Bạn có biết, cứ 5 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 1 người bị rong kinh (tỷ lệ là 20%). Đây là một chứng rối loạn kinh nguyệt rất phổ biến. Dù bạn ở bất kỳ độ tuổi nào trong khung thời gian sinh sản, bạn đều có thể bị rong kinh. Vậy hiện tượng này là gì? Nó nguy hiểm ra sao? Điều trị thế nào? Mời các bạn theo dõi giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây nhé.
Mục lục
Rong kinh là gì? Dấu hiệu nhận biết
Thông thường, thời gian hành kinh của nữ giới dao động từ 2 – 7 ngày, trong đó đa phần là 3 – 5 ngày. Nếu bạn ra máu kinh quá 1 tuần thì chứng tỏ bạn đã bị rong kinh.
Máu kinh bình thường sẽ có màu đỏ sẫm, không đi kèm những cục máu đông, tuy nhiên ở những người bị rong kinh thì máu kinh của họ có thể bị đổi màu sắc lạ (đen đậm), thậm chí là có cục máu đông hay đau đớn kéo dài.
Lượng máu mất đi mỗi kỳ kinh vào khoảng 40 – 80ml. Phụ nữ bị rong kinh có thể ra nhiều hoặc ít máu hơn thường lệ, nhưng đa phần là ra nhiều máu (người ta gọi đó là cường kinh). Rong kinh và rong huyết thường gây ra nhiều bất tiện và phiền toái cho phụ nữ trong sinh hoạt hằng ngày. Bạn có thể phải thức dậy giữa đêm chỉ để thay một miếng băng vệ sinh mới.
Phụ nữ bị rong kinh kéo dài thường có biểu hiện thở dốc, choáng váng, nôn nao, cơ thể xanh xao, nhanh mệt mỏi, dù không làm gì nặng nhọc, cơ thể suy nhược. Lý do là vì mất máu nhiều.
Rong kinh đôi khi gây nhầm lẫn với rong huyết. Hai hiện tượng này đều nói đến tình trạng chảy máu kéo dài, tuy nhiên rong huyết là tình trạng ra máu âm đạo ở giữa kỳ kinh, không liên quan đến thời điểm “đèn đỏ”.
Rong kinh là do nguyên nhân nào gây ra?
Có rất nhiều lý do gây ra rong kinh. Người ta phân biệt các nguyên nhân dựa vào 2 nhóm chính, rong kinh cơ năng và rong kinh thực thể:
Rong kinh cơ năng
Rong kinh do rối loạn nội tiết tố sinh lý
Rong kinh sinh lý chủ yếu xảy ra với các bé gái ở tuổi dậy thì hoặc phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh. Hai đối tượng này thuộc hai điểm mút đối lập nhau của khung thời gian sinh sản.
Khi bước vào tuổi dậy thì, chức năng của hệ trục nội tiết chính trong cơ thể gồm có 3 mắt xích đó là vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng bắt đầu hoạt động, nhưng nó hoạt động chưa thực sự ổn định. Do đó, kinh nguyệt của các thiếu nữ mới dậy thì sẽ dễ bị rối loạn, với các biểu hiện khác nhau như là trễ kinh, thiểu kinh, băng kinh, vô kinh, bao gồm cả rong kinh…
Tiền mãn kinh là một bước đệm dài trước khi đánh dấu sự chấm dứt hoàn toàn thời kỳ sinh sản của phụ nữ. Nó có thể kéo dài từ 7 – 11 năm. Ở tuổi tiền mãn kinh, mọi bộ phận trên cơ thể đều bắt đầu lão hóa theo quy luật tự nhiên, không loại trừ hệ trục nội tiết. Do đó, các mắt xích trên hệ trục này hoạt động lỏng lẻo hơn, vì vậy phụ nữ trung niên rất dễ bị rong kinh, do nội tiết tố giải phóng không đồng đều.
Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể bị rong kinh sau khi sinh con, cũng vì sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố.
Rong kinh do ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát sinh sản (thuốc tránh thai, đặt vòng tránh thai nội tiết, phá thai, sảy thai…)
Rong kinh do tác dụng phụ của một vài loại thuốc (thuốc kháng viêm, thuốc nội tiết, thuốc chống đông máu, thuốc trị đái tháo đường…)
Rong kinh do lối sống: phụ nữ bị béo phì hoặc sử dụng nhiều thuốc lá, các chất kích thích thì có nguy cơ cao bị rong kinh.
