Kinh nguyệt không đều là một tình trạng khá phổ biến, ảnh hưởng tới khoảng 50 – 70% nữ giới trong độ tuổi thanh thiếu niên, ngay cả khi bạn đã 20 tuổi. Vậy kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 có phải là biểu hiện nguy hiểm? Đọc bài viết sau đây để tìm hiểu rõ hơn nhé.
Mục lục
Mất cân bằng nội tiết sinh lý ảnh hưởng đến kinh nguyệt ở tuổi thanh thiếu niên như thế nào?
Độ tuổi dậy thì trung bình của nữ giới là khoảng 12 – 15 tuổi, con số này có thể khác nhau ở từng vùng dân cư, từng quốc gia hoặc qua từng năm. Nhưng nhìn chung, các bé gái có xu hướng dậy thì sớm hơn trong những năm gần đây.
Kinh nguyệt xuất hiện là tín hiệu rõ ràng nhất nói với bạn rằng bạn đã thực sự dậy thì. Bạn hoàn toàn có khả năng sinh sản như một người phụ nữ trưởng thành.
Ở nữ giới, chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người có thể không giống nhau nhưng chúng thường dao động trong khoảng 22- 35 ngày. Nếu một người có chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 35 ngày hoặc ngắn hơn 22 ngày thì nghĩa là họ có kinh nguyệt không đều. Kinh nguyệt không đều còn phản ánh những bất thường liên quan tới thời gian hành kinh, nếu như bạn có thời gian hành kinh nhiều hơn 7 ngày hoặc ít hơn 2 ngày, thì bạn cũng đang gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều.
Trong một vài năm đầu của tuổi dậy thì, kinh nguyệt không đều ở các bé gái là hiện tượng hết sức bình thường, hầu như ai cũng từng trải qua.
Tình trạng này được lý giải là do sự vận hành “kém nhịp nhàng” của hệ trục nội tiết (bao gồm vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng) ở giai đoạn đầu của thời kỳ sinh sản. Các mắt xích trong hệ trục này liên kết chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng qua lại đến nhau. Vùng dưới đồi đóng vai trò là chỉ huy trưởng, chúng sản sinh ra hormone gonadotropin (GnRH) cần thiết để kích thích tuyến yên tiếp tục sản xuất ra 2 loại hormone khác đó là hormone hoàng thể hóa (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). Hai hormone này kích thích buồng trứng giải phóng hormone sinh dục nữ là estradiol (estrogen) và progesterone, để quá trình rụng trứng xảy ra. Nhưng nếu như các hormone tại tuyến yên sản xuất quá ít/quá nhiều thì hormone sinh dục tại buồng trứng cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa. Và như vậy, mất cân bằng hormone gây ảnh hưởng trực tiếp tới thời gian rụng trứng. Trứng có thể rụng sớm hoặc muộn so với chu kỳ bình thường của nó, gây ra kinh nguyệt không đều.
Vùng dưới đồi có thể bị tác động dễ dàng bởi những yếu tố đến từ lối sống như là căng thẳng, stress, chế độ ăn uống hay luyện tập. Cho nên, một vòng quay luẩn quẩn lại xảy ra, chức năng của vùng dưới đồi bị rối loạn, sẽ tác động đến các mắt xích còn lại.
Kinh nguyệt bị rối loạn do sự thay đổi nội tiết sinh lý là điều thường thấy, chu kỳ của bạn sẽ ổn định hơn sau 2 – 3 năm, nhưng cũng có thể lâu hơn, thậm chí khi bạn đã 20 tuổi. Mỗi người sẽ có một cột mốc ổn định, không ai giống ai, và chỉ có bản thân bạn mới có thể tự nhận ra đó là khi nào.
Nếu kinh nguyệt không đều khi 20 tuổi, liệu bạn có nguy cơ mắc bệnh gì?
Như đã nói ở trên, kinh nguyệt không đều ở tuổi 20, phần nhiều là do rối loạn nội tiết tố sinh lý và tác động từ lối sống như là:
- Tập thể dục với cường độ cao, đây là lý do tại sao những nữ vận động viên chuyên nghiệp thường có vòng kinh không đều, thậm chí là mất kinh nguyệt, do họ có lượng cơ bắp lớn nhưng khối lượng mỡ lại rất thấp.
- Chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc rối loạn ăn uống (thèm ăn quá mức hoặc chán ăn), ăn uống không khoa học khiến cơ thể rơi vào tình cảnh “thừa cân” hoặc “thiếu cân”, lượng mỡ quá nhiều hoặc quá ít sẽ ảnh hưởng đến lượng estrogen trong cơ thể. Rối loạn hormone sẽ dẫn tới kinh nguyệt không đều.
- Căng thẳng, rối loạn tâm lý làm suy yếu chức năng vùng hạ đồi, các tín hiệu thần kinh chuyển tới tuyến yên và buồng trứng sẽ kém nhạy cảm, vì thế hormone tại những nơi này sẽ không được xuất tiết một cách đều đặn.
- Tác dụng của một vài loại thuốc (thuốc chống loạn thần, thuốc kháng sinh, thuốc chống đông máu, thuốc hóa trị…
- Ảnh hưởng của một số biện pháp kiểm soát sinh sản (thuốc tránh thai, vòng âm đạo, miếng dán tránh thai, đặt vòng tránh thai nội tiết…)
Bên cạnh đó, kinh nguyệt không đều có thể là dấu hiệu chỉ ra một số bệnh nguy hiểm, bạn nên cẩn thận:
Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang là một bệnh lí rối loạn nội tiết, nó cản trở khả năng rụng trứng bình thường của cơ thể, khiến cho vòng kinh dài hơn (90 ngày mới có kinh nguyệt). Hành kinh không thường xuyên là dấu hiệu đặc trưng của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Phụ nữ bị mắc hội chứng này thì hầu như mỗi năm chỉ có kinh nguyệt 3 – 4 lần.
Ngoài ra, người bệnh có thể có thêm những biểu hiện khác như là rậm lông, đầu ít tóc, da nhiều mụn trứng cá, giọng nói trầm hơn, béo phì…Nếu không được điều trị sớm, phụ nữ hoàn toàn có nguy cơ vô sinh hiếm muộn với căn bệnh này.
Mãn kinh sớm hoặc suy buồng trứng sớm
Khi buồng trứng của bạn lão hóa, sự rụng trứng bắt đầu xảy ra sớm, khiến vòng kinh ngắn hơn. Sau một vài tháng, kinh nguyệt có thể xuất hiện sớm hơn ở mỗi chu kỳ. Thông thường, điều này xảy ra với phụ nữ ở độ tuổi 40 khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, nhưng khi nó xảy ra ở độ tuổi 20 hoặc 30, đó có thể là dấu hiệu cho thấy chức năng buồng trứng của bạn suy giảm sớm hơn bình thường và người ta gọi đó là suy buồng trứng nguyên phát.
Bệnh viêm vùng chậu (PID)
Đây là một bệnh nhiễm trùng của các cơ quan sinh sản và thường được gây ra bởi các STI như chlamydia và lậu, có thể đi vào cơ thể khi không được phát hiện và không được điều trị. Phụ nữ mang thai, nạo phá thai hoặc sảy thai cũng có nguy cơ cao lây nhiễm các vi khuẩn này. Nhiễm trùng vùng chậu có thể hình thành các mô sẹo trong tử cung, vòi trứng, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thụ thai, do đó phụ nữ có thể bị vô sinh.
Triệu chứng chung của viêm vùng chậu là sự thay đổi trong dịch tiết âm đạo (khí hư ra nhiều và có màu xanh hay vàng), đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và sốt, PID cũng có thể làm cho chu kỳ của bạn không đều. Nếu chu kỳ của bạn bị trễ thường xuyên và bạn nhận thấy bất kỳ vấn đề nào khác, hãy kiểm tra càng sớm càng tốt.
U xơ tử cung và polyp tử cung
Là những tăng trưởng bất thường bên trong tử cung, nhưng chúng thường không phải là ung thư. U xơ và polyp có thể khiến bạn bị ra nhiều máu và đau đớn trong thời gian “đèn đỏ”. Chúng cũng có thể gây ra chảy máu bất thường giữa chu kỳ. Mặc dù tất cả chị em trong độ tuổi sinh đẻ đều có nguy cơ mắc những bệnh này, nhưng chúng phổ biến hơn ở những phụ nữ bị thừa cân.
