Rong huyết là hiện tượng chảy máu âm đạo không tuân theo chu kỳ. Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với rong kinh. Vậy, rong huyết có nguy hiểm không, làm sao để phân biệt rong kinh và rong huyết? Xem chi tiết lý giải trong bài viết dưới đây bạn nhé.
Mục lục
Rong huyết được hiểu thế nào?
Bình thường, mỗi tháng phụ nữ sẽ hành kinh một lần, hiện tượng này kéo dài từ 2 – 7 ngày, nhưng phổ biến nhất là 3 – 5 ngày. Nếu như thời gian hành kinh kéo dài quá 7 ngày thì được gọi là rong kinh. (Xem chi tiết Mọi điều cần biết về rong kinh ở nữ giới)
Tuy nhiên, rong huyết thì lại khác. Rong huyết là hiện tượng chảy máu âm đạo kéo dài trên 7 ngày, nhưng không tuân theo chu kỳ. Nó có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong kỳ kinh, trừ những ngày có kinh nguyệt (hành kinh).
Người bị rong kinh hoặc rong huyết có thể bị ra ít hoặc nhiều máu tùy thuộc vào từng nguyên nhân và cơ địa của mỗi người.
Rong huyết nếu kéo dài quá 3 chu kỳ, lượng máu mất trên 80ml, người bệnh có dấu hiệu đau bụng dữ dội, máu kinh vón cục thì phải đi khám ngay để làm rõ nguyên nhân, giúp điều trị kịp thời.
Rong huyết là do đâu?
Rong huyết có thể liên quan đến những tổn thương thực thể tại đường sinh dục hoặc các bệnh lý khác. Trong một số trường hợp, rong huyết là do rối loạn nội tiết tạm thời, không đáng lo ngại.
Nếu bạn đã đến tuổi mãn kinh nhưng bạn lại thấy chảy máu âm đạo bất thường thì đây có thể là tình trạng nguy hiểm cần phải được đánh giá y tế kỹ lưỡng.
Các nguyên nhân có thể gây ra rong huyết, chảy máu âm đạo bất thường bao gồm:
Ung thư đường sinh dục
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư nội mạc tử cung (ung thư tử cung)
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư âm đạo
Các bệnh lí phụ khoa
- Adenomyosis
- Polyp tử cung
- U xơ tử cung
- Tăng sản nội mạc tử cung
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- Bệnh viêm vùng chậu (PID)
- Teo âm đạo (hội chứng sinh dục của thời kỳ mãn kinh)
Các vấn đề về nội tiết tố
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Suy giáp (tuyến giáp kém hoạt động)
- Sử dụng liệu pháp hormone thay thế khi điều trị bệnh
Các vấn đề liên quan tới sinh sản
- Ngừng hoặc thay đổi thuốc tránh thai
- Chèn hoặc tháo vòng tránh thai
- Mang thai ngoài tử cung (trứng đã thụ tinh làm tổ và phát triển bên ngoài tử cung, chẳng hạn như trong ống dẫn trứng)
- Sảy thai (trước tuần thứ 20 của thai kỳ) hoặc nạo phá thai
- Tiền mãn kinh (thời gian chuyển tiếp trước khi mãn kinh)
Các bệnh khác
- Bệnh toàn thân nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh thận hoặc gan
- Giảm tiểu cầu (số lượng tiểu cầu thấp)
- Bệnh Von Willebrand (và các rối loạn đông máu khác)
Rong huyết có nguy hiểm không?
Rong huyết thỉnh thoảng xảy ra, lượng máu ít, chỉ nhỏ giọt thì hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Ước tính trung bình trong một kỳ kinh nguyệt, lượng máu mất đi khoảng 40 – 80ml máu. Nếu vượt quá số lượng này thì lâu dần sẽ gây ra tình trạng thiếu máu. Tình trạng này thường xảy ra ở người bị rong kinh, rong huyết thường xuyên. Mặc dù vậy, rất khó để chúng ta có thể đo đếm được chính xác mình đã mất đi bao nhiêu máu trong một kỳ kinh nguyệt. Nhưng nếu như bạn thấy rằng mình phải thay băng vệ sinh liên tục sau mỗi giờ hoặc phải thức dậy ban đêm để làm điều này thì có thể bạn đang mất nhiều máu hơn bình thường.
