Rong kinh được định nghĩa là hiện tượng hành kinh kéo dài quá 7 ngày. Rong kinh có thể xuất phát từ những vấn đề sinh lý cũng như bệnh lý. Vì thế, nhiều chị em thắc mắc rằng rong kinh liệu sẽ kéo dài bao lâu, rong kinh có tự khỏi hay không? Để tìm hiểu về vấn đề này, bạn có thể theo dõi chi tiết bài viết sau đây.
Mục lục
Rong kinh là do đâu?
Rong kinh cơ năng
- Rong kinh ở tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh (do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định, nên nội tiết tố biến động nhiều).
- Rong kinh do việc sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản (thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, đặt vòng nội tiết…).
- Rong kinh khi phá thai, sảy thai.
- Rong kinh do tác dụng phụ của thuốc
- Rong kinh do lối sống (stress, chế độ ăn uống, luyện tập…), những người bị béo phì, hút nhiều thuốc lá, sinh con nhiều lần thì có nguy cơ cao bị rong kinh.
Rong kinh thực thể
Các tổn thương thực thể tại đường sinh dục: Nhiều bệnh lí phụ khoa là nguyên nhân dẫn tới rong kinh, như là: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, polyp tử cung, lạc nội mạc tử cung, tuyến cơ tử cung, viêm vùng chậu…
Các bệnh lý toàn thân: Một số bệnh lí mãn tính (viêm gan mãn tính, suy thận mãn tính, tiểu đường) hay các bệnh liên quan tới rối loạn đông máu, rối loạn chức năng tuyến giáp (thiểu giáp) cũng là lý do gây ra rong kinh kéo dài.
❎ Xem thêm: Các biện pháp chẩn đoán rong kinh
Rong kinh có tự hết hay không?
Rong kinh là một tình trạng rối loạn kinh nguyệt phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, hầu như ai cũng đã từng bị rong kinh ít nhất một lần trong đời.
Với câu hỏi “Rong kinh có thể tự hết hay không?” hay “Rong kinh bao lâu mới hết?” thì cần dựa vào từng nguyên nhân cụ thể để đưa ra nhận định.
Trường hợp 1: Rong kinh do rối loạn nội tiết ở tuổi dậy thì hoặc tiền mãn kinh
Khi nữ giới dậy thì, hệ trục nội tiết gồm não bộ – tuyến yên – buồng trứng bắt đầu bước vào giai đoạn hoạt động, vì thế, nó chưa thực sự ổn định. Bất kì mắt xích nào trong hệ trục này gặp trục trặc cũng có thể ảnh hưởng tới việc sản xuất hormone tại buồng trứng. Kết quả là bạn có thể bị rong kinh, trễ kinh, cường kinh…hoặc gặp nhiều vấn đề khác về kinh nguyệt.
Thông thường, phải mất khoảng 2 – 3 năm để hệ trục này hoạt động ổn định hơn. Khi đó, tình trạng rong kinh của các chị em có thể sẽ biến mất. Tuy nhiên, thời gian cụ thể là bao lâu thì không thể đưa ra câu trả lời chính xác, vì còn phụ thuộc vào thể trạng của từng người.
Khi bạn bước qua ngưỡng tuổi 45, bạn sẽ phải đối diện với một vấn đề chung đó là thời kỳ tiền mãn kinh. Đây là giai đoạn đánh dấu cho sự lão hóa trong cơ thể.
Lão hóa diễn ra theo quy luật tự nhiên. Cho nên, nó ảnh hưởng tới mọi bộ phận, bao gồm cả hệ trục não bộ – tuyến yên – buồng trứng. Lúc này, những tín hiệu phát ra từ vùng dưới đồi của não bộ bắt đầu kém chính xác hơn, khiến tuyến yên và buồng trứng có thể bị rối loạn chức năng hoạt động, dẫn tới rong kinh. Thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ có thể kéo dài từ 7 – 11 năm.
Trường hợp 2: Rong kinh do áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản
Thuốc tránh thai là phương thức kiểm soát sinh sản được nữ giới áp dụng phổ biến nhất, thuốc tránh thai có chứa một lượng nhỏ hormone. Bởi vậy, khi vào trong hệ tiêu hóa, hormone sẽ đi theo đường máu để tác động tới buồng trứng. Bạn có thể bị rối loạn kinh nguyệt ở ngay chu kỳ tiếp theo.
