Kinh nguyệt không đều rất phổ biến ở tuổi dậy thì. Nguyên nhân gây ra tình trạng này đa phần là do vấn đề sinh lý tự nhiên, nhưng đôi khi nó cũng phản ánh những bất thường liên quan đến bệnh lí trong cơ thể. Vậy, nếu như một cô gái 17 tuổi có kinh nguyệt không đều thì có đáng lo hay không? Cô ấy nên làm gì để cải thiện tình hình? Để tìm hiểu về điều đó, hãy đọc bài viết sau đây bạn nhé.
Mục lục
Dấu hiệu kinh nguyệt không đều
Kinh nguyệt không đều được hiểu là những bất ổn về số ngày phụ nữ có kinh nguyệt và độ dài vòng kinh của họ.
Cụ thể là:
(1) Vòng kinh (tương đương 1 chu kỳ kinh nguyệt) ở phụ nữ khỏe mạnh nằm trong khoảng 22- 35 ngày, trong đó phổ biến nhất là vòng kinh 28 – 32 ngày. Nếu như, một người có vòng kinh nằm lệch khỏi thời gian này thì nghĩa là họ có kinh nguyệt không đều.
- Có kinh nguyệt trước 22 ngày thì được gọi là kinh sớm (hay vòng kinh ngắn).
- Có kinh nguyệt sau 35 ngày thì được gọi là chậm kinh (vòng kinh thưa). Chậm kinh có nhiều mức độ khác nhau, với những người 1 – 2 tháng mới có kinh nguyệt, lượng máu kinh rất ít thì gọi là tắc kinh. Trường hợp nghiêm trọng hơn, 3 – 4 tháng mới hành kinh một lần thì gọi là vô kinh.
(2) Trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt, sẽ có một thời gian được gọi là hành kinh (lớp lót niêm mạc tử cung cùng với trứng không được thụ tinh đào thải ra ngoài). Bình thường, phụ nữ sẽ hành kinh trong khoảng từ 2 – 7 ngày. Nếu như thời gian này quá ngắn (ít hơn 2 ngày – thiểu kinh) hoặc quá dài (nhiều hơn 7 ngày – rong kinh) thì cũng được xác định là kinh nguyệt không đều.
- Máu kinh tiết ra quá nhiều (nhiều hơn 80ml/kỳ) và kéo dài thì người ta gọi đó là cường kinh
- Máu kinh xuất hiện một cách bất thường, không đúng thời điểm “đèn đỏ”, thường là vào giữa kỳ chu kỳ kinh nguyệt thì được gọi là rong huyết.
Ngoài những dấu hiệu nói trên, khi phụ nữ có kinh nguyệt không đều, họ có thể gặp phải nhiều bất thường khác như là: máu kinh thay đổi màu sắc (màu nâu, màu đen), máu kinh vón cục, đau bụng kinh dữ dội, tăng giảm cân nặng, rối loạn ăn uống, căng thẳng cảm xúc,…
Nguyên nhân gây ra kinh nguyệt không đều ở tuổi 17
Do rối loạn nội tiết tố tự nhiên
Rối loạn nội tiết tự nhiên là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi 17.
Tuổi 17, không phải là cột mốc chính xác đánh dấu sự bất ổn liên quan đến rối loạn kinh nguyệt. Một teengirl có thể bị rối loạn kinh nguyệt ngay từ chu kỳ đầu tiên và kéo dài nhiều năm sau nữa. Nhưng thông thường, qua nhiều năm, kinh nguyệt sẽ dần ổn định hơn trước.
Mọi trục trặc về kinh nguyệt đều bắt nguồn từ sự mất cân bằng nội tiết. Mất cân bằng nội tiết tố tự nhiên có thể xảy ra vào nhiều thời điểm khác nhau trong quãng đời của phụ nữ như là: tuổi dậy thì, giai đoạn mang thai và cho con bú, giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh.
Xét riêng ở tuổi dậy thì, cơ thể nữ giới trải qua hàng loạt thay đổi lớn, hệ trục nội tiết của cơ thể bắt đầu đi vào hoạt động, do đó nó chưa thực sự linh hoạt. Có thể phải mất vài năm để hệ trục này ổn định, khi đó nồng độ estrogen và progesterone mới đạt được sự cân bằng.
Ngoài ra, nội tiết tố cũng có thể gây ra kinh nguyệt không đều ở tuổi thiếu niên vì những lý do sau:
- Căng thẳng, stress
- Chế độ ăn uống kém khoa học
- Tập luyện thể thao quá sức
- Giảm cân hoặc rối loạn ăn uống
- Tác dụng phụ của thuốc hay thực hiện các biện pháp kiểm soát sinh sản
Do bệnh lí gây ra
Mặc dù thông thường các cô gái có thể bị trễ kinh trong một vài năm đầu tiên của tuổi dậy thì, nhưng nếu như thời gian bị mất kinh nguyệt quá thường xuyên, tính bằng nhiều tháng thì đó không còn là vấn đề bình thường nữa.