Rong huyết nhiều máu kéo dài sẽ gây ra tình trạng thiếu máu, người bệnh dễ bị suy nhược, làm việc gì cũng nhanh xuống sức, công việc không hiệu quả, dễ cáu bẳn. Chất lượng cuộc sống suy giảm.
Ngoài vấn đề gây thiếu máu, rong huyết cũng là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn gây hại tấn công vào âm đạo gây ra các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Nếu như chị em không chú ý đến vấn đề vệ sinh hằng ngày, thay băng vệ sinh và rửa vùng kín thường xuyên hơn thì vấn đề này rất có thể sẽ xảy ra.
Bên cạnh đó, rong huyết thực chất là biểu hiện của nhiều bệnh lí nguy hiểm như kể trên, trong đó có cả ung thư. Vì vậy, nếu như không khám và điều trị kịp thời, những căn bệnh này sẽ tiến triển nặng và gây ra biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng sinh sản và tính mạng của người bệnh.
Rong huyết được chẩn đoán thế nào?
Để chẩn đoán nguyên nhân rong huyết, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành quá trình hỏi bệnh, kiểm tra bệnh sử, các triệu chứng bất thường mà bạn gặp phải trong những chu kỳ kinh nguyệt gần đây.
Dựa trên các triệu chứng và tuổi của bạn, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp:
- Thử thai: Để kiểm tra xem tình trạng chảy máu âm đạo có liên quan đến vấn đề mang thai hay không.
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm này kiểm tra công thức máu, tình trạng thiếu máu và nồng độ hormone và loại trừ một số bệnh về máu.
- Kiểm tra siêu âm — Sóng âm thanh được sử dụng để tạo hình ảnh của các cơ quan vùng chậu, giúp bác sĩ quan sát xem liệu có bất thường nào xảy ra trong khoang chậu hay không, ví dụ như hình ảnh một khối u chẳng hạn.
- Nội soi tử cung — Một ống soi mỏng, có gắn đèn sáng được đưa qua âm đạo và qua cổ tử cung, đi đến tử cung để quan sát tình trạng bên trong tử cung.
- Sinh thiết nội mạc tử cung — Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ để lấy một mẫu nội mạc tử cung để quan sát dưới kính hiển vi xem có bất thường hay không.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) —Kiểm tra MRI sử dụng từ trường mạnh và sóng âm để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng. Kỹ thuật này được áp dụng trong trường hợp hình ảnh siêu âm cho kết quả chưa đủ rõ ràng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) —Quy trình chụp X-quang này cho thấy các cơ quan và cấu trúc bên trong khung chậu ở mặt cắt ngang.
Điều trị rong huyết
Nguyên tắc điều trị rong huyết là nhằm:
- Kiểm soát và ngăn chặn tình trạng chảy máu
- Tái lập chu kỳ kinh nguyệt bình thường
- Điều trị hỗ trợ (điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra rong huyết)
- Nâng cao thể trạng (uống bổ sung sắt hoặc thay đổi chế độ dinh dưỡng nếu người bệnh suy nhược cơ thể do thiếu máu)
Những phụ nữ bị rong huyết do thuốc tránh thai hay áp dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản tương tự thì thường không cần điều trị. Bởi đây chỉ là tình trạng tạm thời, rong huyết sẽ tự hết sau một thời gian.
Rong huyết kéo dài kèm theo ra nhiều máu thì cần điều trị. Bệnh nhân phải được xác định nguyên nhân cụ thể. Các bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị phù hợp, có thể là điều trị nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa.
Theo: chuyengiaphukhoa.vn