Rong kinh thực thể
Rong kinh thực thể là tình trạng rong kinh liên quan đến những bệnh lí tại vùng sinh sản của nữ giới hoặc các bệnh lí toàn thân. Cụ thể, rong kinh có thể xuất hiện bởi những bệnh sau:
Tổn thương thực thể tại đường sinh dục: U xơ tử cung, u nang buồng trứng, polyp tử cung, Adenomyosis, lạc nội mạc tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, ung thư tử cung, ung thư nội mạc tử cung.
Các bệnh lí toàn thân: Tiểu đường, suy thận mãn tính, viêm gan mãn tính, rối loạn chảy máu, suy tuyến giáp.
Rong kinh có ảnh hưởng thế nào?
Rong kinh không phải là một bệnh lí, nhưng nó lại là biểu hiện của nhiều bệnh lí nguy hiểm trong cơ thể. Vì vậy, chị em không nên chủ quan nếu bắt gặp tình trạng này kéo dài. Những ảnh hưởng mà rong kinh gây ra có thể kể đến như:
Thiếu máu
Đây là tình trạng không hiếm gặp ở những người bị rong kinh lâu năm. Rong kinh kéo dài khiến lượng máu mất đi ngày càng nhiều. Chính vì thế, cơ thể bạn sẽ nhanh suy nhược, mệt mỏi. Dần dần sức đề kháng và khả năng chịu đựng suy giảm trầm trọng, điều đó ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động thông thường và công việc hằng ngày của bạn. Bạn sẽ dễ bị ốm hơn dù chỉ là một trận thay đổi thời tiết nhẹ.
Ảnh hưởng về tâm lý cũng như sinh hoạt thường ngày
Rong kinh khiến phụ nữ rơi vào muộn phiền, lo lắng, thậm chí dẫn đến stress, trầm cảm. Máu kinh ra liên tục khiến người bệnh gặp nhiều rắc rối trong vấn đề vệ sinh hằng ngày, đi lại, nhất là “chuyện chăn gối”. Hạnh phúc của các cặp đôi có thể bị ảnh hưởng bởi sự bất tiện này. Hơn nữa, rong kinh còn gây nhiều khó khăn cho nhiều vợ chồng trong việc tính toán thời điểm phù hợp để thụ thai.
Rong kinh làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa
Khi khu vực “tam giác giới tính” luôn bí bách và ẩm ướt bởi máu kinh ra nhiều, băng vệ sinh đóng kín cả ngày thì đây chính là môi trường thuận lợi để các tác nhân gây hại phát triển. Các mầm mống viêm nhiễm sẽ có cớ để sinh sôi, tấn công vào âm đạo và hệ thống sinh sản nằm sâu bên trong, gây ra nhiều bệnh phụ khoa nguy hiểm.
Làm sao để chẩn đoán rong kinh?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây rong kinh, người bệnh sẽ cần trải qua 2 bước thăm khám chính đó là:
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là hoạt động khám bệnh đầu tiên, chủ yếu là quá trình hỏi bệnh tương đối đơn giản, nhằm xác định tình trạng ban đầu của bệnh nhân và tạo điều kiện để chỉ định các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng tiếp theo.
Sau khi đã biết được những thông tin cơ bản về người bệnh như là tên, tuổi, địa chỉ quê quán, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp…bác sĩ sẽ đề cập sâu hơn tới những triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi như là:
- Vòng kinh của bạn thường là bao nhiêu ngày? Thời gian hành kinh trước kia là bao lâu?
- Gần đây, kinh nguyệt thường kéo dài bao nhiêu ngày?
- Máu kinh có màu sắc gì, có bất thường khác hay không?
- Bạn thay bao nhiêu miếng băng vệ sinh mỗi ngày?
- Trọng lượng cơ thể bạn có thay đổi nhiều hay không?
- Bạn đã từng áp dụng biện pháp tránh thai nào hay chưa?
- Bạn có sử dụng bất kì loại thuốc chữa bệnh nào khác không?….