Kinh nguyệt không đều do bệnh lí là nguyên nhân khá hiếm gặp, nhưng không phải là không thể xảy ra. Đó có thể là dấu hiệu cảnh báo chỉ ra nhưng tình trạng tiềm ẩn như sau:
Rối loạn chức năng tuyến giáp: Tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc quá kém có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt hormone tuyến giáp. Cả hai vấn đề này đều ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Nếu như hormone tuyến giáp quá nhiều, nữ giới có thể bị thiểu kinh. Ngược lại, nếu như hormone tuyến giáp không đủ đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể, người bệnh sẽ bị rong kinh kéo dài.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Có khoảng 10 – 20% nữ giới trong độ tuổi sinh sản bị PCOS. Hội chứng buồng trứng đa nang là một rối loạn nội tiết được đặc trưng bởi sự dư thừa hormone androgen hoặc testosterone. Sự mất cân bằng của hormone gây cản trở sự phát triển và giải phóng trứng từ buồng trứng, nó ngăn chặn hiện tượng rụng trứng và kinh nguyệt xảy ra. Vì thế, nữ giới mắc hội chứng này thường bị vô kinh, thậm chí 1 năm chỉ hành kinh 2 – 3 lần.
Suzanne Kavic, MD, giám đốc khoa Nội tiết sinh sản, Hệ thống Y tế Đại học Loyola (LUHS) cho biết. “Nếu chu kỳ kinh nguyệt thất thường kéo dài vào những năm tuổi thiếu niên, các cô gái nên gặp bác sĩ chuyên khoa để xác định xem có điều gì khác có thể gây ra vấn đề này không.” Vì nhiều cô gái chủ quan, bỏ qua những dấu hiệu quan trọng, họ chỉ nghĩ đơn giản rằng đó là hiện tượng bình thường của tuổi dậy thì.
Các dấu hiệu khác liên quan đến PCOS có thể là tình trạng béo phì, trên cơ thể có nhiều lông, nhất là lông mặt hay ria mép, mọc nhiều mụn trứng cá tóc mỏng trên đầu,…Nữ giới bị hội chứng buồng trứng đa nang có nguy cơ đối mặt với những tình trạng nguy hiểm như là cao huyết áp, mỡ máu, ung thư nội mạc tử cung hay tiểu đường.
Bệnh viêm vùng chậu (PID): Đây là bệnh nhiễm trùng hệ thống sinh sản nữ liên quan tới các bộ phận như là tử cung, vòi trứng, buồng trứng, các mô mềm lân cận và phần phụ. Quan hệ tình dục không an toàn hoặc vệ sinh vùng kín không đúng cách là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh ngoại sinh và nội sinh phát triển gây ra viêm nhiễm. Nếu được phát hiện sớm, viêm vùng chậu có thể được điều trị bằng kháng sinh, nhưng nếu nó lan rộng, nó có thể làm hỏng ống dẫn trứng và tử cung, dẫn đến đau mãn tính hoặc vô sinh. Dấu hiệu nổi bật của viêm vùng chậu là ra máu bất thường không phải trong kỳ kinh nguyệt, khí hư ra nhiều, có màu xanh hoặc vàng, vùng kín ngứa ngáy,…
Các nguyên nhân khác: Kinh nguyệt không đều ở tuổi thiếu niên có thể là do các nguyên nhân hiếm gặp hơn, như là:
- Lạc nội mạc tử cung
- Suy buồng trứng sớm
- Ung thư cổ tử cung hoặc tử cung
- Khối u tuyến yên
- Dị tật đường sinh dục…
Chẩn đoán kinh nguyệt không đều diễn ra như thế nào?
Để chẩn đoán tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là do đâu, bạn sẽ phải trải qua 3 bước khám cơ bản, đó là:
Khám lâm sàng:
Bác sĩ sẽ thu thập những thông tin cơ bản về bệnh nhân như là:
- Tên, tuổi, địa chỉ
- Chiều cao, cân nặng
- Khai thác tiền sử bệnh nhân (trước đó từng bị bệnh gì hay không, có đang sử dụng bất kì loại thuốc nào hay không, trong gia đình có ai bị bệnh tật nào hay không…)
- Các triệu chứng liên quan đến rối loạn kinh nguyệt mà bệnh nhân gặp phải. Bác sĩ có thể đặt ra những câu hỏi tương đối nhạy cảm, để làm rõ vấn đề, ngay cả là chuyện tình dục.