Đối với các biện pháp kiểm soát sinh sản có chứa hormone khác như là đặt vòng, cấy que tránh thai, miếng dán tránh thai thì cũng gây ảnh hưởng tương tự đến kỳ kinh nguyệt.
Đa phần, sự ảnh hưởng này không kéo dài lâu, nếu chị em bị rong kinh do thực hiện các biện pháp sinh sản nói trên thì tình trạng chỉ kéo dài khoảng 2 – 3 tháng. Khi cơ thể đã làm quen được với nồng độ nội tiết mới, kinh nguyệt tự khắc sẽ ổn định trở lại.
Một khi, bạn ngưng sử dụng các biện pháp tránh thai này, bạn cũng có thể bị rong kinh do nồng độ hormone bị sụt giảm, sau vài tháng tình hình sẽ cải thiện, do đó bạn không cần lo lắng.
Trường hợp 3: Rong kinh do phá thai (bằng thuốc hoặc phẫu thuật), sảy thai
Sau khi phá thai, sảy thai, nhiều chị em sẽ thấy máu kinh ra rất nhiều, đồng thời có thể đi kèm với những cục máu đông lớn, đau bụng trong vài ngày. Tuy nhiên, rong kinh là bình thường nếu như nó không kéo dài quá 14 ngày.
Khi tình trạng rong kinh có xu hướng kéo dài quá thời gian trên, kèm theo đó là những dấu hiệu bất thường như không hết đau, buồn nôn, cục máu đông rất lớn (kích thước lớn hơn 1 quả chanh) thì bạn cần liên hệ tới bác sĩ ngay kể có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trường hợp 4: Rong kinh do tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra tác dụng phụ với chu kỳ kinh nguyệt của bạn, chẳng hạn như là thuốc kháng viêm, thuốc chống đông máu (Coumadin, Jantoven, Enoxaparin), thuốc chữa tiểu đường…Nếu bạn nhận thấy, máu kinh có dấu hiệu ra nhiều hơn và kéo dài, bạn nên thông báo triệu chứng này với bác sĩ để được thay đổi liều lượng thuốc hoặc đổi loại thuốc phù hợp hơn.
Trường hợp 4: Rong kinh do lối sống kém lành mạnh
Thông thường, nếu bạn có chỉ số khối cơ thể quá cao (bị béo phì) do chế độ ăn uống nhiều chất béo bão hòa và tinh bột thì bạn rất dễ bị rong kinh. Vì vậy, bạn cần thay đổi lại các thói quen khoa học trong vấn đề ăn uống và vận động thường xuyên, để cân nặng duy trì ở ngưỡng vừa phải, khi đó rong kinh sẽ chấm dứt.
Ngoài ra, những người nghiện rượu bia, thuốc lá cũng có thể bị rong kinh. Do lượng chất kích thích tồn tại trong các sản phẩm này góp phần làm biến đổi lượng hormone trong cơ thể. Vì thế, một khi bạn thay đổi tích cực các thói quen sống khoa học, chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ bình thường trở lại.
Trường hợp 5: Rong kinh do các bệnh lí trong cơ thể
Nhiều bệnh lí liên quan đến nội tiết như là (u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung) hay các bệnh lí toàn thân, bệnh lí liên quan đến rối loạn đông máu là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra rong kinh kéo dài. Chứng rong kinh có thể diễn tiến theo nhiều năm tháng.
Thế nhưng, nhiều phụ nữ thường chủ quan và ít khi để ý tới những biểu hiện bất thường trong cơ thể, một phần cũng bởi nhiều bệnh lí không hề có triệu chứng hoặc triệu chứng không điển hình. Chính vì thế, có những người khi phát hiện ra bệnh đã ở giai đoạn nặng hoặc phát hiện một cách tình cờ khi đi khám bệnh bởi một lý do khác (chẳng hạn như bị vô sinh – hiếm muộn sau nhiều năm không có con).
Những bệnh lý này không thể tự khỏi theo thời gian, tình trạng rong kinh cũng không vì thế mà biến mất. Muốn chấm dứt rong kinh, người bệnh cần được chẩn đoán nguyên nhân chính xác và chữa trị triệt để theo phác đồ của bác sĩ.
