Rôm sảy, mẩn ngứa là một hiện tượng rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Chúng thường xuất hiện khi thời tiết oi nóng, thậm chí chúng còn phát đi, phát lại rất nhiều lần khiến cho bé có cảm giác khó chịu, đau rát. Chính vì vậy mà rất nhiều mẹ đã dùng lá sài đất để tắm cho con để loại bỏ rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa. Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để biết được các công dụng của lá sài đất, cũng như cách tắm cho bé bằng lá sài đất để đạt hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất.
Mục lục
1. Tổng quan về cây sài đất
(Cây sài đất)
Cây sài đất còn có tên gọi khác là cây húng trám, ngổ núi, cúc giáp, cúc nháp.
Tên khoa học: Wedelia calendulacea Less.
Họ: Cúc.
- Cây sài đất là một loài cây dại, có thân màu xanh, thân có trắng cứng, thân mọc đến đâu thì rễ bò ra đến đó.
- Lá có màu xanh hình bầu dục, lá gần như dính vào thân, không có cuống và thường mọc đối nhau. Mép lá có các răng cửa nhỏ, trên và dưới lá được phủ bởi một lớp lông.
- Hoa của cây sài đất được mọc từ kẽ lá, thường mọc thành một cụm, có màu vàng tươi. Cuống dài khoảng 5cm trở lên và có hình dáng giống như bông hoa đồng tiền.
- Mùa hoa cây sài đất thường từ tháng 3 đến tháng 5.
Phân bố: Cây sài đất ưa sống ở những nơi đất ẩm và mát. ở nước ta, cây này được mọc hoang ở khắp nơi. Bạn có thể tìm thấy cây sài đất ở bờ ruộng, ven đường.
Thành phần hóa học: Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học cho biết rằng cây sài đất có chứa nhiều thành phần các chất như:
- Tanin, saponin, mucin, ligin, pectin và cellulose.
- Các hợp chất béo, tinh dầu, muối vô cơ.
- Dịch ép chứa dầu hòa tan chiếm 11.2% và nhiều thành phần mang dược tính tốt cho cơ thể.
2. Tác dụng của việc tắm lá sài đất cho bé
Trị rôm sảy cho bé: Theo đông y thì sài đất có vị chua, tính mát. Chính vì vậy, thường được dùng để thanh nhiệt, giải độc cơ thể cho bé như trị rôm sảy, mẩn ngứa rất hiệu quả. Ngoài ra, trong lá sài đất có chứa chất tanin có tác dụng tốt trong việc kháng viêm, kháng khuẩn nên có thể ức chế được sự phát triển của các vi khuẩn có hại cho da của bé. Nhờ lý do này, mà rất nhiều mẹ bỉm sữa đã dùng lá sài đất tắm cho con để trị rôm sảy, mụn nhọt.
Trị mụn nhọt cho bé: Thủ phạm chính gây ra mụn nhọt cho bé chính là các vi khuẩn bám trên bề mặt da. Mà trong lá sài đất có chứa nhiều các thành phần kháng viêm, kháng khuẩn cao nên có thể ức chế được sự phát triển của các vi khuẩn. Ngoài ra, chất tanin còn có một công dụng đó là tạo ra một lớp màng mỏng trên bề mặt da nên có thể ngăn chặn chảy máu và nhiễm trùng hiệu quả, giúp cho vết thương nhanh lành lại. Chính vì vậy, lá sài đất có thể điều trị mụn nhọt cho bé rất hiệu quả.
Giúp da sạch sẽ và mát da: Việc tắm cho con bằng lá sài đất, ngoài việc có thể điều trị được rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa, nó còn có tác dụng loại bỏ hết các bụi bẩn và bã nhờn bám trên bề mặt da, giúp cho con có cảm giác thông thoáng và sạch sẽ. Ngoài da, lá sài đất có tính mát nên mẹ có thể tắm cho con trong những ngày nắng nóng để cho da của con được mát hơn.
Ngoài những tác dụng trên, cây sài đất còn được sử dụng nhiều để giải độc gan, hạ sốt, cầm ho, giải cảm, viêm họng, viêm phế quản, tăng huyết áp…
Xem thêm: Mách mẹ 8 loại lá trị rôm sảy cho bé một cách hiệu quả và an toàn.
3. Cách làm nước tắm bằng lá sài đất cho bé
Nguyên liệu chuẩn bị: Mẹ hãy chuẩn bị 3000 gam lá sài đất tươi, đem rửa sạch để loại bỏ hết bụi bẩn và các vi khuẩn. Sau đó, bạn ngâm với nước muối pha loãng tầm 10 – 15 phút thì vớt ra.
Lưu ý:
- Cây sài đất bạn chuẩn bị cho con phải đảm bảo sạch, mẹ nên mua ở những cửa hàng uy tín và đảm bảo để tránh cây có chứa thuốc trừ sâu hoặc thuốc bảo vệ thực vật để tránh gây dị ứng cho da của bé.
- Để tắm cho con đạt được kết quả tốt nhất, mẹ nên chọn những lá sài đất còn tươi, không bị héo, dập.