Tiếp đó, bác sĩ có thể kiểm tra một số phần trên cơ thể để tìm kiếm dấu hiệu bất thường, chẳng hạn như là dùng tay ấn vào vùng chậu để kiểm chứng xem bệnh nhân có dấu hiệu đau không,…
Sau khi trải qua hoạt động thăm khám lâm sàng, bạn sẽ tiếp tục đến với công tác khám cận lâm sàng. Bạn được yêu cầu thực hiện xét nghiệm nào sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Khám cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ của một vài hormone cơ bản, nó giúp bác sĩ phán đoán xem liệu bệnh nhân có đang gặp vấn đề ở tuyến giáp hoặc chứng rối loạn đông máu hay không. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn nhằm kiểm tra lượng hồng cầu có bình thường hay không, bệnh nhân có bị thiếu máu không.
Phết tế bào cổ tử cung PAP: Ở xét nghiệm này, người ta sẽ lấy một mẫu mô nhỏ tế bào cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi. Biện pháp này giúp bác sĩ xác định liệu có dấu hiệu của viêm nhiễm hay tổn thương dấn tới ung thư hay không.
Siêu âm phụ khoa hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: Đây là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, kết quả của hình ảnh sẽ cho thấy những bất thường trong vùng chậu, để chẩn đoán nguyên nhân rong kinh, hay loại trừ các tình trạng không liên quan.
Sinh thiết nội mạc tử cung: Nội mạc tử cung là một lớp tế bào lót bên trong mặt tử cung. Nó liên quan mật thiết đến kỳ kinh nguyệt của bạn và là nơi phôi làm tổ trong thai kỳ. Lấy một mẫu mô tế bào trong nội mạc tử cung đi xét nghiệm, bác sĩ sẽ tìm ra được các bệnh viêm nhiễm hoặc ung thư tử cung.
Nội soi: Công tác này giúp bác sĩ kiểm tra xem liệu trong tử cung của bệnh nhân có dấu hiệu tồn tại của polyp hay u xơ không, đây cũng là bước chẩn đoán để xác định tình trạng lạc hoặc viêm nội mạc tử cung.
Siêu âm bơm nước lòng tử cung: Đây là xét nghiệm cao cấp để quan sát các lớp trong thành tử cung. Lúc này, bác sĩ sẽ đặt vào tử cung một ống nhỏ thông qua âm đạo. Sau đó tiến hành bơm nước muối vào trong tử cung làm giãn nở thành tử cung.
Các phương pháp điều trị rong kinh hiện nay
Nguyên tắc điều trị
Điều trị rong kinh nhằm vào mục đích ngăn chặn chảy máu kéo dài, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, hỗ trợ chức năng sinh sản và cải thiện sức khỏe cho người bị rong kinh kéo dài. Do đó, để xác định phương pháp điều trị phù hợp, cần dựa trên những yếu tố sau:
- Tình trạng sức khỏe hiện tại của người bệnh
- Tiền sử bệnh tật của bệnh nhân, lịch sử dùng thuốc của bệnh nhân
- Mức độ nghiêm trọng của rong kinh hay các triệu chứng đi kèm khác
- Mức độ ảnh hưởng của rong kinh tới sinh hoạt, cuộc sống thường ngày của người bệnh
- Khả năng đáp ứng với điều trị bằng thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh khác
- Mong muốn riêng của người bệnh (kế hoạch sinh con, các mong muốn khác…)
Điều trị rong kinh nội khoa
Người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc điều trị, tùy thuộc vào triệu chứng gây ra, các loại thuốc bao gồm:
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs): Thuốc này có tác dụng ức chế prostaglandin, khi đó mức độ co thắt của tử cung giảm xuống góp phần làm giảm tình trạng chảy máu và đau bụng kinh. Một số loại thuốc kháng viêm trị rong kinh phổ biến như là: aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, loại khác), naproxen natri (Aleve), …
Axit tranexamic (Lysteda): Thuốc này cũng có tác dụng hạn chế chảy máu trong thời gian hành kinh. Thuốc chỉ sử dụng trong thời gian đang có kinh nguyệt.
Thuốc tránh thai đường uống (dạng vỉ): Thuốc được coi là một liệu pháp hormone thay thế nhằm bổ sung hormone (có thể chỉ chứa progestin hoặc progestin và estrogen), có tác dụng điều hòa vòng kinh, giảm chảy máu kinh.
Vòng tránh thai nội tiết (Liletta, Mirena): Ngoài công dụng ngừa thai, biện pháp này cũng được sử dụng dể kích thích hormone, góp phần làm mỏng lớp nội mạc tử cung, từ đó giảm lượng máu kinh và hiện tượng đau bụng khi đến tháng.
