra an toàn.
Sau vài lần thì bạn sẽ quen với thao tác này và thực hiện một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn. Trong lần đầu tiên đeo thun chuỗi tại phòng khám, bạn hãy quan sát kỹ cách làm của bác sĩ, đeo thun ra sao và cần móc thun chuỗi ở những chiếc răng nào. Tốt nhất là nên quay lại video để tự xem lại và thực hiện tại nhà.
Thao tác đeo thun chuỗi không quá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Nếu thấy khó khăn quá thì bạn nên tới phòng khám để được trợ giúp nhé.
Cách chăm sóc răng miệng sau khi đeo thun chuỗi
Cách bạn chăm sóc răng miệng khi niềng răng cũng góp phần không nhỏ tới kết quả chỉnh nha sau này. Vì vậy, việc vệ sinh răng miệng càng cần dành nhiều thời gian và cẩn thận hơn bao giờ hết. Nhất là khi có thêm khí cụ như thun chuỗi, thức ăn thừa dễ bị mắc lại hơn, nếu không chải răng kỹ càng sẽ gây sâu răng, hôi miệng,…
Vệ sinh răng miệng hằng ngày
Chải răng đúng cách: Việc hàm răng sạch có thể hạn chế được những vấn đề về răng khác, giúp cho thun hoạt động hiệu quả hơn. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm, tốt nhất là mua bàn chải dành riêng cho người niềng răng. Cố gắng chải thật nhẹ nhàng theo vòng tròn để giảm lực căng giữa mắc cài và thun chuỗi, loại bỏ hết thức ăn thừa có thể tích tụ xung quanh mắc cài và thun chuỗi dẫn tới việc hình thành mảng bám. Dùng thêm nước súc miệng sau khi đánh răng để hiệu quả làm sạch tốt nhất, tránh vi khuẩn tích tụ.
Dùng chỉ nha khoa: Thay vì dùng tăm để loại bỏ thức ăn còn đang mắc trong kẽ răng, hãy sử dụng chỉ nha khoa. Đây là dụng cụ quen thuộc và ngày càng được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, giúp làm sạch kẽ răng mà không gây hại cho răng. Ngoài chỉ nha khoa, bạn có thể mua thêm bàn chải kẽ hoặc máy tăm nước để răng được làm sạch tối đa.
Thường xuyên kiểm tra tình hình niềng răng hiện tại: Sau khi đã làm sạch răng, hãy kiểm tra cẩn thận mắc cài, thun chuỗi của bạn trong gương. Nếu thấy có chỗ nào bị lỏng lẻo, hư hỏng thì liên hệ ngay với bác sĩ để được khắc phục.
Chế độ ăn uống hợp lý
Trong những ngày đầu chưa quen, bạn hãy chịu khó ăn các loại đồ ăn mềm, mịn như cháo, bún, miến, sinh tố, súp, nước ép hoa quả,…để tăng cường sức đề kháng và vẫn nạp đầy đủ chất dinh dưỡng.
Tránh các loại thực phẩm có độ bám dính vì chúng thể bị kẹt lại trong rãnh mắc cài hoặc mắc vào thun chuỗi rất khó để lấy ra. Khi niềng răng không nên ăn đồ cứng hoặc quá dai làm bung, tuột mắc cài, thậm chí là đứt thun chuỗi. Bạn cũng cần hạn chế ăn nhiều đồ ngọt vì thực phẩm chứa nhiều đường cũng thúc đẩy quá trình hình thành các mảng bám trên răng.
Đọc thêm: List thực phẩm thân thiện với bạn nhất khi niềng răng
Hy vọng những thông tin trên giúp ích cho bạn hiểu thêm về vai trò của thun chuỗi trong quá trình niềng răng. Nếu bạn phải đeo thun chuỗi để kéo khoảng trống thì hãy nhớ tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc và vệ sinh răng miệng để quá trình chỉnh nha của bạn diễn ra suôn sẻ và đạt được kết quả như mong muốn nhé.
Theo: Bacsiducniengrang.com