Khám thực thể:
Bác sĩ có thể kiểm tra phần ngực, cổ, hay vùng chậu, soi cổ tử cung của bệnh nhân để phát hiện bất thường.
Khám cận lâm sàng:
Bác sĩ sẽ chỉ định từng loại xét nghiệm phù hợp để sàng lọc những bệnh không liên quan, giúp phát hiện nguyên nhân chính xác.
Ví dụ như:
- Xét nghiệm dịch âm đạo để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng vùng chậu.
- Xét nghiệm máu để đo nồng độ một vài hormone cần thiết, xem có dấu hiệu dư thừa hay thiếu hụt hay không.
- Siêu âm, chụp CT, MRI để phát hiện những tổn thương thực thể trong đường sinh dục.
Nên làm gì khi kinh nguyệt không đều ở độ tuổi này?
Thực hiện lối sống lành mạnh
Trong hầu hết các trường hợp, kinh nguyệt không đều ở tuổi thanh thiếu niên chỉ là vấn đề sinh lý tự nhiên. Nó xuất hiện theo lẽ tất yếu, bạn cũng không thể làm gì để ngăn chặn, nhưng bạn hoàn toàn có thể học cách thay đổi lối sống khoa học hơn để giảm bớt hoặc cải thiện những rắc rối do kinh nguyệt không đều gây ra:
(1) Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung thêm rau củ và những thực phẩm cung cấp sắt để hạn chế tình trạng thiếu máu. Nói không với những thực phẩm tinh chế, có nhiều gia vị hoặc chất kích thích (rượu, bia, thuốc lá).
(2) Không vì “ám ảnh” cân nặng hoàn hảo mà ăn kiêng theo chế độ quá hà khắc. Nếu cơ thể bạn quá gầy, không đủ lượng mỡ để tái tạo hormone, kinh nguyệt của bạn sẽ trở nên rối loạn.
(3) Rèn luyện thể chất mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể, nhưng tuyệt đối không tham gia các hình thức rèn luyện quá sức, trong thời gian dài. Hãy chọn môn thể thao bạn yêu thích (bơi lội, yoga, aerobic, nhảy hiện đại…) miễn là nó vừa sức và khiến bạn hào hứng.
(4) Không để chuyện học hành ảnh hưởng đến tâm lý, cần ngủ đủ giấc để duy trì trạng thái tinh thần tốt nhất. Nếu bạn lo lắng bất cứ vấn đề gì trong cuộc sống, đừng tự chịu đựng một mình, hãy nói chuyện với cha mẹ hoặc bạn bè để cảm thấy thoải mái hơn.
(5) Vệ sinh vùng kín sạch sẽ với dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, không thụt rửa âm đạo. Trong những ngày đèn đỏ, bạn cần lưu ý thay băng vệ sinh thường xuyên và rửa vùng kín nhiều lần hơn để giảm mùi hôi và viêm ngứa.
Điều trị kịp thời
Nếu bạn bị rối loạn kinh nguyệt là do bệnh lí, bạn sẽ cần phải điều trị để tránh gây ra biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản về sau.
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào:
- Nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều
- Các triệu chứng và mức độ triệu chứng bệnh nhân gặp phải
- Sức khỏe nói chung của người bệnh
- Tiền sử bệnh tật của người bệnh
Các phương pháp điều trị kinh nguyệt không đều chủ yếu:
Vấn đề về tuyến giáp: Biện pháp điều trị bao gồm thuốc, liệu pháp iốt phóng xạ hoặc phẫu thuật.
Hội chứng PCOS: Điều trị lối sống về vấn đề ăn uống và tập thể dục để giảm bớt cân nặng dưa thừa. Bác sĩ có thể kê toa metformin, một loại thuốc uống hạ insulin cho bệnh tiểu đường loại 2 ở bệnh nhân bị hội chứng buồng trứng đa nang để hiện tượng rụng trứng diễn ra đều đặn hơn.
Ngoài ra, uống thuốc tránh thai liều thấp kết hợp giữa estrogen và progesterone có thể giúp ích. Điều này sẽ làm giảm sản xuất androgen và sẽ giúp điều chỉnh chảy máu bất thường.
Suy buồng trứng sớm: Điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế HRT.
Dị tật bẩm sinh hay các vấn đề thể chất khác như là khối u tại tuyến yên, lạc nội mạc tử cung: có thể điều trị bằng phẫu thuật, hay các thủ thuật ngoại khoa khác.
Theo: chuyengiaphukhoa.vn