- Sau khi mua về, mẹ lên kiểm tra và nhặt lại xem cây sài đất có lẫn với các loại cây khác không.
- Nhiều mẹ ở thành phố nên có khi không biết cây sài đất, chính vì vậy để tránh nhầm lẫn mẹ có thể kiểm tra hình ảnh của cây trước khi đi mua vì có cây lỗ địa cúc hoặc cỏ roi ngựa nhìn qua cũng rất giống với cây sài đất.
Cách làm nước tắm bằng lá sài đất cho bé:
- Sau khi rửa sạch, mẹ có thể cho vào máy xay hoặc lấy cối giã nát lá sài đất.
- Dùng một chiếc khăn xô lọc bỏ bã, lấy phần nước cốt.
- Bạn lấy phần nước vừa lọc được pha thêm với 2 lít nước lọc. Sau đó, đun sôi tầm 10-15 phút để các chất trong lá ngấm hết ra nước thì tắt bếp.
- Đổ nước vừa đun ra chậu tắm, pha thêm với nước lọc để tắm cho con, sao cho nhiệt độ nước trong chậu từ 35 – 38 độ C.
4. Cách tắm cho con với nước lá sài đất
- Mẹ đặt bé nhẹ nhàng vào trong chậu nước tắm, để tránh trường hợp bé bị trơn trượt mẹ có thể lót cho con một chiếc khăn ở dưới đáy chậu tắm.
- Mẹ dùng một chiếc khăn xô, thấm nước tắm rồi lau khắp cơ thể của bé. Bạn nên lau theo tuần tự từ mặt, cổ, lưng, bụng rồi đến chân tay, vùng kín. Với những vùng da bị rôm sảy, mụn nhọt mẹ cần lau nhẹ nhàng tránh các vết rôm sảy bị vỡ ra, không kỳ mạnh vì có thể dẫn đến da bé bị trầy xước. Ngoài ra, mẹ nên kỳ kĩ những vùng da có nhiều mồ hôi, nếp gấp như: cổ, nách, bẹn.
- Sau khi tắm xong, bạn tráng qua người của con với nước ấm để có thể loại bỏ được các cặn của lá có thể còn dính lên da của bé.
- Tắm xong, mẹ dùng khăn mềm lau khô người, mặc quần áo cho bé.
Xem thêm: Top 9 loại sữa tắm chống cảm cho bé hiệu quả.
5. Một số lưu ý khi tắm cho bé bằng lá sài đất
- Trước khi xay hoặc dùng cối giã lá sài đất, mẹ nên rửa sạch máy xay và cối, tránh có bụi bẩn hoặc vi khuẩn trú ngụ ở đó, như vậy có thể ảnh hưởng đến làn da của bé.
- Mẹ nên tắm cho con ở nơi kín gió, tùy vào thời tiết mà mẹ có thể tắm cho con vào buổi trưa hoặc buổi chiều sao cho con không bị lạnh.
- Mẹ chỉ nên tắm cho con trong vòng 5 phút để tránh con bị cảm lạnh. Một tuần bạn chỉ nên áp dụng cho con từ 2 – 3 lần/tuần và tắm tối đa 1 lần/ngày.
- Để đảm bảo da của bé không bị dị ứng với nước tắm trên, mẹ nên thử trước khi tắm toàn thân cho bé bằng cách lấy 1 lượng nước sài đất nguyên chất, bôi lên vùng da tay của bé, đợi từ 1 – 2 tiếng. Nếu da bé không có hiện tượng mẩn đỏ thì khi đó mẹ có thể tắm cho con bằng lá sài đất.
- Để đạt được kết quả tốt nhất cho việc điều trị rôm sảy, mụn nhọt, mẩn ngứa mẹ nên đun nước lá sài đất vừa đủ, không nên nấu đặc quá. Vì nước tắm đặc có thể có các bột của lá bám trên da của bé, khi đó sẽ gây bít lỗ chân lông dẫn đến bé bị viêm nhiễm.
- Trong trường hợp da của bé bị sưng tấy, có mủ hoặc trầy xước thì mẹ tuyệt đối không nên tắm lá sài đất cho con trong thời gian này. Vì lá sài đất có tính sát khuẩn cao nên có thể dẫn đến tình trạng da của bé ngày càng trầm trọng hơn.
- Sau khi tắm cho bé bằng nước lá sài đất một thời gian, mà mẹ thấy con không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn thấy rôm sảy, mụn nhọt lan rộng ra các vùng da khác. Thì mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để có các biện pháp điều trị cho kịp thời.
Cảm ơn các mẹ đã theo dõi bài viết của Tinsuckhoe về cách tắm cho con bằng lá sài đất. Hi vọng qua bài viết này có thể cung cấp đầy đủ các thông tin hữu ích như công dụng của việc tắm lá sài đất cho bé, cũng như cách làm nước tắm và tắm cho bé để có thể mang lại hiệu quả và an toàn cho bé. Chúc các mẹ áp dụng cho con thành công phương pháp này!