Mang thai, cho con bú hay giai đoạn mãn kinh là lý do thường gặp nhất khiến kinh nguyệt của phụ nữ dừng lại tạm thời. Thế nhưng, còn rất nhiều nguyên nhân khác gây ra hiện tượng mất kinh nguyệt một cách bất thường. Dưới đây là 8 lý do phổ biến gây mất kinh nguyệt, các chị em cần biết để phòng tránh.
Mục lục
1/ Bạn đang Stress ở mức độ cao
Căng thẳng trầm trọng và kéo dài làm thay đổi quá trình sản xuất gonadotrophin hormone (GnRH) – một loại hormone tiết ra ở vùng dưới đồi. Hormone này đóng vai trò then chốt trong quá trình thúc đẩy sản xuất hormone tuyến yên và hormone sinh dục tại buồng trứng. Lượng hormone GnRH suy giảm kéo theo sự suy giảm của các loại hormone khác liên quan, và vì thế quá trình rụng trứng không còn diễn ra đều đặn nữa.
Có rất nhiều dạng căng thẳng khác nhau, không chỉ là những căng thẳng do chuyện công việc hay học tập. Nếu bạn phải đang đối phó với một tình huống quá sức chịu đựng hoặc trải qua lo lắng kéo dài, thì kinh nguyệt của bạn có thể bị tạm ngưng. Do đó, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được tư vấn chi tiết để biết được nên làm gì giúp giải quyết vấn đề. Khi mức độ căng thẳng được kiểm soát, bạn có thể sẽ phải mất vài tháng hoặc lâu hơn để kinh nguyệt ổn định trở lại.
2/ Đồng hồ sinh học thay đổi
Nếu như bạn thường xuyên thay đổi ca làm việc, từ ngày sang đêm hoặc bạn phải di chuyển theo lịch trình công tác, đi du lịch thì vòng kinh của bạn cũng sẽ bị thay đổi theo.
Nói chung, những thay đổi này làm đảo lộn đồng hồ sinh học tự nhiên trong cơ thể vì vậy mọi chức năng sinh lý cũng rối loạn theo, trong đó có cả các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt.
3/ Bạn rèn luyện thể chất “quá cực đoan”
Tập thể dục với những bài tập nặng, trong thời gian dài có thể gây ra sự thay đổi của hormone tuyến yên và hormone tuyến giáp, dẫn đến sự “lệch nhịp” về thời gian rụng trứng và kinh nguyệt.
Nguyên nhân này được giải thích là do rèn luyện thể thao quá độ gây ra tình trạng căng thẳng (với những ảnh hưởng tương tự được nói đến ở trên). Hơn nữa, những người rèn luyện thể thao quá nhiều thì lượng mỡ trong cơ thể rất thấp. Mỡ là thành phần cần thiết để tạo ra estrogen. Khi không có đủ lượng chất béo, tất yếu rối loạn nội tiết sẽ xảy ra và làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt. Chính vì vậy nên những nữ vận động viên thể thao chuyên nghiệp thường là đối tượng hay bị vô kinh, mất kinh, thậm chí là hiếm muộn do kinh nguyệt trễ trong một thời gian dài.
Tất nhiên, chúng ta phải tập thể dục vất vả nhiều giờ, liên tục mỗi ngày mới đủ để tạo ra sự thay đổi này. Nếu bạn đang tập thể dục, đừng quá lo lắng. Hãy chắc chắn rằng các môn thể thao mà bạn rèn luyện là vừa sức và không chiếm quá nhiều thời gian trong ngày.
4/ Bệnh lý
Một số bệnh lý có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt như là: bệnh cường giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), suy buồng trứng sớm, khối u tuyến yên (có thể hoặc không thể là ung thư), các bệnh về tuyến thượng thận, u nang buồng trứng, rối loạn chức năng gan và đái tháo đường.
Khi bất kỳ bệnh nào trong số những bệnh này đều có thể ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Một khi những tổn thương thực thể này được điều trị dứt điểm thì tình trạng kinh nguyệt mới đều đặn trở lại.
Một số tình trạng bẩm sinh như là: hội chứng Turner và hội chứng không nhạy cảm androgen thường là nguyên nhân gây ra vô kinh kéo dài (3 tháng không có kinh nguyệt). Tuy nhiên, các bệnh này không thể chữa trị triệt để, vì vậy cần phải áp dụng nhiều biện pháp điều trị để kiểm soát triệu chứng lâu dài.