Viên uống bổ sung sắt: Nếu người bệnh có dấu hiệu thiếu máu, họ sẽ được đề nghị thực hiện xét nghiệm chỉ số hồng cầu trong máu. Nếu chỉ số này thấp thì bệnh nhân cần bổ sung thêm viên uống cấp sắt để cải thiện sức khỏe.
Nếu trong quá trình sử dụng thuốc xảy ra bất kì tác dụng phụ ngoài ý muốn nào, bạn cần thông báo chi tiết cho bác sĩ để được điều chỉnh đơn thuốc hoặc xử lý tình huống kịp thời. Tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.
Điều trị rong kinh bằng ngoại khoa
Nếu phương pháp điều trị rong kinh bằng nội khoa không mang lại hiệu quả, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thủ thuật ngoại khoa phù hợp. Cụ thể là:
Nong và nạo buồng tử cung: Một dụng cụ chuyên dụng sẽ được đưa vào tử cung để nong rộng cổ tử cung, nạo hết lớp niêm mạc lót ở tử cung, khi đó chúng sẽ không thể tiếp tục bong tróc và tạo thành máu kinh được nữa, hiện tượng chảy máu sẽ chấm dứt. Thủ thuật này đem lại hiệu quả cao trong những đợt rong kinh cấp tính.
Phá hủy nội mạc tử cung: Ở phương pháp này, người ta cũng loại bỏ lớp nội mạc tử cung để ngăn chặn rong kinh, tuy nhiên họ không dùng dụng cụ để nạo mà sẽ lợi dụng luồng sóng siêu âm, tia laze hoặc nhiệt áp để phá hủy. Đây là phương pháp xâm lấn tối thiểu, đem lại tác dụng tốt mà không gây tổn thương giống như vết mổ.
Thuyên tắc động mạch tử cung: Phương pháp này sẽ cắt nguồn cung cấp máu cho tử cung để ngăn chặn chảy máu. Nó được thực hiện bằng cách bơm thuốc vào một ống thông và đi qua động mạch lớn ở đùi, dẫn tới động mạch tại tử cung, cắt đi cung cấp máu cho tử cung. Phương pháp này đa phần được áp dụng với phụ nữ bị rong kinh do bệnh lí đường sinh dục (có khối u hay polyp).
Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định khi các thủ thuật khác thất bại. Thông thường, nếu phụ nữ có khối u trong tử cung hay buồng trứng gây ra rong kinh, họ sẽ được thực hiện phẫu thuật (nội soi hoặc mổ hở) để bóc tách u ra ngoài, chấm dứt tình trạng rong kinh. Với những phụ nữ bị rong kinh do ung thư tử cung hoặc đã ở tuổi trung niên, không còn nguyện vọng sinh sản, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung để điều trị triệt để rong kinh, rong huyết. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn là phương pháp tồn tại nhiều rủi ro, đồng thời người bệnh sẽ không còn khả năng sinh con sau khi tử cung bị mất đi.
Điều trị rong kinh theo Đông y
Trong Đông y, người ta xác định rằng rong kinh, rong huyết thường là do nhiệt huyết, huyết ứ, khí uất, thấp đảm, khí hư. Một khi giải trừ được những căn nguyên này thì rong kinh sẽ không còn.
Những vị thuốc chủ trị được sử dụng chủ yếu trong các bài thuốc chữa rong kinh gồm có: bạch thược, bạch truật, sinh địa, cam thảo, ích mẫu. Tùy tình trạng của mỗi bệnh nhân, thầy thuốc sẽ gia giảm liều lượng thích hợp.
Các bài thuốc Đông y nổi tiếng trong điều trị rong kinh gồm có:
- Tứ vật thang
- Bổ trung ích khí thang
- Cử nguyên tiễn
- An lão thang
- Tiên kỳ gia thang
Ngoài ra, người ta thường dùng các bài thuốc sắc với những vị thuốc nam thân thuộc để chữa rong kinh ở phụ nữ như là ngải cứu, ích mẫu, nhọ nồi…
Bài viết này là tổng hợp những thông tin cần biết về chứng rong kinh ở phụ nữ. Hi vọng đây sẽ là cẩm nang kiến thức hữu ích giúp chị em chủ động hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe phụ khoa của bản thân. Nếu còn bất kì thắc mắc nào liên quan tới rong kinh hay rối loạn kinh nguyệt, bạn có thể để lại bình luận dưới chân bài viết này để được giải đáp tận tình.
Theo: chuyengiaphukhoa.vn