Nhiều trong số đó bệnh có thể khỏi hoàn toàn như là u xơ tử cung hay polyp cổ tử cung, nhưng cũng có những bệnh tồn tại ở dạng mãn tính, khó chữa khỏi. Do đó, cần phải tuân thủ nghiêm túc theo chỉ dẫn của bác sĩ nhằm kiểm soát bệnh, ngăn ngừa bệnh tái phát.
Các phương pháp chữa rong kinh
Rong kinh đôi khi là vấn đề tự nhiên nhưng nó cũng có thể là lời cảnh báo cho một tình trạng bệnh tật tiềm ẩn trong cơ thể. Do đó, bạn không nên chủ quan. Khi thấy rong kinh kéo dài, kèm theo nhiều triệu chứng khác lạ thì cần chủ động đi khám ngay. Tránh để bệnh chỉ được phát hiện khi đã quá muộn, khi đó việc chữa trị gặp nhiều khó khăn mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như khả năng sinh sản về sau.
Rong kinh được điều trị bằng đông y, tây y kết hợp với thay đổi lối sống, tùy thuộc vào từng nguyên nhân cũng như nhu cầu chữa trị của bệnh nhân.
Đối với đông y:
Các bài thuốc cổ phương vốn có ưu thế trong việc chữa trị bệnh liên quan tới nội tiết của phụ nữ. Song, với những nguyên nhân thực thể thì hầu như không có tác dụng nhiều. Vì thế, chị em cần tìm hiểu kỹ về tình trạng bệnh của mình, cũng như cơ sở bốc thuốc chữa bệnh để điều trị có hiệu quả.
Một số bài thuốc nổi tiếng trong đông y trị rong kinh:
- Bổ trung ích khí thang
- Cử nguyên tiễn
- An lão thang
- Tiền kỳ thang
- Tứ vật thang
Đối với tây y:
Các tổn thương thực thể có thể được điều trị bằng thuốc hoặc áp dụng phẫu thuật, hay các thủ thuật ngoại khoa khác tùy thuộc vào từng bệnh lí khác nhau.
Bị rong kinh nên làm gì?
Rong kinh kéo dài là nguyên nhân gây thiếu máu, khiến bạn nhanh mệt mỏi, nhanh chóng suy nhược cơ thể. Vì thế, người bệnh cần chú ý hơn trong những ngày ra nhiều máu:
- Nếu ra máu nhiều, nên nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh lao động quá sức, tuy nhiên cũng không nên nằm tại chỗ cả ngày, âm đạo bị dồn ứ máu kinh có thể tạo thành các cục máu đông.
- Bạn có thể chườm ấm bụng hoặc tắm với nước nóng để giảm cảm giác đau bụng trong thời gian “đèn đỏ”.
- Uống một số loại trà giúp điều kinh, an thần như trà gừng, trà quế, trà hoa cúc.
- Tham khảo một số mẹo trị rong kinh dân gian từ ngải cứu, hương nhu, nhọ nồi, huyết dụ…
- Cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc, để tránh stress quá độ, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và các loại chất béo không no, có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc từ cá biển, thay vì những thực phẩm được chế biến sẵn. Ăn ít tinh bột, gia vị, nhất là đồ ngọt, đồ cay mặn.
- Bổ sung những thực phẩm giàu nguyên tố sắt (trứng, thịt bò, trai hàu, hải sản…).
- Tuyệt đối “nói không” với rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích tương tự.
- Chú ý trong vấn đề vệ sinh vùng nhạy cảm hằng ngày, để đề phòng viêm nhiễm.
- Thay băng vệ sinh thường xuyên hơn, sử dụng dung dịch vệ sinh có pH phù hợp để làm sạch vùng kín, loại bỏ mùi hôi.
- Không nên mặc quần áo bó chặt, nó có thể làm ảnh hưởng tới tuần hoàn máu ở khu vực nhạy cảm, khiến cho việc đào thải máu kinh hay mồ hôi tại vùng kín gặp nhiều khó khăn. Chọn lựa đồ lót có tính thấm hút, co giãn tốt.
Trên đây là toàn bộ thông tin được Tinsuckhoe.org tổng hợp, thay cho lời giải đáp về thắc mắc của bạn “Rong kinh có tự hết không?”. Nếu bạn còn bất kỳ câu hỏi nào liên quan tới rong kinh hay rối loạn kinh nguyệt, hãy để lại comment dưới chân bài viết này nhé, chúng tôi sẽ nhanh chóng hỗ trợ bạn.