Một số bệnh cấp tính như: viêm phổi, đau tim, suy thận, viêm màng não có thể khiến hệ miễn dịch suy giảm trầm trọng, gây sút cân và thiếu hụt dinh dưỡng. Điều này ảnh hưởng ít nhiều tới nội tiết tố và gây ra vấn đề mất kinh nguyệt.
5/ Sự ảnh hưởng của thuốc men
Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc tuyến giáp, thuốc chống co giật, thuốc hóa trị, có thể khiến kinh nguyệt bị trì hoãn.
Thuốc có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của bạn, đó là điều chắc chắn và đã được giải thích. Bạn có thể tìm hiểu trong bài viết này Tại sao thuốc kháng sinh gây rối loạn kinh nguyệt?
Ngoài ra, các biện pháp tránh thai nội tiết như: thuốc tránh thai cấp tốc, thuốc tránh thai hằng ngày, vòng tránh thai nội tiết, miếng dán tránh thai cũng có thể gây mất kinh, trễ kinh tạm thời. Khi cơ thể bạn quen với nồng độ hormone mới thì kinh nguyệt sẽ ổn định trở lại.
6/ Thay đổi cân nặng
Thừa cân, thiếu cân hoặc trải qua những thay đổi mạnh mẽ về cân nặng đều ảnh hưởng đến chu kỳ của bạn.
Chỉ số khối cơ thể quá cao (thừa cân) khiến cho các tế bào mỡ sản xuất hormone dư thừa, điều này sẽ phá vỡ hệ thống của cơ thể dẫn tới tình trạng insulin, viêm, tăng huyết áp, nguy cơ tim mạch, tăng đông máu và các vấn đề phát triển tế bào trứng.
Khi chỉ số cơ thể quá thấp (gầy), cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt hormone leptin, điều này cản trở quá trình rụng trứng, kinh nguyệt thất thường. Khi cơ thể thiếu chất béo và các chất dinh dưỡng khác, nó không thể sản xuất hormone theo cách cần thiết.
7/ Hút thuốc lá
Thuốc lá có chứa rất nhiều thành phần độc hại (Nicotine, carbon monoxide, tar, asen, ammonia và hydro cyanide), nó không chỉ làm tổn thương phổi mà còn ảnh hưởng tới hàng loạt cơ quan khác trong cơ thể chúng ta.
Hút thuốc lá có liên quan đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và ung thư, chúng còn tác động không nhỏ tới hệ thống sinh sản của nữ giới, làm biến đổi ADN và mất cân bằng hormone khiến cho chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn. Các chuyên gia cho biết nữ giới nghiện hút thuốc lá có khả năng vô sinh cao gấp 2 lần so với người không sử dụng chất kích thích này.
8/ Nghiện rượu
Một chút rượu sẽ không gây bất kỳ mối lo ngại nào đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn uống rượu quá thường xuyên, thậm chí là nghiện rượu.
Rượu có thể làm tăng tạm thời mức độ estrogen và testosterone của bạn , do đó gây ra trễ kinh hoặc kinh nguyệt tới sớm hơn so với dự kiến. Nghiện rượu mãn tính có thể gây ra các vấn đề về sinh sản, bao gồm cả vô sinh hiếm muộn và mất kinh nguyệt hoàn toàn.
Không chỉ vậy, uống rượu có thể dẫn đến mất nước, khiến phụ nữ bị đau bụng dữ dội hơn trong thời gian “đèn đỏ”. Tất nhiên, nhiều người bị đau bụng kinh, nhưng uống rượu có thể làm tăng thêm mức độ trầm trọng của triệu chứng này.
Nồng độ magiê thường dao động trong chu kỳ kinh nguyệt , nhưng rượu có thể khiến mức độ dao động mạnh mẽ hơn, gây ra sự suy giảm khoáng chất. Magie càng thấp, lượng đường trong máu càng thấp, các chị em có thể cảm thấy choáng váng, thèm ăn ngọt hơn bình thường.
Trên đây là những thông tin được Tinsuckhoe.org tổng hợp về nguyên nhân gây mất kinh nguyệt. Nhiều trong số đó liên quan tới những thói quen kém lành mạnh của chúng ta. Vì vậy, bạn cần học cách duy trì lối sống hoa học để đảm bảo sức khỏe về mặt tổng thể và sức khỏe sinh sản của bạn.
Trích từ nguồn:
- https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-late#stress
- https://www.verywellhealth.com/reasons-you-missed-your-period-2757503
- https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/menstrual-period-missed-or-late/
- https://www.nhs.uk/conditions/stopped-or-missed-periods/
- https://www.healthline.com/health/menstruation-absent
- https://www.healthline.com/health/is-it-normal-to-miss-a-period
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/322893
- chuyengiaphukhoa.vn