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp hoạt động quá mức (bệnh cường giáp) hoặc quá kém (bệnh suy giáp) có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt hormone tuyến giáp. Cả hai vấn đề này đều ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Nếu như hormone tuyến giáp quá nhiều, nữ giới có thể bị thiểu kinh. Ngược lại, nếu như hormone tuyến giáp không đủ đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể, người bệnh sẽ bị rong kinh kéo dài.
Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng lớp nội mạc tại tử cung không đào thải ra ngoài vào thời gian hành kinh như bình thường mà nó lại trôi ngược lên những cơ quan sinh sản khác, có thể là vòi trứng, buồng trứng, thậm chí là trực tràng. Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thì hay bị rong kinh (thời gian hành kinh kéo dài >7 ngày). Một số người sẽ thấy bụng rất đau trong thời gian này hoặc ra máu bất thường.
Ở một số phụ nữ, các mô lạc nội mạc tử cung có thể tích tụ hoặc thậm chí lan rộng theo thời gian, chúng sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.
Kinh nguyệt không đều ở tuổi 20 – bạn có thể làm gì?
Theo chúng tôi, nếu bạn có kinh nguyệt không đều trong suốt một khoảng thời gian dài, nhất là khi nó diễn biến liên tục từ thời điểm dậy thì cho đến nay, thì bạn nên đi khám. Biết được nguyên nhân chính xác với tình trạng của mình sẽ giúp bạn giải tỏa những nghi ngờ liên quan đến kinh nguyệt. Đồng thời, đó là điều cần thiết để bạn nhận được hướng dẫn điều trị kịp thời, trong trường hợp bạn mắc phải một bệnh lí cụ thể nào đó.
Điều trị từ sớm, khả năng chữa khỏi cao hơn, tiết kiệm chi phí tốt hơn, quan trọng nhất, nó sẽ giúp bạn bảo tồn tối đa khả năng sinh sản. Tránh những biến chứng không mong muốn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.
Như đã nói ở trên, kinh nguyệt không đều ở tuổi thanh thiếu niên đa phần là do rối loạn nội tiết tố sinh lý, về vấn đề này, hầu như chúng ta sẽ không thể làm gì để ngăn chặn được, bởi nó xảy ra theo lẽ tự nhiên.
Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể cải thiện lối sống của mình theo cách tốt hơn để làm giảm những triệu chứng khó chịu do kinh nguyệt không đều gây ra và phòng ngừa sớm những nguy cơ có thể gây ra hiện tượng này. Bằng cách:
Chọn lựa chế độ ăn uống lành mạnh, đủ 4 dưỡng chất cơ bản (đạm – tinh bột – chất béo -vitamin & khoáng), bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn.
Duy trì cân nặng ở ngưỡng vừa phải, không để cơ thể quá gầy hay quá béo.
Tập thể dục thường xuyên 30′ mỗi ngày, với những bài tập nhẹ nhàng, bạn có thể thử trải nghiệm yoga hoặc bất cứ bộ môn nào bản thân yêu thích, miễn là nó vừa sức.
Hãy chắc chắn rằng bạn đang kiểm soát tốt căng thẳng, đừng để nó “vượt ngưỡng”, hãy học cách giải tỏa cảm xúc của bản thân bằng cách thư giãn và nói chuyện với bạn bè.
Ngủ đủ giấc bạn nhé, thời gian ngủ 7 – 9 tiếng mỗi đêm là quan trọng nhưng nó chưa quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ. Hãy điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng và ngăn chặn mọi âm thanh gây phiền nhiễu khi bạn đang ngủ. Đừng làm việc hay ăn quá khuya nhé, bạn sẽ cảm thấy khó khăn hơn để đi vào giấc ngủ với một chiếc bụng ì ạch đó.
Trên đây là những thông tin được Tinsuckhoe.org tổng hợp về hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi 20g. Hi vọng nó trở thành cẩm nang chăm sóc sức khỏe sinh sản hữu ích với các bạn.
Theo: chuyengiaphukhoa.vn